Cổ phiếu chia mạnh sẽ bị pha loãng ?
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa gửi công văn lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:1, đồng thời thưởng cho cán bộ chủ chốt, chia cổ tức và phát hành trái phiếu chuyển đổi. Tuy thế, ngày 6-11, sau khi giá nhích lên cùng thị trường lúc giữa buổi giao dịch, đến khi kết thúc phiên, giá SSI vẫn giảm 1.000 đồng.
Vẫn thích chia nhỏ cổ phần
Sau khi chứng khoán khởi sắc, hàng loạt công ty niêm yết trên cả hai sàn chạy đua chia nhỏ giá trị cổ phần (trên thị trường, các công ty thường dùng từ chia cổ phiếu thưởng), làm cho nhiều người nhầm tưởng đây là phần tiền thưởng dành cho cổ đông (giống như CB-CNV được công ty chia thưởng cổ phiếu ESOP).
Phải chăng do ngộ nhận như vậy nên ngành thuế đưa khoản thu này vào danh mục đánh thuế thu nhập? Thực ra, việc chia thưởng cổ phiếu không làm tăng giá trị doanh nghiệp (DN), cổ đông không được gì thêm mà chỉ hy vọng tăng tính thanh khoản (vì giá giảm tương ứng), làm cho nhiều người thích (như kiểu người bán hàng rong đề giá 1/2 kg thay vì 1 kg).
Thế nhưng do áp lực đánh thuế đầu năm tới, do chạy theo sở thích đầu cơ của nhiều nhà đầu tư nên hiện nhiều DN đang đua nhau chia cổ phiếu... thưởng. Ngoài SJS (sắp chia và mua theo mệnh giá với tỉ lệ 1:1,5), SSI chia tỉ lệ 1:1 thì nhiều DN khác như: HPG, CII, KBC, VSC... cũng sẽ chia tỉ lệ khá cao. Do tâm lý nhà đầu tư còn thích chia nhỏ nên có những đơn vị bị lỗ trầm trọng kéo dài nhiều quý như Công ty Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (VSP) trong năm nay cũng đã chia cổ phiếu với tỉ lệ 1:1,35...
Lo bị pha loãng
Chuyên gia tài chính Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, nhận định: “Do nhiều công ty chia bạo tay nên sang năm 2010 nếu lợi nhuận DN không tăng tương ứng thì cổ phiếu sẽ bị pha loãng”. Điều lo lắng đó có thể là hiện thực vì năm tới, nhiều DN sẽ không còn khoản lợi nhuận từ giá nguyên liệu giá rẻ nhờ khủng hoảng, không còn khoản tiền hoàn nhập từ đầu tư tài chính, không còn tiền chênh lệch nhờ định giá lại đất, không còn hưởng lợi từ gói kích cầu... nên thu nhập sẽ giảm mạnh.
Trong khi nguồn thu nhập đang có nguy cơ giảm nhưng vốn điều lệ tăng lên nhiều sẽ làm cho mức thu nhập trên cổ phiếu sẽ giảm đi. Nếu DN cứ chạy đua chia nhỏ cổ phần (chia thưởng) thì sau một thời gian nữa thị trường chứng khoán VN sẽ tràn ngập số lượng cổ phiếu nhưng giá trị trên từng cổ phiếu sẽ xuống thấp và con số thống kê trên sổ sách kế toán sẽ ngày càng dài ra.
Mới đây, khi chứng khoán còn lao dốc thê thảm, vì sợ thị trường bị pha loãng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải khuyến nghị các DN không nên chia cổ phiếu và hạn chế tăng vốn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ thủ tục tăng vốn. Thế nhưng năm nay, khi chứng khoán vừa gượng dậy thì hàng loạt đơn vị đã quyết định chia mạnh làm cho thị trường năm 2010 sẽ tăng thêm số lượng cổ phiếu rất nhiều.
Do việc chia tách cổ phiếu không làm thay đổi giá trị DN, cũng như giá trị cổ phần của cổ đông nên lúc thị trường đi lên thì nhà đầu tư thích, làm cho giá cổ phiếu bị đẩy lên cao; nhưng khi thị trường đi xuống mạnh thì những thông tin chia thưởng vẫn khó thu hút nhà đầu tư.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, vẫn có một số DN lợi dụng việc chia cổ phiếu thưởng để làm giá, cho nên nhà đầu tư cần lưu ý để không chạy mua, tránh bị sập bẫy của giới đầu cơ.
Trần Phú Minh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|