Indochina Capital thoái vốn có ảnh hưởng đến thị trường?
Sau khi Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) quyết định quỹ này sẽ bán các khoản đầu tư và thoái vốn trong vòng 12-18 tháng tới, thị trường chứng khoán đã giảm điểm hai phiên liên tiếp. TBKTSG Online đã trao đổi với một chuyên gia trong lĩnh vực - ông Hoàng Thạch Lân, Phó giám đốc chi nhánh TPHCM của Công ty chứng khoán Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMES) - về tác động của thông tin này đối với thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm trong phiên ngày thứ Sáu (4-9) và hôm nay, thứ Hai (7-9). Theo ông, đây có phải là do tác động của thông tin Indochina Capital thoái vốn?
Theo quan điểm của tôi, việc Indochina Capital tuyên bố thoái vốn và bán ra các khoản đầu tư tại Việt Nam không phải là nguyên nhân chính cho sự giảm điểm của thị trường chứng khoán trong hai phiên gần đây, mà thị trường hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh sau khi tăng đến mức 550 điểm. Việc điều chỉnh giảm này có hai nguyên nhân cả trong và ngoài nước.
Nguyên nhân trong nước là thị trường vẫn đang chờ đợi thông tin tốt, và nguyên nhân bên ngoài là báo cáo mới đây của Credit Suisse cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang quá cao, căn cứ trên các chỉ số thị giá trên thu nhập (P/E) và thị giá trên giá trị sổ sách (P/B). Tổ chức này khuyên các nhà đầu tư nước ngoài nên bán ra các cổ phiếu tại Việt Nam.
- Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo ông việc bán các khoản đầu tư của ICV sẽ tác động như thế nào đến thị trường?
- Trong danh mục đầu tư của ICV tại Việt Nam thì có chín cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chính thức và hầu hết các cổ phiếu đó đều là cổ phiếu lớn - lớn ở đây là thương hiệu lớn và khối lượng cổ phiếu đang lưu hành lớn. Vì thế, theo chúng tôi đánh giá, việc bán danh mục cổ phiếu niêm yết của ICV sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến giá của các cổ phiếu này trên thị trường.
Theo kinh nghiệm của tôi, việc bán các cổ phiếu lớn trên thị trường niêm yết có thể thực hiện theo phương pháp thỏa thuận, và như vậy sẽ không tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. Còn nếu thực hiện theo phương pháp khớp lệnh, đối với các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh bình quân hằng ngày nhiều như VNM, VCB thì khối lượng nắm giữ của ICV trên các cổ phiếu này không quá lớn so với khối lượng giao dịch bình quân.
Với những cổ phiếu có lượng giao dịch trung bình mỗi ngày thấp như GMD thì việc đặt bán của ICV cũng chưa chắc làm giá của các cổ phiếu này giảm trừ phi có thông tin rò rỉ là ngày đó, ICV sẽ bán ra bao nhiêu cổ phiếu. Như vậy, nếu ICV khéo léo trong việc thoái vốn của mình bằng cách phân làm nhiều lệnh bán ra thì có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư.
Với lại theo tôi, việc thoái vốn của các tổ chức nước ngoài cũng sẽ phải mất một thời gian nhất định và có chiến lược cụ thể để làm sao đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của các khoản đầu tư như họ đã công bố. Thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh vì thế ICV sẽ không quá vội vàng trong việc bán ra các khoản đầu tư của mình.
- Liệu các quỹ đầu tư nước ngoài khác có khả năng rơi vào trường hợp như ICV tức là phải thoái vốn tại Việt Nam không?
Hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam lâu đều có NAV (giá trị tài sản ròng của quỹ) giảm từ 30% đến 50% trong năm 2008. Tuy nhiên, để rơi vào trường hợp như ICV cần có hai yếu tố, đó là niêm yết ở nước ngoài và tỷ trọng nắm giữ chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu cơ lớn, và nếu có quyết định thì các quỹ này phải thông báo rộng rãi ra cho nhà đầu tư của họ biết. Hiện giờ, tôi vẫn chưa nghe thông tin tương tự ở các quỹ nước ngoài khác nhưng không thể loại trừ trường hợp tương tự như ICV có thể xảy ra cho các quỹ nước ngoài khác ở Việt Nam.
Xin cám ơn ông!
T.Triều
TBKTSG Online
|