Bán chứng khoán trước ngày T+4: Cần được hợp thức hóa
Quyết định cấm bán chứng khoán trước ngày T+4 của UBCK được NĐT cá nhân ủng hộ khi lợi thế về giao dịch của NĐT lớn không còn, nhưng TTCK đột ngột lao dốc khiến họ hoang mang. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Phẩm, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính Thịnh Vượng xung quanh vấn đề này.
Hoạt động bán chứng khoán trước ngày T+4 đã tạo sự bất bình đẳng giữa các NĐT lớn - nhỏ, giữa các CTCK lớn - nhỏ và ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK. Ông nhận định vấn đề này thế nào?
Công văn số 645/UBCK-PTTT ngày 22/4 của UBCK cho phép rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch thỏa thuận cổ phiếu/chứng chỉ quỹ có khối lượng trên 100.000 đơn vị từ T+4 xuống T+1 là chính sách đúng đắn cho việc xây dựng tính bền vững của TTCK trong dài hạn.
Việc rút ngắn thời hạn thanh toán đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian chứng khoán mua về tới tài khoản, làm giảm thiểu rủi ro thua lỗ. Đây là một yêu cầu cấp thiết của thị trường, đảm bảo sự bám sát của diễn biến giá cả với những thông tin thời sự, không gây ra các hiệu ứng như chậm pha thông tin. Theo tôi, hạ tầng công nghệ hệ thống giao dịch của chúng ta chưa ổn định là nguyên nhân khiến cho chính sách này dừng ở việc áp dụng đối với các giao dịch từ 100.000 đơn vị trở lên. Xét ở khía cạnh nào đó, đây cũng là một kiểu “đánh” chứng khoán ngày T, vốn bị NĐT cá nhân phản ứng, nhưng được hợp thức hóa.
Việc giao dịch chứng khoán ngày T đã làm sự méo mó cung cầu trên thị trường và vô hình trung tạo ra sự thiệt thòi lớn cho các NĐT cá nhân nhỏ (chiếm phần đông trên TTCK) và khối NĐT nước ngoài.
Tôi cho rằng, bất bình đẳng này tạo ra sự ức chế và chán chường cho nhiều NĐT cá nhân, sự thận trọng của các tổ chức, làm giảm đáng kể sức cầu của thị trường vừa qua.
Tuy nhiên, nguyên nhân trọng yếu khiến thị trường giảm điểm, theo tôi, là do nhiều NĐT trước tin tức về áp lực trên thị trường vốn cuối năm, giá USD trên thị trường tự do và giá vàng liên tục tăng cao…, nên đã quay sang giữ tiền mặt hoặc đầu cơ ngắn hạn vào các thị trường này.
Những tin tức tiêu cực khác cũng đến từ việc điều chỉnh giảm trên thị trường bất động sản. Đây là sự điều chỉnh hợp lý sau một thời gian dài trong xu hướng tăng điểm. TTCK Việt Nam hết sức năng động và có nhiều chu kỳ biến động mạnh, điều này cũng phản ánh tính hấp dẫn của một TTCK mới nổi.
Ngoài những nhược điểm của việc bán chứng khoán T+, theo ông, hoạt động này có mặt tích cực nào không?
Trên thực tế, chính sách T+ có ưu điểm là kích thích NĐT lớn tham gia mạnh vào thị trường, tăng tính thanh khoản cho thị trường trong thời gian vừa qua. Nhưng yếu tố bất bình đẳng đã làm mặt tích cực này chưa được ghi nhận.
UBCK vừa ra công văn yêu cầu chấm dứt việc cho phép NĐT bán chứng khoán trước ngày T+4 hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Vậy ông nhận định thế nào về động thái này?
Theo tôi, việc cấm bán chứng khoán trước ngày T+4 xảy ra sau khi UBCK cho rằng, điều này gây mất công bằng với các thành viên tham gia thị trường. Ảnh hưởng tích cực là tạo sự bình đẳng trong giao dịch. Song có một tác hại dường như chưa được tính đến là trong quá trình thị trường điều chỉnh giảm như hiện nay, việc cấm như vậy sẽ gây e ngại cho các NĐT lướt sóng tham gia bắt đáy, dẫn đến việc thận trọng hơn trong quá trình giải ngân. Hệ quả là thị trường giảm với tốc độ nhanh hơn, rủi ro mất thanh khoản, trắng bảng bên mua xảy ra như đã thấy trong 3 phiên giao dịch vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, hiện tại yêu cầu của thị trường là rút ngắn thời gian thanh toán để tạo tính thanh khoản, nhưng với động thái nêu trên, có vẻ như UBCK đang kìm hãm thanh khoản của thị trường. Ý kiến của ông như thế nào?
Được biết, cơ quan quản lý đang có kế hoạch rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán và UBCK sẽ sớm có đề nghị Bộ Tài chính về việc này. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào các yếu tố như hạ tầng công nghệ, khả năng kiểm soát thanh toán… Do đó, tôi cho rằng, UBCK không mong muốn kìm hãm thanh khoản, mà có thể chỉ là động tác “lùi một bước để tiến hai bước”. Rất có thể hoạt động bán chứng khoán T+ sẽ sớm được hợp pháp hóa để tạo ra nhiều lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho các NĐT tham gia thị trường, cũng như tạo ra sự cạnh tranh một cách bình đẳng giữa các CTCK. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán tiền và chứng khoán là nhu cầu bức thiết của thị trường. Nếu việc này được thực hiện, dòng tiền sẽ được quay vòng nhanh hơn, tính thanh khoản cao hơn, thị trường hấp dẫn hơn…
Bùi Sưởng
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|