Thứ Sáu, 02/10/2009 15:30

Sức ép lạm phát

Giá cả thế giới đang gia tăng trở lại bởi nhiều nền kinh tế trên thế giới có dấu hiệu hồi phục. Trong nước, tổng phương tiện thanh toán đã tăng liên tục kể từ đầu năm và ở mức tương đương thời điểm cuối năm 2007 (thời điểm trước khi xảy ra lạm phát cao). Cả hai yếu tố này đang tạo ra sự cộng hưởng làm cho lạm phát gia tăng.

Tuần trước, trong buổi họp báo giới thiệu Báo cáo cập nhật phát triển kinh tế châu Á, nói về nguy cơ hiện nay đối với kinh tế Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Ayumi Konishi, nhận định lạm phát gia tăng là nguy cơ đáng lo ngại đối với Việt Nam hiện nay bởi giá cả thế giới đang gia tăng do sự tăng trưởng trở lại của kinh tế toàn cầu, trong khi tổng phương tiện thanh toán đang tăng liên tục kể từ đầu năm và hiện đã ở mức cao.

Bốn ngày sau, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,62% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong bảy tháng qua. Tuy nhiên tính từ đầu năm đến nay, CPI mới tăng 4,11% (so với tháng 12-2008).

Nỗi lo từ giá thế giới

Con số 0,62% thật ra chưa đáng lo ngại, nhưng mối lo lớn hơn chính là xu thế tăng giá của nhiều loại hàng hóa trên thế giới.

Trong báo cáo lần này, Tổng cục Thống kê cũng nhận định: Giá thế giới đang có xu hướng gia tăng và chính điều này đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng này tiếp tục xu hướng nóng lên, đặc biệt là các mặt hàng như xăng dầu, thép, gas.

“Mặc dù mấy tháng qua, giá thế giới nhìn chung chỉ tăng nhẹ, song, vì nó không giảm như hồi đầu năm, nên yếu tố giá không còn hỗ trợ cho việc kiềm chế lạm phát nữa, mà bây giờ nó lại là sức ép”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nhận định với  TBKTSG.

Theo ông Thành, hồi đầu năm, việc kiềm chế lạm phát là khả thi bởi suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho giá cả thế giới giảm xuống. Chính vì thế, cả những người làm chính sách và các chuyên gia kinh tế đều nhận định, lạm phát không phải là nỗi lo trong năm nay.

Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, sang năm 2010, vấn đề này cũng không đáng lo ngại. Thế nhưng, khi giá cả thế giới tăng trở lại, thì sức ép lạm phát cũng tăng theo.

Nhìn vào báo cáo tháng này của Tổng cục Thống kê, ngoại trừ sự giảm giá của mặt hàng lương thực là đáng kể (0,85%) do lượng lúa gạo tồn đọng trong dân vẫn dồi dào thì các mặt hàng còn lại đều tăng giá. Một điểm đáng ghi nhận là dường như chỉ có nhóm hàng hóa giáo dục tăng theo tính mùa vụ (tăng 4,33%), các nhóm hàng còn lại đều tăng giá mang tính xu thế.

Đặc biệt, sự tăng giá xăng hồi cuối tháng trước đã đóng góp vào chỉ số CPI chung cả nước tháng 9 khoảng 0,16%. Điều này thể hiện qua sự tăng tốc giá của nhóm dịch vụ phương tiện đi lại (tăng hơn 2,37%). Bốn mặt hàng khác là nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,87%), hàng may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,67%), nhóm đồ uống, thuốc lá (tăng 0,75%) và hàng ăn uống ngoài gia đình (tăng 0,77%) càng cho thấy sức ép lạm phát đang tăng.

Và sự cộng hưởng của cung tiền

Cũng trong báo cáo mới đây, chuyên gia kinh tế quốc gia Bahodir Ganive của ADB cho biết, theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp và theo tính toán của ông thì đến hết quí 2 năm nay, tổng phương tiện thanh toán (M2) của Việt Nam đã tăng lên mức ngang bằng với thời điểm cuối năm 2007 và đầu năm 2008.

Cũng chính vì lo ngại những điều này, trong Báo cáo cập nhật của ADB, ông và các cộng sự đã điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2009 của Việt Nam lên mức 6,8% thay vì mức 4% như hồi tháng 3 và đưa ra khuyến cáo đối với Chính phủ Việt Nam nên tránh việc thực hiện thêm các biện pháp kích thích tài chính trước khi đánh giá kỹ lưỡng các tác động trung hạn của những biện pháp đã thực hiện.

Cùng quan điểm với nhận định của ADB, TS. Võ Trí Thành cho rằng hiện tổng phương tiện thanh toán ở nước ta đang ở mức cao là lo ngại lớn nhất. Bên cạnh đó, ông Thành còn chỉ ra nhiều yếu tố có khả năng gây ra sức ép lớn đối với lạm phát, như việc áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ để làm tăng tổng cầu trong thời gian qua, đặc biệt là tăng chi tiêu chính phủ.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao đã làm cho cung tiền lên đến mức phải “suy nghĩ”. Một nhân tố nữa, được ông Thành nhận định là quan trọng và có thể gây sức ép đối với lạm phát, đó là việc tăng lương trong thời gian qua (theo ông Thành lương danh nghĩa tăng 16-17%).

Còn nhớ, hồi cuối tháng trước, tại hội thảo “Vai trò của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” ở Đà Lạt, chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu còn quan ngại về sức ép của lạm phát mặc dù đà tăng trưởng được duy trì. Thế nên, ông Giàu cho biết, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền, kết hợp với kiểm soát giá cả, tiền tệ nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30%.

Song, trong điều kiện hiện nay, khi một gói kích thích kinh tế mới đang được bàn đến; khi các doanh nghiệp vẫn đang trông chờ sự hỗ trợ về vốn từ phía Chính phủ thì mục tiêu duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát thật khó để lựa chọn.

Phan Thanh Tịnh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng tại châu Phi (02/10/2009)

>   “Niềm vui của Trung Quốc là nỗi lo của láng giềng” (02/10/2009)

>   IMF nâng mức dự báo tăng trưởng KT thế giới năm 2010 (01/10/2009)

>   Trung Quốc: Chỉ số PMI Tháng 9 tăng 54.3% (01/10/2009)

>   Rủi ro khi đồng USD yếu (01/10/2009)

>   Nền kinh tế của Mỹ đã bắt đầu bình ổn (01/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật