Cẩn trọng với vàng
Giá vàng trong nước đã vượt qua mốc 26 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước tới nay. Có ba đặc điểm đáng lưu ý của đợt tăng giá này:
Thứ nhất, giá vàng trong nước tăng nhanh và vượt cả mức giá thế giới.
Thứ hai, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nếu như trước đây thì sẽ có nhập khẩu vàng chính ngạch để bù đắp về lượng và cân bằng về giá; nhưng nay việc nhập khẩu chính ngạch sẽ không còn. Việc nhập lậu sẽ xảy ra, nhưng không thể có khối lượng lớn và chi phí nhập khẩu về thuế sẽ ít hơn, nhưng về các chi phí khác sẽ cao hơn, do phải mua và tính theo tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, trong khi tỷ giá này từ vài tuần nay đã tăng mạnh, cao hơn nhiều so với tỷ giá niêm yết trên thị trường chính thức ở các ngân hàng thương mại.
Về điểm này cũng cần nói thêm, trong điều kiện các nước đẩy mạnh mua vàng để cơ cấu lại dự trữ, bảo toàn giá trị do lòng tin vào USD bị sụt giảm mạnh, thì Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để cho phép nhập khẩu chính ngạch.
Thứ ba, khi giá vàng tăng cao, trong các lần trước thường người bán nhiều hơn mua để chốt lãi; nhưng nay lại ngược lại: người mua gấp nhiều lần người bán. Động thái này càng làm cho giá vàng trong nước tăng nhanh và ở mức cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới. Mua nhiều hơn bán có thể do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do người mua kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng cao hơn. Có nguyên nhân do thị trường chứng khoán từ một vài tuần nay lao dốc (VN-index lao từ 624 điểm xuống 534 điểm - tức là giảm 90 điểm trong 11 phiên tính đến nay); còn thị trường bất động sản chỉ nóng ở một số địa bàn, một số loại sản phẩm.
Tuy nhiên không nên lao vào mua vàng, bởi mấy lẽ. Nói rằng giá vàng thế giới tăng do giá USD giảm; nhưng không cùng một tỷ lệ. Chỉ số giá USD (USD- index) vẫn còn trên mức 75,39%, trong khi trước đây đã có lúc xuống dưới mức 75%. Nói rằng giá vàng tăng do nguy cơ lạm phát, đồng vốn phải trú ẩn vào vàng; nhưng các nước vẫn giữ nguyên lãi suất thấp để kích thích kinh tế, giải quyết thất nghiệp..., tức là nguy cơ lạm phát còn tương đối xa, chỉ thực sự xuất hiện khi kinh tế thế giới thực sự phục hồi.
Vậy ngoài các lý do giá USD giảm, nguy cơ lạm phát là có thực, thì có một nguyên nhân quan trọng là yếu tố đầu cơ. Mà muốn đầu cơ thì phải tạo sóng, tức là có đỉnh và có đáy. Thời gian này có thể là các nhà đầu cơ đưa lên đỉnh để bán chốt lời; nếu người mua mua theo vào lúc này có thể gặp đỉnh sẽ bị lỗ. Chứng khoán đã giảm sâu, chứng khoán thế giới tăng, nếu giá vàng thế giới giảm và giá chứng khoán trong nước bật lên, thì việc rút ra khỏi vàng sẽ bị rủi ro lớn.
Ngọc Minh
THANH NIÊN
|