Thứ Hai, 02/11/2009 09:35

Báo cáo KQKD quý III: Nhìn từ động lực tăng trưởng

Tính đến hết tháng 10, đa số DN niêm yết trên cả hai sàn đã có báo cáo sơ bộ về kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2009. Hiện thị trường không còn chờ đợi một động lực "thần kỳ" nào từ thông tin hỗ trợ này, mà điều quan trọng hơn là động lực thực sự đằng sau sự tăng trưởng đó có đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không.

Hết "quả ngọt" từ hoàn nhập dự phòng

Một điểm khá rõ nét của các báo cáo tài chính quý III là không nhiều DN đạt được lợi nhuận bất thường, nhất là từ hoạt động đầu tư tài chính, trong đó chủ yếu là khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư CK.

Với mức tăng trưởng của TTCK quý II khoảng 76% (tính theo VN-Index), những DN có khoản đầu tư tài chính lớn đã hái hết "quả ngọt". Khá nhiều DN đã thực hiện hóa lợi nhuận hoặc giảm danh mục đầu tư. Mức tăng trưởng của VN-Index trong quý III chỉ khoảng 26% và phần nhiều kỳ vọng lợi nhuận thuộc về các CTCK và Cty đầu tư niêm yết.

Có thể thấy sự khác biệt về cơ cấu lợi nhuận trong quý III liên quan đến hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính ở một vài Cty nổi bật như REE hay SAM. Trong quý III, REE ghi nhận doanh thu tăng trưởng 18% so với cùng kỳ 2008, đạt khoảng 286,7 tỉ đồng dù giảm khoảng 12,9% so với quý II/2009. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng tăng 52%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ là 86,6 tỉ đồng, giảm rất đáng kể so với 215,8 tỉ đồng của quý II. Nguyên nhân chính là trong quý II/2009, REE đã được hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính lên tới 106 tỉ đồng và thu nhập tài chính 45,2 tỉ đồng. Thu nhập tài chính quý III chỉ là 14,6 tỉ đồng.

Với SAM, doanh thu thuần quý III chỉ tăng 3% so với quý II và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm gần 68%, chỉ có 56,3 tỉ đồng so với 175,1 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II tăng mạnh chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính. Đến hết quý III, hầu hết các khoản đầu tư tài chính của SAM không còn phải trích lập dự phòng thêm hoặc được hoàn nhập lại.

Tuy nhiên, một số Cty niêm yết khác lại có được các khoản thu nhập bất thường tốt nhờ thanh lý tài sản hoặc định giá lại tài sản. Chẳng hạn KDC có kết quả lợi nhuận cao trong quý III với khoản lợi nhuận bất thường từ đánh giá lại khu đất rộng 5ha là 250 tỉ đồng. Ngoài ra, quý III là thời điểm kinh doanh mang tính mùa vụ cho các sản phẩm chính. Nhìn chung lợi nhuận quý III của đa số Cty niêm yết không có nhiều đột biến, có lẽ một phần do các khoản hoàn nhập dự phòng được ghi nhận ít đi. Tuy nhiên, đây là lại một căn cứ để đánh giá chính xác hơn sức khỏe của DN vì các yếu tố tăng trưởng bất thường như hoàn nhập dự phòng, đánh giá lại tài sản thường không thể dự đoán được.

Điểm sáng từ lợi nhuận

Đa số NĐT lâu nay quen nhìn vào các con số cuối cùng về lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, mức độ phục hồi bền vững của DN hậu khủng hoảng quan trọng hơn phải nằm ở kết quả phục hồi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi: Tăng trưởng doanh thu - nghĩa là hàng hóa, dịch vụ bán được nhiều hơn - và đi kèm với đó phải là lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế tăng - báo hiệu hoạt động hiệu quả. Các khoản thu nhập bất thường phải được xem xét kỹ đóng góp bao nhiêu phần trăm vào con số lợi nhuận tổng, vì các khoản thu như vậy thường mang tính thời vụ. Ngay cả việc so sánh tăng trưởng theo quý hay theo năm cũng phải chú ý đến đặc điểm này.

Chẳng hạn với REE, nếu xem xét kỹ báo cáo tài chính có thể thấy tỉ suất lãi gộp/doanh thu quý III còn cao hơn quý II (41,8% so với 35,1%) do giá vốn thấp. Đồng thời, các chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN trong quý III đã được cải thiện nhiều. Điều đó cho thấy DN đã hoạt động hiệu quả hơn và lĩnh vực kinh doanh chính vẫn tốt.

Ngoài ra, nhiều DN đã có sự tăng trưởng tốt trong quý III ở lĩnh vực kinh doanh chính nhờ tận dụng được sự hỗ trợ về vốn của gói kích cầu thứ nhất, cũng như nắm được thời điểm hợp lý để tích lũy nguyên liệu giá rẻ. Bản thân sự phục hồi về giá nguyên - vật liệu và hàng hóa tồn kho cũng đã tạo tiền đề thuận lợi. Chẳng hạn, SBT lợi nhuận trước thuế tăng nhờ doanh thu tăng tới 27% so với quý II và giá đường cũng tăng. HSG lãi gộp tăng gần 35% nhờ giá vốn giảm do giá nguyên liệu đầu vào thấp, dù doanh thu chỉ tăng khoảng 7,3%...

Kết quả, theo một mẫu khảo sát 123 DN niêm yết của CTCK HSC, tổng doanh thu của sàn HoSE quý III/2009 tăng 14,5% cùng kỳ 2008. Lợi nhuận thuần tăng tới 84,3%. Với sàn HNX, doanh thu tăng 17,6% cùng kỳ và lợi nhuận thuần tăng 133,5%. Xét chung cả hai sàn, tỉ suất lợi nhuận biên thuần (lợi nhuận sau thuế/doanh thu) của quý III đạt 13,9%, tăng rất đáng kể so với con số 8,4% của quý III/2008. Các DN sàn HoSE có vẻ hoạt động hiệu quả hơn khi con số này đạt 15,5% (cùng kỳ 2008 đạt 9,6%). Theo HSC, tỉ suất lợi nhuận biên tăng cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính đã được cải thiện.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   BTS: Báo cáo tài chính tóm tắt quý III năm 2009 (29/10/2009)

>   HT2: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (29/10/2009)

>   ITC: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (29/10/2009)

>   L10: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (30/10/2009)

>   VPH: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (29/10/2009)

>   VNL: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (28/10/2009)

>   VKP: Báo cáo tài chính tóm tắt quý III năm 2009 (30/10/2009)

>   PVG: Giải trình LNST quý 3 giảm 90% nửa đầu năm (30/10/2009)

>   VHG: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (29/10/2009)

>   VFC: Báo cáo tài chính chi tiết quý III năm 2009 (28/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật