Thứ Sáu, 16/10/2009 21:22

VND liên tục mất giá và tác động lên doanh nghiệp nước ngoài

Từ câu chuyện của Ford Việt Nam…

(Vietstock) – Đối với Tập đoàn ôtô Ford, một trong những thách thức lớn nhất khi kinh doanh ở Việt Nam trong năm nay không phải là việc bán xe hơi mà là tìm đủ lượng USD để thanh toán cho các nhà cung cấp nước ngoài đúng hạn.

Vấn đề này là một khó khăn khi tiến hành hoạt động kinh doanh tại một quốc gia mà niềm tin vào đồng tiền chủ chốt (VND) đứng ở mức rất thấp. Đồng thời đồng USD vẫn giữ vị thế độc tôn và thường bị khan hiếm do hoạt động tích trữ.

Theo luật mới bắt buộc sử dụng đồng VND trong giao dịch, lợi nhuận từ thị trường Việt Nam của chi nhánh Ford Việt Nam chỉ có thể đến từ đồng nội tệ, trong khi đó hãng phải chi trả cho hầu hết các nguồn cung bằng các đồng tiền mạnh bởi ít nhất 85% phụ tùng ôtô được nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Michael Pease, Giám đốc điều hành của Ford Việt Nam nhận định hãng đã phải trải qua giai đoạn khó khăn khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biếtkhông có đủ nguồn dự trữ USD. "Vì vậy, tại thời điểm đó chúng tôi đã phải đưa ra sự lựa chọn giữa việc liệu có khả thi hay không khi chúng tôi sử dụng một đồng tiền khác".

Hoạt động bán xe hơi Ford tại thị trường Việt Nam diễn ra suôn sẻ thể hiện qua doanh số bán ô tô Tháng 9 tăng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, một phần nhờ vào kế hoạch kích cầu của Chính phủ. 

Chi nhánh tại Việt Nam của Tập đoàn chế tạo ôtô số 2 của Mỹ được xếp ở vị trí thứ 6 trong số các nhà sản xuất ôtô nội địa. Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số của hãng lên tới 4,852 đơn vị. Còn theo Giám đốc điều hành Pease thì ông hy vọng rằng doanh số bán năm nay sẽ bằng với năm ngoái.

Tuy nhiên, việc có được nguồn tiền mặt lại là câu chuyện khác, đó là chưa kể đến nỗi lo về khả năng sụt giá.

Không chỉ có mình Ford phải đối mặt với khó khăn này. Hơn một năm về trước, các yếu tố tâm lý và thị trường đã gây nên sự thiếu hụt USD trên thị trường chính thức và giữ VND thị trường tự do vượt biên độ giao dịch so với đồng USD. Do đó đã khiến các nhà nhập khẩu trên cả nước rơi vào cảnh lao đao.

Chính phủ chỉ ưu tiên cho một số doanh nghiệp nhất định, trong đó có các công ty dầu khí và sản xuất phân bón, tiếp cận đến nguồn ngoại tệ.

Thế nhưng trong rất nhiều lĩnh vực, mà thành viên chủ yếu là các công ty nhà nước, đã bị ảnh hưởng nặng nề từ sự thiếu hụt đồng USD. Trong Tháng 7, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã đệ trình lá thư lên Thủ tướng và cho biết một số công ty thành viên đang đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu họ không có đủ USD để nhập khẩu phôi thép.

Trong lúc hầu hết các đồng tiền tại Châu Á đều tăng mạnh so với đồng USD thì VND lại phủ nhận xu hướng này. 

Tháng 10 này đánh dấu tròn một năm VND thị trường tự do liên tục cao vượt biên độ giao dịch chính thức bất chấp tốc độ sụt giá đến 3% trong Tháng 12. NHNN cũng đã mở rộng phạm vi giao dịch từ 2% lên 5% về cả hai biên độ của mức bình quân hàng ngày, cũng như một loạt biện pháp điều hành khác.  

Hiện nay, VND niêm yết chỉ có thể xuống 17,845 VND/USD dưới mức cố định điều chỉnh dần (crawling peg), nhưng trên thực tế trong các tiệm vàng và thị trường liên ngân hàng thông qua các giao dịch phái sinh, VND được giao dịch gần mức 18,250 VND/USD.

Theo nhiều nhà kinh tế và các chuyên viên giao dịch ngoại hối liên ngân hàng cũng như giới thương nhân trên thị trường chợ đen, VND sẽ suy yếu trong các tháng tới khi Tết Nguyên Đán đang đến gần, thâm hụt thương mại mở rộng, lạm phát gia tăng và sự trở lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Thậm chí, một số người còn cho rằng VND sẽ chạm mức 19,000 VND/USD.

Nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa như gạo, dầu thô, may mặc cũng như kiều hối từ nước ngoài. Việt Nam đã vượt qua được cơn bão kinh tế tương đối tốt với tốc độ tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm nay đạt 4.6%. Chỉ tiêu GDP cả năm ở vào khoảng 5%, con số này dưới góc nhìn của các nhà kinh tế là hơi cao mặc dù vẫn còn thấp hơn mức tăng trưởng 6.2% trong năm ngoái và các mức cao hơn nữa trong các năm trước đó.

Thị trường tự do, thị trường thật

Đối với các doanh nghiệp và cá nhân nhỏ lẻ, tỷ giá chính thức gần như không hợp lý mà chính tỷ giá tự do mới hợp lý.

“Tôi chưa bao giờ mua một đồng USD nào với tỷ giá chính thức từ các ngân hàng. Các ngân hàng đã giới thiệu tôi đến các tiệm vàng và mua USD đã được tự động ký gửi vào tài khoản của tôi, sau đó tôi có thể chuyển ra nước ngoài để thanh toán các hợp đồng.”, trích lời của một nhà sản xuất dây đồng, người này từ chối tiết lộ danh tính bởi việc mua bán trên thị trường chợ đen được xem là bất hợp pháp.

Các tiệm vàng thường được xem như đại lý giao dịch ngoại tệ, trong đó những tiệm vàng lớn thường giao dịch tới 2 triệu USD/ngày. Trong lúc toàn cầu phải chống chọi với cuộc suy thoái nghiêm trọng thì hoạt động kinh doanh trên thị trường này vẫn không hề chậm lại.

“Thị trường tự do tại Việt Nam chính là thị trường thật có thể giúp nền kinh tế vững tiến. Mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ nếu không có sự tồn tại của thị trường tự do. Nếu NHNN không thể quản lý tình trạng này thì không còn sự lựa chọn nào khác là để thị trường tự quản lý chính mình”, trích lời một thương nhân.

Một số người nghĩ rằng NHNN đang tập trung thực hiện điều này và cho rằng đây chưa đến nỗi là một vấn đề lớn nếu tỷ giá trao đổi nằm ngoài biên độ cho phép miễn là mức tỷ giá này vẫn tương đối ổn định. 

Trên thực tế, NHNN đã bó tay trước tình huống này với hai lý do như sau:

Trước hết, NHNN không độc lập, NHNN trả lời các chất vấn của Thủ tướng và cần sự phê chuẩn của Thủ tướng ký trước những quyết định quan trọng.

Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ chỉ tập trung vào kích thích tăng trưởng kinh tế như trong vài tháng gần đây và không ngó ngàng gì đến việc thắt chặt tiền tệ.

Thứ hai, các nhà kinh tế cho rằng nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam không đủ để can thiệp lâu dài nhằm giữ VND giao dịch trong biên độ cho phép. Vào cuối Tháng 6 vừa qua, nguồn dự trữ ngoại hối đứng ở mức 17.6 tỷ USD, giảm hơn 23% so với mức cuối năm ngoái và con số này trong hiện tại có thể thấp hơn.

NHNN đã rất lúng túng trước vấn đề này, từ đó hạn chế sử dụng đồng USD trong các ngành chiến lược và thắt chặt các biện pháp quản lý hành chính trong lúc hạ lãi suất trần mức thấp để xoa dịu áp lực.

Rủi ro mất giá

Tình hình hiện nay theo nhận định của các chuyên gia kinh tế vẫn cần thận trọng.

Đối với các doanh nghiệp có tiếng trong ngành như Ford thì không thể giao dịch ngoại tệ tại thị trường tự do bởi lẽ điều này là trái luật. Bên cạnh đó, Ford cũng được NHNN ra chỉ thị có nhiệm vụ báo cáo trong trường hợp ngân hàng đối tác của doanh nghiệp này áp dụng các khoản lệ phí bắt buộc, qua đó làm tỷ giá vượt ra khỏi biên độ cho phép.

Theo lời ông Pease nhiều khả năng Ford sẽ thanh toán cho các đối tác cung cấp của mình bằng đồng Yên Nhật hoặc Euro. NHNN không hạn chế giao dịch bằng các loại ngoại tệ này tại Việt Nam, và với sự khan hiếm USD hiện nay, đây dường như là giải pháp khả thi để Ford có thể thanh toán đúng thời hạn cho các đối tác.

“Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện và được xem như là một trong những chi phí của doanh nghiệp”, ông Pease nhận xét

Tâm lý ưa chuộng đồng USD của các doanh nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian dài vừa qua không đơn giản để có thể lý giải và dường như, Việt Nam đang không theo cùng với xu hướng chung của thế giới, vốn đang tìm kiếm một đồng tiền khác để thay thế cho sự hiện diện ưu thế của đồng USD. Kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới kể từ cuối thập niên 80, vàng và USD đã trở thành những tài sản an toàn được người dân chọn lựa.

Các nhà kinh tế cho rằng để giải quyết tình trạng đôla hóa diễn ra hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam là không đơn giản, bởi lẽ, vàng đã trở thành một trong những tài sản an toàn hàng đầu mà người dân Việt Nam đã tin tưởng trong suốt cuộc chiến tranh và đợt siêu lạm phát những năm 80.

Điều hiện đang gây quan ngại hiện nay là khả năng sụt giảm trong giá trị VND. 

Tâm lý hiện đang giữ vai trò trọng yếu trong tình hình hiện nay. Đa phần trong năm 2009, các nhà suất khẩu đều mong đợi Việt Nam đồng mất giá. Sự khan hiếm USD ảo trên thị trường đã tạo áp lực cho sự mất giá của VND.

Tuy nhiên, những gì vừa đề cập chỉ là một mặt của vấn đề, Theo lời ông Benedict Bingham, đại diện IMF tại Việt Nam, việc hàng triệu người Việt Nam đang dần chuyển từ gửi tiết kiệm bằng nội tệ sang giữ vàng và USD trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế đã tạo nên một tác động rất lớn.

Trong nửa đầu năm 2009, cán cân thanh toán của Việt Nam đã được cải thiện rõ nét so với thời điểm cùng kỳ năm trước, thâm hụt thương mại cũng nhỏ hơn mặc dù FDI cùng với kiều hối đều sụt giảm, tuy nhiên mức sụt giảm này nhỏ hơn so với những cải thiện trong thâm hụt thương mại, và do đó, tác động cuối cùng là tích cực.

“Điều này có thể xuất phát một phần từ nguyên nhân lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng đã sụt giảm quá mạnh, thu hẹp khoảng cách chênh lệch lãi suất với đồng USD. Sự thu hẹp này đã khiến cho mức chênh lệch không đủ để bù đắp rủi ro tỷ giá cho người gửi.”

“Hiện tượng này bản thân nó phản ánh những quan ngại về viễn cảnh của Việt Nam đồng. Cho dù thế nào, đây là thời điểm mà chính phủ Việt Nam cần can thiệp thông qua các chính sách tiền tệ”.

Phạm Thị Phước (Theo Reuters)

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: Nguồn thu ngân sách Tháng 9 tăng 33% (16/10/2009)

>   Chứng khoán Châu Á quay đầu giảm nhẹ (16/10/2009)

>   Văn bản pháp lý đầu tiên về vỡ nợ xuyên biên giới (16/10/2009)

>   Hãng sản xuất ôtô Avtovaz có nguy cơ phá sản (16/10/2009)

>   Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ (16/10/2009)

>   Dow Jones vững bước trên 10,000 điểm ngày thứ hai liên tiếp (16/10/2009)

>   Dow Jones vượt 10,000: Tốt cho tâm lý, nhưng có là tất cả? (15/10/2009)

>   Công ty FDIC đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ (15/10/2009)

>   CK Châu Á khởi sắc khi Dow Jones nhảy qua mốc 10,000 (15/10/2009)

>   Niềm tin toàn cầu tăng cao khi sản xuất và TTCK khởi sắc (15/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật