Thứ Ba, 01/09/2009 11:31

Giám sát tài chính: Nhân tố đảm bảo sự ổn định

Sự ổn định của hệ thống tài chính luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ các nước, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng.

Vụ sụp đổ của hàng loạt các định chế tài chính tên tuổi trên thế giới như Bear Stearn, Lehman Brothers… càng đặt ra những thách thức to lớn đối với vấn đề bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Trước bối cảnh đầy rẫy những bất ổn trong tương lai, việc tăng cường quản lý rủi ro và đề ra các biện pháp khắc phục rủi ro trong hoạt động của hệ thống tài chính hơn lúc nào hết cần phải được đẩy mạnh thường xuyên nhằm thích ứng với môi trường mới.

Chính vì vậy, vai trò của các cơ quan giám sát tài chính với vị trí là nhân tố cốt lõi của quá trình này trở nên rất quan trọng.

Hội thảo quốc tế “Ổn định tài chính toàn cầu: Vai trò của các thành viên trong mạng an toàn tài chính” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) phối hợp với Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Malaysia tổ chức diễn ra trong 2 ngày 27-28/8/2009 là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nhau mổ xẻ chủ đề đang rất thời sự này.

Ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng trong tương lai

“Về trung và dài hạn, chúng ta cần thiết phải có những chính sách, chiến lược hay kế hoạch mang tính tổng thể nhằm ngăn chặn và xử lý một cách có hiệu quả nguy cơ nổ ra những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai”. Ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch UBGSTCQG đã nói như vậy khi khai mạc hội thảo.

Đưa ra những khuyến nghị về tái cấu trúc hệ thống giám sát tài chính, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch UBGSTCQG cho rằng, “thế kiềng ba chân” (1. quản trị doanh nghiệp tốt; 2. cơ chế kỷ luật thị trường phát huy tác dụng đầy đủ; 3. các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính hoạt động có hiệu quả) cần được phát triển cân bằng.

Việc quá đề cao kỷ luật thị trường hay quá dựa dẫm vào hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ (theo nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tốt) trong khi lơ là, sao lãng hoặc chú trọng không đúng mức tới vai trò điều tiết và giám sát của Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới khủng hoảng.

Thực tế đã chỉ ra rằng, mâu thuẫn giữa  tốc độ phát triển các công cụ và sản phẩm dịch vụ tài chính, việc áp dụng điều kiện tín dụng lỏng lẻo trong một thời gian dài đối lập với năng lực quản trị rủi ro nội bộ trong các tổ chức tài chính và đặc biệt là tình trạng quản lý, thanh tra, giám sát yếu kém hoặc chủ quan, sơ hở, thiếu minh bạch đã dẫn tới sự tích tụ rủi ro hệ thống đủ lớn để nổ ra khủng hoảng mà đã không được nhận diện, cảnh báo kịp thời.

Để ngăn ngừa khủng hoảng, các diễn giả đi đến thống nhất là cần phải tăng cường đúng mức vai trò điều tiết và giám sát của Nhà nước; chú trọng giám sát an toàn ở cấp độ vĩ mô; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả giữa các cơ quan chủ chốt liên quan tới ổn định tài chính ở mỗi quốc gia; xây dựng hạ tầng tài chính vững chắc.

Duy trì ổn định tài chính không phải và không thể là sứ mệnh của duy nhất một cơ quan Nhà nước nào đó mà đòi hỏi nỗ lực chung của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau mà chủ chốt là Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, UBGSTCQG, BHTG.

Bên cạnh đó, một hạ tầng tài chính vững mạnh rõ ràng là tiền đề quan trọng bảo đảm cho các định chế tài chính hoạt động tốt và các thị trường tài chính vận hành trôi chảy. Cũng như thế, các cơ quan giám sát các khu vực tài chính mới có môi trường hoạt động cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò của mình.

Ngược lại, thiếu một thể chế tài chính vững chắc, các cơ quan giám sát tài chính dù cố gắng nhưng vẫn thất bại khi thực thi sứ mệnh của mình. Không ai khác, chính Chính phủ phải đảm đương vai trò thiết lập hạ tầng tài chính vững mạnh cho quốc gia mình.

Vận dụng vào bối cảnh của Việt Nam nhằm tới mục tiêu củng cố, duy trì một hệ thống tài chính ổn định, lành mạnh, một trong những giải pháp quan trọng được các chuyên gia đề xuất:

Phân định rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên chính trong mạng an toàn tài chính quốc gia – Ngân hàng Nhà nước (bao gồm cả cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Bộ Tài chính (bao gồm cả Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), UBGSTCQG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng như quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan này…

Có như vậy mới tránh chồng chéo hoặc bỏ trống trong hoạt động giám sát và tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính.

Vượt qua khủng hoảng sớm hơn khi có hệ thống BHTG hiệu quả

Là thành viên trong mạng an toàn tài chính, hệ thống BHTG có vai trò quan trọng trong ổn định tài chính, xử lý khủng hoảng.

Diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy, ở nước nào có hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) hiệu quả dường như nước đó vượt qua khủng hoảng sớm hơn và niềm tin vào thị trường tài chính nhanh chóng phục hồi.

Đề cập tới vai trò ổn định tài chính của tổ chức BHTG, trong phần thuyết trình của mình, ông Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc BHTG Việt Nam - khẳng định, vai trò đó được thể hiện ở các nội dung:

Bảo vệ người gửi tiền; góp phần đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ngăn chặn đổ vỡ ngân hàng; góp phần xây dựng thị trường tài chính cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tài chính với quy mô và loại hình khác nhau; giảm gánh nặng cho Chính phủ trong xử lý đổ vỡ của tổ chức tín dụng; giảm gánh nặng cho người dân đóng thuế trong trường hợp ngân hàng đổ bể.

Tuy nhiên, hệ thống BHTG không thể một mình giải quyết khủng hoảng ngân hàng dây chuyền hay khủng hoảng hệ thống, mà cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính nhằm xây dựng công cụ hữu hiệu ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng.

Muốn vậy, các chuyên gia cho rằng, hệ thống BHTG phải nằm trong một kết cấu tài chính được tổ chức hoàn thiện và an toàn, bao gồm 3 thành phần cấu thành: Thứ nhất là một nền tảng giám sát và quy định pháp luật ngân hàng cẩn trọng; thứ hai, một tổ chức đóng vai trò là người cho vay cuối cùng; và ba là một cơ quan BHTG độc lập.

Ông Jean Pierre Sabourin - Tổng giám đốc Tổng công ty BHTG Malaysia, người từng nhiều năm là Chủ tịch Hiệp hội BHTG quốc tế cho rằng, nguyên tắc cao nhất đối với một tổ chức BHTG hiệu quả chính là sự độc lập trong hoạt động của tổ chức này. Ở Malaysia, điều này được ghi rõ trong Luật BHTG.

Luật cũng quy định rõ mối quan hệ giữa tổ chức BHTG với các cơ quan giám sát khác. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, nếu luật pháp không đầy đủ, rõ ràng thì tính độc lập của tổ chức BHTG cũng như hoạt động của tổ chức này không đạt được mục tiêu như mong muốn.

Mặt khác, thực tế đã chứng minh một tổ chức BHTG hiệu quả, theo ông Bùi Khắc Sơn, là tổ chức được thiết kế theo mô hình giảm thiểu rủi ro với 6 mục tiêu đặt ra (1.bảo vệ số đông người gửi tiền và khuyến khích tiết kiệm; 2.giảm gánh nặng cho Chính phủ, tạo sự công bằng và động lực cạnh tranh cho các tổ chức tham gia BHTG; 3.tạo cơ chế chính thức trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng; 4.góp phần tạo ra một hệ thống thanh toán có trật tự; 5.thúc đẩy tăng trưởng thị trường tài chính và nền kinh tế; 6.đảm bảo sự an toàn hệ thống tài chính quốc gia, tránh khủng hoảng).

Nhìn chung, tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro có các vai trò chủ yếu sau: Cung cấp thông tin, tư vấn cho người gửi tiền; Chi trả tiền gửi được bảo hiểm; Giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ; Can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG; Dừng BHTG, tiếp nhận tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ; Xây dựng và áp dụng cơ chế phí BHTG trên cơ sở rủi ro.

Đây là công cụ rất mạnh thể hiện rõ vai trò cũng như sự phối hợp của tổ chức BHTG với các thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Thực tế cho thấy, nếu hệ thống BHTG làm tốt vai trò đã nêu sẽ góp phần duy trì hệ thống ngân hàng lành mạnh, người gửi tiền được bảo vệ triệt để và từ đó nguy cơ của khủng hoảng sẽ giảm.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy: "Tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG".

BHTGVN là một tổ chức mới thành lập, cho đến nay khoảng 10 năm và với kinh nghiệm, quy mô vốn còn tương đối khiêm tốn nhưng đã có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm lòng tin cho người gửi tiền đối với hệ thống tín dụng Việt Nam.

Thực tiễn thời gian qua đã chứng tỏ không có tổ chức tín dụng nào ở Việt Nam mà việc suy giảm hoặc đóng cửa gây nên việc đổ xô đi rút tiền hàng loạt của người dân có sự đóng góp của BHTGVN.

Tuy nhiên, vai trò của tổ chức này cần phải tăng cường hơn nữa. Thứ nhất, BHTGVN phải nâng cao năng lực hoạt động của mình để giám sát kỹ hơn và đưa ra những khuyến nghị kịp thời hơn, cảnh báo sớm hơn những rủi ro của từng tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm không có đổ vỡ chứ không phải là đợi đến đổ vỡ mới thanh toán.

Một trong những điều kiện để làm thì ngoài năng lực ấy phải tiến tới thu phí bảo hiểm dựa vào rủi ro của từng tổ chức chứ không phải thu phí đồng loạt. Bởi vì, mỗi tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về quản trị của mình, quản trị tồi hơn thì phải đóng phí BHTG cao hơn.

Thứ hai, nâng dần mức BHTG, mức 50 triệu hiện nay là quá thấp so với bình quân tiền gửi của người dân ở các ngân hàng, cần phải nâng lên để người dân yên tâm hơn, từ đó họ sẽ không có những phản ứng tiêu cực khi có những hiện tượng đổ vỡ.

Mai Hương

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Bài 2: Chơi 10 phút mất 100.000 USD (01/09/2009)

>   Thị trường tiền tệ tiếp tục đi vào ổn định (31/08/2009)

>   Đăng ký mã số thuế qua website đạt hơn 60% (31/08/2009)

>   Trái phiếu USD đắt khách hơn tiền đồng (31/08/2009)

>   Tỷ giá hạch toán tháng 9 là 16.967 VND mỗi USD (31/08/2009)

>   Đấu thầu trái phiếu Chính quyền địa phương của HIFU (31/08/2009)

>   Kết quả đấu thầu TPCP bằng ngoại tệ đợt 2/2009 (31/08/2009)

>   Sacombank–SBS hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư (31/08/2009)

>   Vàng có thể tăng giá trong mùa cưới (31/08/2009)

>   Ôtô sắp hết thời ưu đãi thuế (31/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật