Thứ Tư, 11/11/2009 14:44

Bội chi, phát hành trái phiếu: Còn nhiều vấn đề

Hôm nay, 11.11, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trả lời phỏng vấn của Sài Gòn Tiếp Thị, hôm qua 10.11, về một số chỉ tiêu còn đang gây tranh cãi.

Còn hai con số quan trọng mà Chính phủ đề nghị cho năm 2010 là bội chi ngân sách (6,5% GDP) và chuyển nguồn trái phiếu chính phủ sang năm sau (10 ngàn tỉ đồng), khác với nhận định của Quốc hội. Quốc hội sẽ xử lý hai con số này như thế nào khi thông qua kế hoạch ngân sách năm 2010?

Trái phiếu chính phủ thì không chuyển nguồn, tức là năm nào phát hành năm đó. Nếu chỉ tiêu phát hành không đạt thì thôi, cắt đi. Chính phủ đang dự kiến trình 56 ngàn tỉ đồng, thì Chính phủ chỉ phát hành con số đó thôi, không bao gồm con số chuyển từ năm 2009 sang. Quan điểm là Quốc hội chỉ cho phép phát hành theo từng năm.

Còn bội chi thì phải đưa ra con số hợp lý để làm sao không tạo ra gánh nặng cho nền tài chính quốc gia, và chống lại lạm phát cao trong thời gian tới. Cho nên Quốc hội quyết định mức bội chi hết sức hợp lý trên tinh thần thảo luận ở hội trường và ở tổ, có sự tiếp thu của Chính phủ. Ngày mai (tức 11.11) sẽ thông qua và sẽ có kết quả.

Trái phiếu chính phủ tăng đột biến năm 2009 – 2010. Liệu có quá đi không?

Chúng ta đang thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, cho nên phát hành cho 2009 – 2010 tăng gần gấp đôi so với 2008. Sự tăng đột biến này là nhằm góp phần tăng đầu tư để kích thích kinh tế.

Phát hành lượng lớn trái phiếu như vậy nhưng nguồn chi trả đang rất khó khăn, và hơn nữa lại gây khó cho việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng thấp xuống để kích thích kinh tế?

Ta phải hiểu thế này. Chuyện chúng ta đi vay bây giờ là khó khăn, ngay cả phát hành trái phiếu chính phủ cũng không phải dễ dàng gì. Rất nhiều phiên đấu giá không thành công do nhiều lý do, trong đó lãi suất chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư, quỹ tài chính, ngân hàng. Do đó, xây dựng được lãi suất trái phiếu chính phủ phù hợp với cơ chế thị trường, như tín hiệu về chính sách tiền tệ ổn định cũng là vấn đề. Đặt lãi suất quá cao thì tạo gánh nặng cho ngân sách, đặt quá thấp thì không thu hút được người mua. Vì thế, đưa ra lãi suất theo thị trường để làm sao bán được còn nhiều vấn đề.

Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về lượng trái phiếu chính phủ phát hành thành công từ đầu năm đến nay chưa?

Chúng ta có tổng cộng 64 ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ cho năm 2009. Đến giờ phút này, chúng ta mới giải ngân được 50% thôi, nhưng dự kiến cả năm nay có thể thực hiện được 50 ngàn tỉ đồng trên kế hoạch là 64 ngàn tỉ đồng. Đây là tỷ lệ cao gấp đôi so với năm 2008, nhưng rõ ràng chưa đạt được mức đặt ra.

Xin hỏi lại là đã phát hành thành công được bao nhiêu từ đầu năm đến giờ?

Phát hành phải tuỳ theo khả năng giải ngân. Không phải phát hành ra cứ theo kế hoạch, mà Kho bạc và bộ Tài chính phải căn cứ khả năng giải ngân để tránh lượng vốn ứ đọng mà vẫn phải trả lãi suất cao. Cho nên, phát hành phải phù hợp với tốc độ giải ngân. Kế hoạch là 64 ngàn tỉ đồng, nhưng năm nay giải ngân chỉ được 50 ngàn tỉ đồng, thì chỉ phát hành 50 ngàn tỉ thôi.

Trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa rồi, Chính phủ giải thích lấy 37 ngàn tỉ đồng trong ngân sách năm 2010 để hỗ trợ cho các dự án trọng điểm quốc gia nhằm kích thích kinh tế trong năm nay, nhưng ngân sách năm 2010 chỉ được Quốc hội thông qua vào ngày mai. Vậy hiểu điều này như thế nào?

Con số này thuộc về gói kích cầu 143 ngàn tỉ đồng mà Chính phủ đưa ra, đó là phần ứng trước cho các công trình có khả năng hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng. Phần thứ hai là dãn việc thu hồi vốn cho các dự án. Con số 37 ngàn tỉ đồng này được Chính phủ từng bước xử lý thông qua các dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Ví dụ năm nay, trong con số 37 ngàn tỉ đồng, thì Chính phủ đang xin Quốc hội cho xử lý ngay 10 ngàn tỉ đồng nằm trong phần bội chi 28 ngàn 600 tỉ đồng tăng thêm đó. Như vậy đã xử lý được một phần trong 37 ngàn tỉ đồng này.

Theo ông, nếu lấy nguồn từ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ lãi suất, theo như giải thích của Chính phủ, thì có đúng hay không?

Cái đó là hoàn toàn đúng thẩm quyền của Chính phủ và được quy định trong luật Ngân hàng.

Nhưng dự trữ ngoại hối không phải tiền ngân sách?

Ta phải nói đầy đủ thế này: đó là quỹ của quốc gia thuộc điều hành, quản lý của Chính phủ. Điều đó được quy định trong luật.

Đại biểu băn khoăn

Chính phủ đặt mục tiêu sẽ giải ngân được 50 ngàn tỉ đồng trong tổng số 64 ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ đã được Quốc hội phê duyệt trong năm nay, một mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Tuy vậy, nhiều đại biểu Quốc hội thừa nhận, họ đã không có báo cáo của Chính phủ về lượng trái phiếu phát hành thành công từ đầu năm cho đến khi bắt đầu kỳ họp Quốc hội vào ngày 20.10 vừa qua.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, tính đến ngày 9.9 mới chỉ có 2.310 tỉ đồng và 230 triệu USD trái phiếu chính phủ được huy động sau 40 đợt phát hành bằng tiền đồng và hai đợt bằng ngoại tệ.

Còn theo tính toán của đại biểu Nguyễn Thị Loan của đoàn Hà Nội, cho đến thời điểm này tỷ lệ phát hành chỉ đạt khoảng 30% (cho 36 ngàn tỉ đồng đã phê duyệt năm ngoái, và 20 ngàn tỉ đồng bổ sung thêm).

Bà Loan nói: “Tôi tổng hợp thì chỉ thấy phát hành được khoảng 15 – 16 ngàn tỉ đồng mà thôi. Không biết khả năng phát hành thực là bao nhiêu vì đã gần hết năm rồi”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng thừa nhận, ông không rõ làm sao để hoàn thành mục tiêu 50 ngàn tỉ đồng trong bối cảnh nhiều phiên phát hành không thành công. Ông giải thích: “Vấn đề là không có lãi suất hấp dẫn thì người ta không tham gia. Anh em mình cũng thế thôi, lương có mấy đồng thì cũng phải tính chứ”.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, người chịu trách nhiệm chính về việc này, thì cho rằng: “Giải ngân năm nay khá hơn năm ngoái nhiều nên chúng tôi phải phát hành tiếp chứ. Nhưng còn tuỳ thuộc vào thị trường”. Bộ trưởng, sau khi từ chối trả lời liệu đã phát hành được bao nhiêu trên thực tế, giải thích rằng việc phát hành không phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch mà phụ thuộc vào giải ngân. Ông nói: “Trong điều hành thì mình phải ứng tiền khác ra, mình dùng rồi mới phát hành thì mới phát huy hiệu quả”. Ông vẫn đang xin chuyển 10 ngàn tỉ đồng trái phiếu chưa phát hành được năm nay sang năm sau và phát hành thêm tới 56 ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Kiên có vẻ không đồng tình: “Năm nay chi được bao nhiêu thì hạch toán bấy nhiêu, không có chuyển chỉ tiêu gì cả vì có tiền thật đâu mà chuyển?”

Còn đại biểu Nguyễn Thị Loan, một doanh nhân, đặt vấn đề thực tế hơn. Bà nói: “Tôi không hiểu lý do tại sao Chính phủ lại cần con số phát hành cao như thế, trong khi năng lực hấp thụ đang có vấn đề. Nhưng quan trọng hơn, là việc phát hành sẽ làm tăng lãi suất ngân hàng và tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Tư Giang

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   18/11/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu QHD0813075 (10/11/2009)

>   VIC phát hành 150 triệu USD trái phiếu chuyển đổi tại Singapore (09/11/2009)

>   12/11/2009, ngày giao dịch đầu tiên trái phiếu QHB0912022 (06/11/2009)

>   12/11/2009, ngày giao dịch đầu tiên của trái phiếu QHB0911021 (06/11/2009)

>   HCMA1605: Ngày ĐKCC thanh toán lãi trái phiếu (06/11/2009)

>   OCB phát hành 1,000 tỷ đồng kỳ phiếu ngắn hạn (05/11/2009)

>   16/11/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu CP4_1603 (03/11/2009)

>   16/11/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu QH062138 (03/11/2009)

>   16/11/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu QH061137 (03/11/2009)

>   16/11/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu QH062139 (03/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật