Thứ Hai, 03/08/2009 14:53

Trung Quốc tìm cách thoát khỏi "cái bẫy" USD

Theo mạng FT.com, việc Trung Quốc đang bị kẹt trong "cái bẫy" USD buộc họ phải tiến hành nỗ lực "quốc tế hóa" đồng Nhân dân tệ (NDT) và thúc đẩy việc sử dụng nó ở bên ngoài Trung Quốc. Những lo ngại về giá trị cổ phiếu bằng USD khổng lồ đang nắm giữ (tích cóp được nhờ hơn một thập kỷ theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa vào xuất khẩu) là nguyên nhân khiến Trung Quốc phải hành động như vậy.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cho tới nay, Trung Quốc đã tập trung kêu gọi hình thành một thị trường ít phụ thuộc hơn vào đồng USD như một đồng tiền dự trữ và yêu cầu Mỹ tránh hạ thấp giá trị đồng USD thông qua việc nới lỏng mạnh mẽ tiền tệ và tài chính. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc kêu gọi thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế chỉ là một sự quẫn trí. Thực ra, họ không muốn nói về việc hạ giá đồng USD và những lời kêu gọi như vậy được coi như những lời khẩn cầu giới cầm quyền Mỹ kiểm soát tài chính của họ.

Simon Derrick thuộc ngân hàng New York Mellon nói rằng: "Những diễn biến của năm nay cho thấy Trung Quốc giờ đây tin rằng chiến lược dài hạn tốt nhất là tăng vai trò quốc tế của đồng NDT, kể cả việc sử dụng nó như đồng tiền dự trữ. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc hiện đang xem xét một thời gian biểu tiềm tàng, giả dụ trong vài năm chứ không phải trong vài tháng, để làm cho đồng NDT trở thành đồng tiền có thể chuyển đổi được".

Việc Trung Quốc lo ngại đồng USD bị mất giá không có gì ngạc nhiên vì dự trữ của họ nhiều nhất thế giới với con số kỷ lục 2.130 tỷ USD trong quý II/2009 và theo các nhà phân tích, 60%-70% số đó là bằng USD. Rõ ràng sự suy yếu của đồng USD (trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất so với 6 đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ quốc tế) không phải là mong muốn của Trung Quốc.

Qu Hongbin, nhà kinh tế Trung Quốc chủ chốt tại HSBC, nói rằng điều này khiến cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải nghĩ lại nguồn gốc của "cái bẫy" USD mà họ đang bị kẹt trong đó. Ông nói: "Ngày càng có sự nhất trí ở Bắc Kinh cho rằng một trong những lý do cơ bản mà nước này đang bị kẹt vào "cái bẫy" này là đồng tiền của họ vẫn chưa phải là một đồng tiền quốc tế". Điều này có nghĩa là xuất, nhập khẩu của Trung Quốc phải dựa vào đồng USD để thanh toán hơn 70% trong tổng kim ngạch thương mại hàng năm 2.600 tỷ USD của họ. Theo ông Qu, "để tìm một giải pháp cuối cùng, ngoài việc từ từ nới lỏng kiểm soát các luồng vốn chảy ra, Bắc Kinh thừa nhận rằng đã đến lúc đẩy mạnh việc phải quốc tế hóa đồng NDT".

GDP của Trung Quốc vượt quá 4.300 tỷ USD hồi năm ngoái và dự tính sẽ lên tới 4.700 tỷ USD trong năm nay. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Theo HSBC, năm ngoái Trung Quốc đã là nước có khối lượng thương mại lớn thứ ba thế giới và có thể vượt Đức để chiếm vị trí thương mại lớn thứ hai thế giới vào cuối năm nay. Để bắt đầu quá trình quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc đã tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng tăng cường vai trò của đồng NDT trong thương mại và tài chính quốc tế và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trước hết, để cung cấp vốn mở đầu cho các đối tác thương mại, năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương) đã ký các hiệp định trao đổi tiền tệ song phương trị giá 650 tỷ NDT với 6 ngân hàng trung ương của Hàn Quốc, Hồng Công, Malaixia, Inđônêxia, Bêlarút và Áchentina. HSBC cho biết Trung Quốc hiện đang đàm phán với các ngân hàng trung ương khác và có thể mở rộng chúng sang tất cả các nước châu Á, kể cả Nhật Bản. Tiếp đó, họ có thể mở rộng sang các nước thị trường đang nổi lên khác, trong đó có Trung Đông và Mỹ Latinh, những nước cần NDT để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Qu cho rằng quá trình quốc tế hóa đồng NDT có thể nhanh hơn so với nhiều người dự tính, có thể hơn 1/2 tổng kim ngạch buôn bán của Trung Quốc, trước tiên là buôn bán song phương với các nước thị trường đang nổi, có thể được thanh toán bằng đồng NDT trong 3 đến 5 năm tới. Ông Qu nói: "Điều này có nghĩa là gần 2.000 tỷ USD giá trị thương mại của Trung Quốc với các nước sẽ được thanh toán bằng đồng NDT, làm cho nó trở thành một trong 3 đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại toàn cầu".

Nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không thể giải quyết sự phụ thuộc vào đồng USD một cách quá nhanh. Ông Marc Chandler tại Brown Brothers Hariman mô tả những nỗ lực của Trung Quốc cho tới nay chỉ ví như một "giọt nước trong chậu" so với khối lượng thương mại khổng lồ của họ.

TTXVN

Các tin tức khác

>   Kinh tế New Zealand có thể tăng trưởng âm trong quý 3 (03/08/2009)

>   IMF nhận định kinh tế Pháp suy thoái nghiêm trọng (03/08/2009)

>   Trung Quốc: Chỉ số sản xuất đạt mức cao 12 tháng (03/08/2009)

>   ANZ sắp mua lại các chi nhánh của RBS ở châu Á (03/08/2009)

>   All Nippon Airways rơi vào tình trạng báo động đỏ trong QI/2009 (03/08/2009)

>   KQKD thất vọng trong nửa đầu năm nay của Lufthansa (03/08/2009)

>   Giá trị đơn đặt hàng của Siemens giảm mạnh (03/08/2009)

>   Italia thông qua đạo luật cứu vãn nền kinh tế (03/08/2009)

>   Airbus bàn giao chiếc máy bay thứ 1000 dòng A330/A340 (03/08/2009)

>   Niềm lạc quan về nhu cầu đẩy dầu vượt mốc 70 USD/thùng (03/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật