Thứ Tư, 23/09/2009 15:14

Kỳ vọng gì từ thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt?

Ngày mai (24/9), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ chuyên biệt. Đây là 1 trong 3 hệ thống trọng tâm của HNX, bên cạnh thị trường cổ phiếu niêm yết và UPCoM đã triển khai.

Sau khoảng 5 năm nghiên cứu và chuẩn bị, HNX cũng đã hoàn thành hệ thống và đưa vào vận hành. Tại buổi giới thiệu về hệ thống giao dịch này, câu hỏi chung được đặt ra: Từ trước đến nay không có hệ thống giao dịch chuyên biệt nhưng thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn hoạt động bình thường. Vậy khi triển khai sẽ có gì khác biệt, thị trường có thể kỳ vọng gì ở những đổi thay?

Về câu hỏi trên, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX, nói:

“Năm 2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) ra đời, chúng tôi nhận thấy rằng việc huy động qua trái phiếu Chính phủ trong tương lai sẽ là một kênh quan trọng.

Lúc bấy giờ chúng tôi nhận thức được rằng với tốc độ tăng trưởng khoảng 8% – 8,5% mỗi năm liên tục trong nhiều năm thì Việt Nam sẽ sớm đạt đến ngưỡng 1.000 USD/người, và đến ngưỡng đó thì các khoản ODA của quốc tế sẽ giảm đi, nhưng nhu cầu đầu tư cho xã hội thì không giảm. Lúc bấy giờ chắc chắn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sẽ cần rất nhiều, thay vì được viện trợ vốn ưu đãi nhiều từ các tổ chức quốc tế như trước đó.

Tại thời điểm chúng tôi khởi động thị trường thì nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm khoảng 6% – 7%/GDP, trong khi đó tại nhiều nước thường từ 40% – 50%, những thị trường phát triển như Mỹ thì tới 100% đến trên 100% GDP. Theo đó chúng tôi thấy tiềm năng phát triển là rất lớn nên quyết tâm trình các cấp có thẩm quyền cho ra thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt.

Thứ hai, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nếu thị trường này phát triển thì không những giúp cho Chính phủ trong việc huy động vốn đầu tư phát triển mà còn giúp trong điều hành kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế vĩ mô có vấn đề thì đầu tư của Chính phủ là một kênh quan trọng để kích cầu. Như vừa rồi, các gói kích cầu phát huy tác dụng rất mạnh. Chính phủ lấy tiền từ đầu? Dựa vào nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ.

Khi điều hành chính sách tiền tệ, khi thị trường trái phiếu Chính phủ lớn lên, việc Ngân hàng Trung ương mua vào bán ra sẽ tác động đến tổng cung tiền trong xã hội, từ đó tác động đến lạm phát và lãi suất… Tôi thấy ngân hàng trung ương các nước sử dụng thị trường mở, mua bán trên thị trường trái phiếu chính phủ để điều hành chính sách tiền tệ rất nhiều. Ở bất cứ quốc gia phát triển nào thì các sản phẩm phái sinh ở trên thị trường trái phiếu là rất quan trọng, là một kênh đầu tư, đặc biệt là với các tổ chức, có chỗ đầu tư an toàn để cơ cấu nguồn vốn của họ…

Trong một tổng thể chung như vậy, chúng tôi đánh giá nó rất quan trọng. Nếu tổ chức được một hệ thống giao dịch tốt, làm tăng thanh khoản cho thị trường thì chúng ta vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tác động đến các chính sách vĩ mô”.

Kỳ vọng định hình được lãi suất chuẩn

Vậy hệ thống giao dịch mới khi đi vào vận hành sẽ tạo được những khác biệt gì, giá trị gì thưa ông?

Trước hết, chúng ta có một hệ thống giao dịch riêng, vì từ trước đến giờ trái phiếu được giao dịch chung với cổ phiếu; có hệ thống công bố thông tin riêng và điều này tôi cho là rất quan trọng, nhất là thông tin đối với các tổ chức quốc tế.

Chúng tôi đã trình và cũng đã được cho phép xác định các ngân hàng thương mại là thành viên của thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt. Đối với thị trường cổ phiếu thì chỉ có các công ty chứng khoán là nhà môi giới với nhà đầu tư, nhưng vì đặc trưng của thị trường trái phiếu, vai trò của các ngân hàng mại là rất lớn, rút kinh nghiệm từ quốc tế và theo thông lệ quốc tế, chúng tôi mạnh dạn trình và được chấp thuận cơ chế này. Chúng tôi tin rằng khi là thành viên trực tiếp của thị trường trái phiếu Chính phủ thì các ngân hàng thương mại sẽ là những thành viên tích cực.

Ở một giá trị khác, thị trường này sẽ tách biệt được giữa thị trường mua đứt bán đoạn với thị trường mua đi bán lại. Hoạt động mua đi bán lại trên thị trường trái phiếu Chính phủ là một hoạt động quan trọng, vì là hoạt động chủ yếu điều hòa vốn giữa các ngân hàng thương mại với nhau.

Theo chúng tôi quan sát thì khoảng 70% – 80% giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ là hoạt động Repos, nhưng mà từ trước đến giờ chưa tách được nên hệ thống giao dịch tại Tp.HCM hay tại Hà Nội trước đây ghi nhận hoạt động mua đi bán lại là thành hai giao dịch, hai giao dịch có sự thỏa thuận mua đi bán lại thì giá nó sẽ xác định rất khác so với thị trường mua đứt bán đoạn. Chính vì phản ánh giá không chính xác cho nên chúng ta không định hình được lãi suất chuẩn đang giao dịch trên thị trường.

Nay chúng ta tách được hoạt động Repos và hoạt động mua đứt bán đoạn thì hy vọng là các tổ chức thị trường sẽ tận dụng hoạt động Repo, đặc biệt là mức phí chỉ bằng một nửa so với giao dịch bình thường. Và trong vòng một vài năm tới nếu tách bạch được hẳn thì sẽ có cơ sở để đánh giá lãi suất chuẩn, là cơ sở để xác định đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường.

Phía trước là cả một quãng đường rất dài

Ông có thể cho biết sau khi đi vào vận hành, HNX có kế hoạch như thế nào ở các bước tiếp theo để phát triển thị trường này?

Chúng tôi phải đi từng bước, từ thấp lên cao. Phía trước là cả một quãng đường rất dài.

Hiện nay tất cả các giao dịch phái sinh trên thị trường này vẫn chưa thực hiện được, phải chờ đến một giai đoạn phát triển mới. Đó là một nhiệm vụ gian nan, chắc phải mất một thời gian nữa. Đến lúc đó chúng tôi nghĩ rằng, cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường UPCoM, các sản phẩm phái sinh trên thị trường trái phiếu thì các sản phẩm tài chính trên thị trường sẽ phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Còn trước mắt, như chúng ta biết, hiện có trên 500 mã trái phiếu, quá nhiều. Các đợt phát hành cách đây mấy năm rồi lượng phát hành rất nhỏ, nhất là số tiếp nhận từ Tp.HCM chuyển ra. Tới đây, chắc chắn chúng tôi sẽ có kiến nghị để gom lại, cơ cấu lại về một số loại chuẩn thôi, kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm…, không để tình trạng như bây giờ rất khó giao dịch, giao dịch rất lẻ.

Ngoài việc tổ chức, có giải pháp nào có thể thúc đẩy thị trường trái phiếu Chính phủ sôi động hơn không?

Thị trường trái phiếu khác với thị trường cổ phiếu và khó trong việc kích thích. Một biện pháp để có thể kích thích được ngay, sôi động được ngay thì rất khó. Cái cơ bản nhất của thị trường trái phiếu Chính phủ là phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch, phải tạo được thanh khoản, phát triển được nhiều sản phẩm… Hiện sản phẩm Repo tôi cho là quan trọng, tiếp đến là các hợp đồng tương lai, thị trường Option… Nhưng phải có thêm thời gian.

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Đấu thầu trái phiếu Chính quyền địa phương do HIFU phát hành (21/09/2009)

>   Đấu thầu TPCP do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành (21/09/2009)

>   Kết quả đấu thầu TPCP của Ngân hàng Chính sách Xã hội (21/09/2009)

>   Vietcombank là thành viên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (18/09/2009)

>   Nan giải bái toán phát hành trái phiếu Chính phủ (18/09/2009)

>   4.000 tỉ đồng trái phiếu cho dự án Thủ Thiêm (18/09/2009)

>   17/09/2009: Ngân hàng tăng mua trái phiếu chính phủ (17/09/2009)

>   Đấu thầu TPCP Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc VN (17/09/2009)

>   Maritime Bank phát hành 2100 tỷ đồng trái phiếu dài hạn (17/09/2009)

>   VPBS là thành viên thứ 18 hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (16/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật