Gói kích thích hơn 42 tỷ USD của Thái Lan: Đòn bẩy hiệu năng?
Vào thời điểm một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cân nhắc việc tiếp tục bơm tiền ra để vực dậy nền kinh tế vì lo ngại lạm phát thì Chính phủ Thái Lan vừa quyết định tung tiếp gói kích thích thứ hai trị giá 1.430 tỷ bạt (hơn 42 tỷ USD).
Trước đó, tháng 1-2009, Thái Lan đã tung gói kích thích đầu tiên trị giá 3,3 tỷ USD để kích thích chi tiêu trong dân chúng. Lần này, với tên gọi "Nước Thái mạnh hơn", gói kích thích sẽ tập trung vào đầu tư công cộng nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, giáo dục, tạo việc làm... Trong đó, mục tiêu trọng tâm là tạo ra khoảng 1,5 triệu việc làm mới trong thời gian tới.
Quyết định trên của Chính phủ Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang xuất hiện tín hiệu phục hồi sau khi GDP trong quý II-2009 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng tăng 2,3% so với quý I-2009. Con số này cho thấy dấu hiệu đầu tiên chấm dứt suy thoái kinh tế tồi tệ trong vòng hơn một thập kỷ qua ở quốc gia Đông Nam Á này. Cùng với đó, các thống kê (đến đầu tháng 9) cho thấy, Thái Lan - quốc gia có giá trị xuất khẩu góp khoảng 65% vào GDP - đã trở thành một nền kinh tế của châu Á bắt đầu phục hồi. Vụ trưởng Vụ Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Ra-chên Pót-gia-na-xu-thon cho rằng, mặc dù xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2009 dự kiến vẫn giảm khoảng 15%, nhưng năm 2010 sẽ tăng mạnh và có thể cao hơn mức dự báo từ 12% đến 15%, nhờ kinh tế thế giới ngày càng có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Song, những thách thức đang hiện hữu khiến không ít người phải thận trọng về khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế nước này nếu hoạt động chi tiêu của Chính phủ chững lại. Có sự thận trọng là do các chỉ số cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý II-2009 của Thái Lan chủ yếu dựa vào kết quả của việc Chính phủ tăng chi tiêu thêm 5,9%. Chính vì thế, Thủ tướng A-bị-xịt cũng cảnh báo rằng, Thái Lan cần thận trọng để tránh làm gián đoạn sự phục hồi mà Chính phủ đang kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh người dân Thái Lan còn chưa thực sự tin tưởng tình hình chính trị đã ổn định. Điều này cho thấy, việc Chính phủ quyết định huy động gói cứu trợ khổng lồ mới rất quan trọng. Với hơn 42 tỷ USD, nội các Thái Lan kỳ vọng sẽ sớm đưa kinh tế đất nước tăng tốc trở lại trong 30 ngày tới.
Quyết tung gói cứu trợ kinh tế hơn 42 tỷ USD của Chính phủ Thái Lan trong khi một số lãnh đạo của phe "áo đỏ" do Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) tuyên bố sẽ làm cuộc biểu tình lớn vào ngày 19-9 tới cho thấy, Thái Lan muốn lấy đòn bẩy kinh tế để ổn định đất nước. Việc lực lượng “áo đỏ” chọn ngày 19-9 để biểu tình (thay vì ngày 12-9 như dự kiến ban đầu) là để "đánh dấu năm thứ ba ngày xảy ra cuộc đảo chính quân sự năm 2006". Như vậy, nguy cơ bất ổn vẫn là thách thức đe dọa trực tiếp nền kinh tế Thái Lan. Vì thế, dư luận Thái lan lo ngại nếu khủng hoảng tiếp diễn, có thể khiến gói kích thích không phát huy được hiệu quả.
Nếu vượt qua được thách thức nêu trên, gói kích thích 42 tỷ USD cùng chiến lược thúc đẩy xuất khẩu trở lại chắc chắn sẽ khiến cho bức tranh kinh tế Thái Lan vào cuối năm 2010 tươi sáng trở lại như thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bài học trong quá trình phục hồi của Thái Lan đang diễn ra cho thấy các yếu tố kinh tế cả nội tại lẫn ngoại lai trong bối cảnh toàn cầu hóa luôn là một cuộc "biểu diễn" song hành. Thực tế cho thấy, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng đã tác động đến đồng bạt và tình hình chính trị bất ổn luôn là những yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Đặc biệt, khi bất ổn chính trị còn tồn tại thì mọi nỗ lực thúc đẩy kinh tế của bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ bị vô hiệu hóa cho dù có tung thêm nhiều tỷ USD.
Đình Hiệp
Hà Nội mới
|