TQ đang tăng cường hiện diện kinh tế tại ASEAN
Theo nhận báo Nikkei, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tại các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tận dụng nhu cầu nội khối đang tăng và chi phí sản xuất thấp ở khu vực này.
Giới phân tích cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển sau khi Hiệp định đầu tư Trung Quốc - ASEAN được thực hiện vào tháng 1/2010. Tập đoàn sản xuất đồ uống lớn nhất Trung Quốc Tsingtao Brewery Co đã liên doanh với một công ty Thái Lan để xây dựng nhà máy sản xuất bia ở ngoại ô Băng Cốc, với kinh phí đầu tư khoảng 5,4 tỷ yên và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2010.
Không chỉ Tsingtao, nhiều doanh nghiệp chế tạo ô tô và đồ điện dân dụng Trung Quốc cũng đang tăng cường hoạt động ở Thái Lan. Tập đoàn sản xuất xe máy Zongshen Industrial Group có trụ sở tại Trung Khánh (Trung Quốc) cũng vừa xây dựng một nhà máy ở Thái Lan, trong khi tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Haier Goup Co. đang cân nhắc mở rộng nhà máy ở Thái Lan, mua lại từ Công ty Điện tử Sanyo (Nhật Bản) năm 2007. Ngoài Thái Lan, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến hành các bước đi tương tự ở các nước ASEAN khác. Tongwei Group, Tập đoàn chế biến đồ hải sản, vừa khai trương một nhà máy thức ăn cho gia súc ở Việt Nam. Trong khi đó, Công ty ô tô Beiqi Foton, nhà sản xuất ô tô thương mại lớn của Trung Quốc, bắt đầu lắp ráp các xe buýt cỡ lớn ở Inđônêxia. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô và xe máy Trung Quốc cũng đang mở các cơ sở sản xuất tại Philíppin. Kinh tế ASEAN tăng trưởng đã làm gia tăng số lượng người ở tầng lớp trung lưu. Sức mua ngày càng cao của đối tượng này cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, vốn có giá rẻ hơn so với hàng hóa Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc di chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Trung Quốc khai thác thị trường một cách hiệu quả hơn bằng cách sản xuất các sản phẩm phù hợp với địa phương, đồng thời khắc phục khó khăn do chi phí nhân công đang tăng ở trong nước. Theo các thống kê của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), chi phí nhân công ở Trung Quốc đã tăng từ 50 - 400% trong vòng 3 năm qua do nền kinh tế phát triển quá nóng trước thời điểm diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Trong khi đó, chi phí nhân công ở một số quốc gia ASEAN như Việt Nam lại thấp hơn, và mức lương tối thiểu ở ngoại ô thủ đô Băng Cốc chỉ tăng từ 5 - 7% trong vòng 3 năm qua.
Về phần mình, các nước ASEAN hoan nghênh nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các nền kinh tế này có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng. Chính phủ và các nhà lãnh đạo kinh tế trong khu vực hy vọng nguồn vốn đầu tư Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt hiệu quả tương tự như nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Thanh Tùng
TTXVN
|