Niềm tin trở lại
Trung tuần tháng 8/2009, chứng khoán tổng hợp (ETF) Việt Nam lần đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và ngay lập tức đã tăng 4,1%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang muốn khai thác thị trường “hãy còn nhỏ bé và đầy tiềm lực” như nhà bình luận thị trường của Bloomberg Navaro Espinosa viết.
Việt Nam: Chứng khoán blue-chip
Đối chiếu 89 chỉ số khác nhau, Bloomberg đã đưa chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh lên hạng thứ 8 trong các chỉ số tốt nhất thế giới.
Câu hỏi đặt ra: Liệu thứ hạng này có “sống” đến cuối năm? Người viết bài có thể nói: Niềm tin đang quay đầu trở lại, đó chính là “đôi cánh” có thể bay hết cuối năm.
Không giống các chứng khoán hỗ tương được định giá mỗi ngày một lần, chứng khoán tổng hợp hoạt động như những chứng khoán được mua bán theo các phiên chợ của thị trường. Chính vì vậy, niềm tin trên cũng không đến nỗi bấp bênh.
Một khi cổ phiếu tổng hợp ETF Việt Nam lên sàn chứng khoán New York, một trong những thị trường chi phối thế mạnh giới mạnh nhất, điều đó có nghĩa nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.
Những nhà đầu tư quốc tế không chơi canh bạc Việt Nam. Họ điều tra rất kỹ lưỡng sức mạnh thật sự của nó trước khi đầu tư vào đó những “đồng tiền xương máu”.
Do vậy, chúng ta không việc gì đánh mất lòng tin khi mà những nhà đầu tư nước ngoài đang đặt lòng tin vào Việt Nam.
Không những thế, chúng ta vẫn chiếm vị trí số 2 về cà phê và vẫn là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới. “Những quốc gia có khả năng xuất khẩu và cung cấp thực phẩm cho phần còn lại của vùng hay thế giới, như Việt Nam, chắc hẳn phải ngày càng trở nên quan trọng”- nhà kinh tế David Semple, Giám đốc điều hành một quỹ tài sản và hàng hoá lên đến 13 tỷ USD, đã nhận định như thế khi giới thiệu chứng khoán tổng hợp Việt Nam tại New York. 41 tỷ USD: bao nhiêu cho Việt Nam?
Việt Nam đã được xếp vào những EMs (thị trường mới nổi: Emerging Markets) đầy hứa hẹn, mặc dù các nhà phân tích vẫn tư vấn cho nhà đầu tư: “Bạn ơi, đừng dại nhé, các thị trường mới nổi này đã trải qua thời vàng son 5 năm rồi nhé, tức 2003- 2007 với 40,8 tỷ USD do các bạn bỏ vào đó”.
Tuy vậy, các EMs như Trung Quốc và Việt Nam có chút khác biệt so với những EMs như Thái Lan hay Malaysia.
Mặc dù nhu cầu nội địa vẫn không cao, trong khi các bạn hàng nhập khẩu ngày càng vắng bóng, chúng ta xem ra “ít nguy hiểm hơn trước đây”, như nhận định của Bloomberg thời gian gần đây nhất.
Vậy thì dòng đầu tư gần 41 tỷ USD của thời vàng son có tiếp tục không? Không những tiếp tục mà còn có xu hướng tăng lên vào cuối băn 2009 sang 2010 và 2011, theo như dự báo của David Semple, một bình luận gia chứng khoán uy tín của thị trường New York. “Một phần tư của dòng đầu tư gián tiếp đó có khả năng chảy vào các thị trường mới nổi Đông Nam Á, mà mạnh nhất là Việt Nam”- David Semple nhận định.
Thông tin hỗ trợ còn thiếu
Ông Nguyễn Đức Thọ, 40 tuổi, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Đại Phước, Đồng Nai, thường tự lái xe đi công tác xa và thường dừng lại để mua- bán chứng khoán với chiếc máy tính cầm tay.
Ông nói với người viết bài trong một buổi ăn trưa, sau khi phiên sáng đóng cửa: “Tôi vẫn tin vào thị trường, bởi chính sự khó tiên đoán của nó.”
Ông Thọ cho rằng, thật ra, thông tin hỗ trợ thị trường không phải là không có, nhưng phần lớn nhà đầu tư Việt Nam thường không nhận đủ.
Ví dụ: Những nhà đầu tư nhỏ lẻ không biết mấy đến các thông tin kiểu như chứng khoán ETF Việt Nam tăng giá trên thị trường New York... và nhiều thông tin khác về các thị trường mới nổi EMs mà Việt Nam được đánh giá cao. Họ thường phụ thuộc vào truyền thông phổ thông trong nước mà truyền thông trong nước thì thường chậm và thiếu chuyên nghiệp”.
Thị trường vẫn đi theo những quy luật của nó, có điều con người chưa khám phá ra quy luật đó mà thôi- ông Thọ nói.
TS. Nguyễn Văn Lương
Tổ quốc
|