Bàn chuyện USD
Trong tuần vừa qua, cùng với sự biến động mạnh và đầy kịch tính của giá vàng thì giá USD cũng có dấu hiệu tăng mạnh.
Giá USD trên thị trường giao dịch phi chính thức luôn có sự chênh lệch so với giá niêm yết tại các NHTM tới gần 1.000 đồng/ 1 USD, thậm chí đã đạt mức cao nhất gần sát 20.000 đồng/1 USD trong chiều ngày 11/11/2009 khi NHNN công bố cho phép các DN được phép nhập khẩu vàng. Giải thích cho nguyên nhân này nhiều chuyên gia cho rằng do lo ngại về việc thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể và hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các DN xuất khẩu.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Công Thương thì hụt cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2009 của VN khoảng 1,9 tỷ USD trong đó thâm hụt cán cân thương mại khoảng 12 tỷ, lượng kiều hối dự kiến thu trong năm là 6,8 tỷ giảm 6% so với năm 2008, nguồn vốn giải ngân FDI đạt khoảng 9 tỷ. Cùng với thông báo của Bộ Công Thương việc dự báo về việc thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể thì NHNN cũng công bố dự trữ ngoại hối tại thời điểm cuối tháng 10/2009 là 16 tỷ USD thấp hơn mức dự trữ đầu năm 2008 là 20 tỷ USD khiến nhiều người quan ngại về khả năng cung ứng ngoại tệ của NHNN cho các NHTM.
Biến động của tỉ giá mua USD/VND từ tháng 10 đến nay (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước VN) |
Bên cạnh đó, do dự kiến giá ngoại tệ USD vẫn tiếp tục tăng cao nên nhiều DN xuất khẩu quyết định giữ ngoại tệ lại thay vì bán cho NHTM. USD trong thời gian qua có xu hướng gia tăng, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá mua USD niêm yết tại các NHTM đã tăng 2,3% trong khi lãi suất gửi USD với kỳ hạn 12 tháng theo thông báo mới nhất của của các NHTM là 3% - 3,2%. Nếu DN giữ USD và gửi vào tài khoản kỳ hạn họ sẽ có khoản lợi nhuận trung bình là 5,5%/năm và sẽ đạt mức cao hơn nếu USD tiếp tục tăng giá. Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ này có thể làm tài sản đảm bảo để DN quay sang vay VND để thực hiện sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi khoảng 5 - 5.5%/năm. Như vậy, việc giữ USD và dùng nguồn đó để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tương ứng bằng VND, lợi ích về kinh tế của DN gần như không thay đổi trong khi đồng tiền họ nắm giữ có giá trị đảm bảo hơn. Theo báo cáo mới nhất của NHNN, số dư tiền gửi ngoại tệ tại các NHTM đã tăng hơn gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm và chiếm tới 25% trong tổng số dư tiền gửi (Trung bình các năm trước khoảng 18 – 20%).
Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới khi gói hỗ trợ lãi suất hết thời hạn, các khoản vay bằng VND của các DN xuất khẩu sẽ phải trở về với mức lãi suất thông thường thì khoản lợi thế này sẽ không còn. Hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các DN xuất khẩu sẽ giảm, thậm chí lợi dụng thời điểm giá ngoại tệ tăng cao, các DN xuất khẩu sẽ tiến hành các giao dịch thỏa thuận về ngoại tệ đối với các khoản hiện đang găm giữ và tiến hành bán kỳ hạn forward đối với các khoản thu sắp tới khiến việc cung ngoại tệ có xu hướng gia tăng. Như vậy tình trạng khan hiếm về ngoại tệ có thể được giải quyết phần nào.
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|