Nghĩ về sự “nhiệt tình”
Dẫu với mục đích gì, việc các DN niêm yết sớm công bố những thông tin liên quan đến hoạt động của mình với NĐT, với cổ đông cũng là điều đáng biểu dương và rõ ràng là bước để tiến tới một thị trường ngày càng minh bạch, lành mạnh hơn.
Mới hết 2/3 thời gian của niên khóa tài chính nhưng CTCP Đầu tư Hạ tầng TP. HCM (CII) đã mạnh dạn công bố các con số ước tính về lợi nhuận cả năm 2009. Theo đó, kết quả khá sáng sủa - lợi nhuận sau thuế ước tính tối thiểu 220 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với kế hoạch năm, vượt gần 70% so với mức thực hiện năm ngoái; đó là chưa kể khoản lợi nhuận từ đầu tư tài chính, bên cạnh đó là khoản chênh lệch do bán cổ phiếu quỹ (tổng cộng vài chục tỷ đồng).
Bốn tháng nay, CTCP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG) đều đặn công bố kết quả kinh doanh hàng tháng ngay vào những ngày đầu của tháng kế tiếp. Theo kết quả kinh doanh mới nhất, tháng 8 HSG ước đạt 60 tỷ đồng tiền lãi. Việc nhanh nhạy thông tin ra thị trường được coi là lý do giúp giá cổ phiếu HSG tăng hơn 6 lần, từ mức dưới mệnh giá đầu tháng 3 lên trên 5 chấm như hiện nay.
Cuối tháng 8, các công ty mới niêm yết đi đầu trong việc công bố kết quả kinh doanh. Cổ phiếu công ty săm lốp mới "lăn bánh" trên sàn - CSM, doanh thu thực hiện riêng trong tháng 8 là 260 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm; hết quý II, lợi nhuận trước thuế của CSM đạt hơn 120 tỷ đồng, bằng 240% kế hoạch năm. Cổ phiếu cao su mới niêm yết - PHR, 8 tháng hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận, dù Công ty mới bước vào thời điểm thu hoạch chính…
Sự sốt sắng của các DN trong việc "công bố" và "dự báo" doanh thu, lợi nhuận… cũng tạo nên không ít lời bàn ra, tán vào trên thị trường. Người khen thì cho rằng, trong hoàn cảnh các "ông chủ" của DN niêm yết nhận được quá ít thông tin từ những người quản lý DN, thì việc các DN cung cấp thông tin thường xuyên, dẫu xấu dẫu tốt cũng là đáng khen lắm rồi!
Ngược lại, "phe" nghi ngờ cũng không phải không có lý với thắc mắc, liệu có phải do công ty có ý định giữ giá cổ phiếu sau thời gian tăng mạnh nên đã… bất ngờ "nhiệt tình" hơn. Cơ sở của nhận định này là: "Tại sao trước đây các DN không thường xuyên làm điều này? Một số DN gần đây có kết quả kinh doanh tốt mới thường xuyên công bố thông tin?". Một NĐT dẫn chứng, có công ty phân bón trước đây hàng tháng vẫn công bố con số lợi nhuận ước tính trên website của công ty, nhưng khi tình hình kinh doanh đi xuống lại không thiết tha thực hiện điều này kể từ tháng 4 đến nay... Một công ty tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 6 công bố các con số thua lỗ ngập đầu, nhưng biên bản họp ĐHCĐ gửi đến các cổ đông ở xa không hề nhắc đến điều này, họ chỉ biết qua sự tường thuật của báo chí.
Tuy nhiên, thị trường không phải không có những ví dụ ngược lại và NĐT hiện nay cũng đã đủ kiến thức và kinh nghiệm để không bị "vàng thau lẫn lộn". Chẳng hạn như REE - một công ty có tiếng là minh bạch. Nhiều năm qua, REE đều đặn cung cấp kết quả kinh doanh hàng tháng cho các cổ đông. Vào thời điểm khó khăn nhất của thị trường như năm 2008, các khoản đầu tư tài chính kéo kết quả kinh doanh của REE đi xuống, hàng tháng Công ty vẫn công bố đều đặn, dù đó là các con số không vui.
Vậy nên, xét thực tế thị trường, không ai dám chắc thông tin được giữ (được cho là) kín trong nội bộ DN lại không tạo ra các giao dịch nội gián. Nên dẫu với mục đích gì, việc các DN niêm yết sớm công bố những thông tin liên quan đến hoạt động của mình với NĐT, với cổ đông cũng là điều đáng biểu dương và rõ ràng là bước để tiến tới một thị trường ngày càng minh bạch, lành mạnh hơn.
Hiện tượng doanh nghiệp chủ động đưa tin tốt không phải là "nghệ thuật làm giá"
Trong thời gian gần đây, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi rõ nét và ổn định. Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 8 cho thấy, về cơ bản nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất và đang phục hồi. Những tín hiệu trên đã củng cố niềm tin cho NĐT, giúp họ mang tâm lý lạc quan, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mua và nắm giữ cổ phiếu đến cuối năm, dù trước mắt thị trường có thể điều chỉnh. Đà hồi phục của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã tạo một cơ hội không thể tốt hơn cho DN mới niêm yết. Nhìn chung, NĐT quan tâm đến các gương mặt mới. Sự quan tâm xuất phát từ nhiều lý do chính đáng sau:
Một là, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng, nhiều cổ phiếu thực sự có chất lượng xuất hiện. DN khi chuẩn bị niêm yết đã chọn mức giá chào sàn hợp lý, phù hợp với giá trị nội tại của DN và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, chứ không chào sàn với mức giá cao như trước.
Hai là, các chính sách kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng và làm cho hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN Việt Nam nói chung và DN niêm yết nói riêng bắt đầu khởi sắc. Hơn nữa, thị trường OTC tương đối rủi ro, nên NĐT thường có tâm lý chờ đợi cổ phiếu lên sàn rồi mới mua cho an toàn. Đây chính là những lý do giúp giá cổ phiếu của DN mới niêm yết tăng khá mạnh sau khi chào sàn. Tuy nhiên, gần đây thị trường chứng kiến hiện tượng một số DN sau khi chào sàn công bố hàng loạt "tin tốt".
Theo tôi, đây là hiện tượng hết sức bình thường. Nếu như DN nhận thấy thị trường đánh giá chưa chính xác giá trị nội tại của mình thì họ sẽ công bố một số thông tin để NĐT có thể tham khảo nhằm đưa ra quyết định hợp lý. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng đây là "nghệ thuật làm giá". Không một công ty niêm yết nào muốn bị mang tiếng là làm giá cho cổ phiếu của mình trên chính thông tin công bố. Sớm hay muộn thị trường sẽ nhận ra điều này và nếu như NĐT phát hiện họ sẽ tẩy chay cổ phiếu của các công ty trên. Sự tăng giá cổ phiếu nhờ "tin tốt", nhưng không xuất phát từ nền tảng cơ bản của DN sẽ tạo áp lực sau này lên hoạt động điều hành, áp lực về lợi nhuận và cổ tức với công ty. Việc công bố thông tin thường xuyên từ DN nên được khuyến khích. Rõ ràng, NĐT nhận được nhiều thông tin để so sánh, chọn lựa cổ phiếu thì tốt hơn là không có.
Ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc môi giới CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS)
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|