Thứ Sáu, 28/08/2009 22:14

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội: Thu phí trước, cầu đường làm sau

9h sáng 28.8, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội hiện hữu (Q.2, TP.HCM) đã chính thức ngưng hoạt động. Cùng lúc đó, một trạm thu phí khác cách đó khoảng 2km, đặt ở quận 9 cũng cùng trên xa lộ Hà Nội đưa vào hoạt động và “gom” cả lượng xe ra vào khu vực cảng Cát Lái.

Lãng phí hàng chục tỉ đồng

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện hữu (nằm trên địa bàn quận 2) vốn được đầu tư xây dựng hơn 30 tỉ đồng đã chính thức ngừng hoạt động, chuẩn bị phá bỏ. Trạm thu phí này có mặt cắt ngang rộng 90,8m do công ty Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 2001. Nguồn vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng để xây trạm là từ ngân sách nhằm hoàn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Hàng Xanh).

Nhưng ngay sau đó, công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) được thành lập để mua quyền thu phí giao thông trên hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Hùng Vương nối dài.

Ngày 28.8, ông Dương Quang Châu, phó giám đốc đầu tư kinh doanh CII, cho biết CII đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí giao thông hai tuyến đường trên với giá trị chuyển nhượng là 1.000 tỉ đồng. Theo hợp đồng, CII được quyền thu phí giao thông với trạm thu phí xa lộ Hà Nội trong chín năm, bắt đầu từ đầu năm 2002. Thời hạn này sau đó được kéo dài lên thêm ba năm nữa.

Theo ông Châu, theo quy hoạch mới của TP.HCM, mặt cắt ngang xa lộ Hà Nội được mở rộng rộng từ 113 đến 153,5m (tùy đoạn). Theo quy hoạch này thì trạm thu phí hiện hữu không còn phù hợp với quy hoạch do sẽ nằm đan xen lên hạ tầng khác. Ngoài ra, dời trạm thu phí còn nhằm đảm bảo mặt mỹ quan đô thị và phục vụ cho việc thu phí lâu dài sau này trên trục xa lộ Hà Nội, nhằm hoàn vốn cho dự án đầu tư xây mới cầu Rạch Chiếc và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dự kiến xây dựng xong vào năm 2013.

Tuy nhiên, việc di dời trạm thu phí trên cho thấy, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng của thành phố có bất cập, dẫn đến tình trạng tốn hàng chục tỉ đồng xây trạm thu phí nhưng sử dụng chưa bao lâu phải phá bỏ, gây ra tình trạng lãng phí.

“Gom” thêm một lượng lớn xe khác

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội mới xây dựng có cắt ngang rộng 48m (nhỏ hơn mặt cắt ngang của trạm thu phí cũ) nhưng vẫn duy trì đủ 14 làn xe ô tô các loại (có hai làn dành riêng cho xe container) và hai làn không thu phí dành cho xe hai, ba bánh. Do mặt cắt ngang hẹp nên CII đã bố trí các làn thu phí theo kiểu phân tầng lệch nhau.

Trước đây bộ Giao thông vận tải đã phản đối TP.HCM đặt trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội ở vị trí cũ vì trạm này là thu phí với những xe qua đường Điện Biên Phủ (do TP.HCM đầu tư) nhưng đặt trên xa lộ Hà Nội thì thu phí cả với những xe đi trên đường xa lộ Hà Nội (do bộ Giao thông vận tải đầu tư).

Với vị trí trạm thu phí mới, kể từ ngày đưa vào khai thác, xe ô tô từ cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội đi về hướng Đồng Nai và ngược lại sẽ bị thu phí. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt xe container ra vào cảng Cát Lái thì việc “đón lỏng” này thì chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) mỗi ngày “kiếm thêm” cả tỉ đồng.

Theo hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trạm xa lộ Hà Nội thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ nhưng dời ra vị trí mới sẽ “hốt” cả các phương tiện ra vào cảng Cát Lái vốn không đi qua đường Điện Biên Phủ là sự bất hợp lý. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, giám đốc đầu tư kinh doanh CII cho rằng, các xe từ cảng Cát Lái có quyền…. không đi qua trạm thu phí mới, để khỏi đóng phí.

Nhưng các doanh nghiệp vận tải chuyên chạy xe trên tuyến từ cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội đi về hướng Đồng Nai và ngược lại phản ứng vì không thể đi vòng vào nội thành thành phố để “né trạm” thu phí này.

Trong khi đó, hiệp hội vận tải cũng cho rằng liên tỉnh lộ 25B và xa lộ Hà Nội chưa được mở rộng, cầu Rạch Chiếc cũ trước đây do bộ Giao thông vận tải đầu tư, quản lý và chuyển giao lại cho TP.HCM. CII hay đơn vị nào khác muốnn thu phí trên tuyến đường này thì phải thắng thầu xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường và cầu trên và phải tuân thủ nguyên tắc hoàn thành công trình trước, thu phí sau. Việc dời trạm thu phí xa lộ Hà Nội từ nơi này sang nơi khác để thu phí trong khi dự án chưa hoàn thành là điều bất hợp lý. Đây là một kiểu “thu phí trước, cầu đường làm sau” sai pháp luật và gây nhiều khó khăn thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Kiều Phong

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Phải báo cáo chuyến bay bị chậm, hủy từ tháng 10 (28/08/2009)

>   Vĩnh Long: Xuất khẩu gốm giảm hơn 30% (29/08/2009)

>   Kim ngạch xuất khẩu gạo chạm mốc 2 tỷ USD (28/08/2009)

>   Tăng cường cơ hội hợp tác với Thái Lan (28/08/2009)

>   Bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội (28/08/2009)

>   Phương án tăng giá xăng đang được cân nhắc (28/08/2009)

>   Việt Nam tăng cường đầu tư vào Lào và Campuchia (28/08/2009)

>   Lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng Tám tăng 16% (28/08/2009)

>   Các đòn 'hiểm' khuyến mãi cước di động (28/08/2009)

>   Khó chống được tình trạng đầu cơ đất đai (28/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật