Tiền đầu tư chạy lòng vòng
Hết nhóm cổ phiếu (CP) sắt thép, vật liệu xây dựng, chạy sang nhóm CP ngành mía đường, bánh kẹo, rồi quay về CP ngân hàng tài chính... Nhiều nhà đầu tư đang lao vào lướt sóng CP trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng.
Trong 10 ngày đầu tháng 8, thị trường chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của các CP ngành sắt thép và vật liệu xây dựng như VIS (Thép Việt Ý), HLA (CTCP Hữu Liên Á Châu), HSG (Tôn Hoa Sen)... bởi đây là mùa xây dựng. Tiếp đó là CP ngành bánh kẹo mía đường như LSS (CTCP đường Lam Sơn), BHS (CTCP đường Biên Hòa), SBT (CTCP đường Bourbon Tây Ninh), NKD (CTCP Kinh Đô Miền Bắc)... do mùa bánh trung thu đang vào vụ. Rồi nhóm CP ngành sách, thiết bị trường học tại sàn Hà Nội như EBS (CTCP Sách giáo dục tại TP Hà Nội), ECI (CTCP bản đồ và tranh ảnh giáo dục), EID (CTCP đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội)... hút hàng khi đến dịp tựu trường. Một nhà đầu tư (NĐT) tên Hòa tại sàn SSI cho rằng nhóm CP này chuẩn bị có kết quả kinh doanh quý 3 cực tốt vì đó là mùa vụ kinh doanh chính. Vì vậy, việc nhiều người đều mua đón đầu đã đẩy giá CP tăng liên tục.
Đến hai phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng kiến sự lên ngôi trở lại của các CP blue-chips. Điều này cũng góp phần tạo nên lực đỡ quan trọng cho VN-Index tiếp tục tăng thêm điểm.
STB (Ngân hàng TMCP Sacombank) sau nhiều phiên lình xình đã có 2 phiên tăng điểm liên tiếp và đang ở mức 38.500 đồng/CP, PPC (Nhiệt điện Phả Lại) từ mức 27.000 đồng đã tăng lên 30.700 đồng/CP, HAG (Hoàng Anh Gia Lai) từ 73.000 đồng tăng lên 81.000 đồng/CP...
Những NĐT có thâm niên trên sàn giao dịch chứng khoán và theo sát diễn biến hằng ngày có thể nhận thấy ngay sự thay đổi này. Anh Nam - một NĐT trên sàn VCBS cho biết ngay từ giữa tuần qua, một số NĐT đã dự báo rằng sóng CP ngân hàng tài chính sẽ nổi lên sau khi các NĐT đã bán ra penny-stocks để hiện thực hóa lợi nhuận. Công ty chứng khoán Âu Việt cũng nhận định sự đuối dần của các CP nhỏ sau khi đã có sự tăng giá trước đó có thể sẽ tạo nên một đợt sóng mới từ các CP blue-chips vốn lình xình khá lâu trong giai đoạn qua.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC cho rằng trong tình hình thị trường hiện nay, nhiều NĐT có tâm lý giao dịch ngắn hạn theo kiểu “lướt sóng” hơn là nắm giữ CP dài hạn. "Khi thị trường chưa có nhiều thông tin hỗ trợ thì thường một nhóm NĐT nào đó cố tình tạo ra sóng để lướt. Sóng sẽ tập trung ở một nhóm CP nào đó và cứ thế xoay vòng chuyển sang nhóm CP khác. NĐT cá nhân nào nhanh nhạy với thị trường thì đu theo cũng có được lợi nhuận. Tuy nhiên rủi ro cũng không phải là nhỏ, nhất là khi sóng quá ngắn, CP chưa về đến tài khoản đã bị giảm xuống. Quan trọng nhất là NĐT phải xem xét thời điểm tham gia mua vào có còn thích hợp hay không", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, khi dòng tiền đổ vào thị trường với mục tiêu chính đầu tư ngắn hạn thì khả năng tăng của thị trường sẽ khó bền vững. Các NĐT mới tham gia thị trường cần phải hết sức thận trọng, tránh chạy đua mua bất kỳ CP nào mà không có sự phân tích về “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Mai Phương
Thanh niên
|