Hủy tư cách CĐ chiến lược của VCG: Bộ Xây dựng nói gì?
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HNX: VCG) đã nhận được yêu cầu thu hồi 20% giá trị cổ phần ưu đãi và hủy tư cách cổ đông chiến lược đối với 4 nhà đầu tư sau 3 năm giữ vai trò là cổ đông chiến lược.
Bốn tổ chức bị hủy tư cách cổ đông chiến lược của Vinaconex gồm: Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank); Công ty Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) và Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Fico).
TS. Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết có hai nguyên nhân dẫn đến việc hủy tư cách cổ đông chiến lược của 4 nhà đầu tư trên. Ông nói:
- Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có khả năng tài chính, chuyển giao công nghệ, có uy tín, có mối quan hệ cung cấp nguyên vật liệu, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp theo Nghị định 187. Trên cơ sở đó Vinaconex đã chọn được 7 nhà đầu tư chiến lược, Bộ Xây dựng cũng đã phê duyệt chấp thuận 7 nhà đầu tư này.
Sau đó, thanh tra Chính phủ vào thanh tra tình hình cổ phần hóa của Vinaconex, trong kết luận của thanh tra Chính phủ có hai điểm.
Thứ nhất, theo văn bản của Thanh tra Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp trên, kể cả trước và sau khi biên bản được ký kết, họ đều chưa có quan hệ đối tác hỗ trợ gì cho Vinaconex. Có thể trước đây họ chưa có quan hệ đối tác, nhưng sau khi là cổ đông chiến lược họ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ, nhưng ở đây hoàn toàn không có.
Thứ hai, cổ đông chiến lược mua cổ phần 3 năm mới được chuyển nhượng, nhưng trong số đó có nhà đầu tư chưa hết thời gian trên đã chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác.
Một số nhà đầu tư chiến lược bị hủy tư cách sau quyết định của Bộ Xây dựng đã có phản hồi lại. Quan điểm của Bộ về những phản hồi này như thế nào?
Sau khi Bộ Xây dựng ra văn bản hủy tư cách cổ đông chiến lược, Bộ có nhận được một, hai ý kiến phản hồi.
Họ giải trình việc này việc kia, rất tiếc những giải trình này mâu thuẫn với văn bản họ đã ký với đoàn thanh tra. Hơn nữa, những giải trình đó cơ quan thanh tra Chính phủ sẽ xem xét theo thẩm quyền của mình. Về vấn đề này, trách nhiệm của cơ quan thanh tra Bộ Xây dựng là làm đúng trách nhiệm được phân công.
Vậy đến thời điểm này các nhà đầu tư đã nộp trả lại tiền do ưu đãi 20% mua cổ phần theo yêu cầu của Bộ chưa, và tài khoản của họ liệu có được giải tỏa?
Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phải rà soát và xem xét lại tư cách các cổ đông chiến lược của Vinaconex. Văn bản của Bộ giao Vinaconex đến ngày 30/10 phải thu lại 20% giá trị bán cổ phần ưu đãi cho 4 nhà đầu tư trên.
Sau khi nhà đầu tư không phải là cổ đông chiến lược thì sẽ là cổ đông thường. Để trở thành cổ đông chiến lược phải có cam kết giữa hai cơ quan. Nay không là cổ đông chiến lược nữa thì họ cũng phải thực hiện các bước xóa bỏ cam kết về quyền và nghĩa vụ, và chừng nào chưa thực hiện những việc đó thì cổ phiếu của họ vẫn chưa được giải tỏa.
Đây là trường hợp đầu tiên cổ đông chiến lược bị hủy tư cách, qua trường hợp này, Bộ có rút kinh nghiệm gì với các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã triệu tập các doanh nghiệp lên báo cáo về tình hình phát triển kế hoạch 2010, trong đó có đề cập đến việc xem xét lại tình hình cổ phần hóa. Những doanh nghiệp nào có đối tác chiến lược phải rà soát xem xét lại mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tìm được những nhà đầu tư thực sự chiến lược để “làm ăn” với nhau.
Trong bối cảnh cổ phần hóa hiện đang khó khăn, việc này theo ông có ảnh hưởng gì tới lựa chọn đối tác chiến lược, và khung pháp lý có nên bổ sung thêm quy định về vấn đề này?
Việc lựa chọn đối tác chiến lược không phải là khó. Bản chất doanh nghiệp làm ăn có nhiều bạn hàng, có những người hỗ trợ giúp được nhiều việc, doanh nghiệp sẽ chọn một vài bạn hàng được gọi là cổ đông chiến lược. Việc này không bị cản trở gì.
Duy Cường
TBKTVN
|