Thứ Hai, 10/08/2009 09:18

Thời kỳ tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ đã đi qua

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng số liệu về tình hình việc làm của Mỹ trong tháng 7/09 cho thấy thời kỳ tồi tệ nhất đã qua và đây là tín hiệu phục hồi tốt của kinh tế Mỹ song vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới này đi đúng hướng.

Ông Obama một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của những biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Mỹ đã đưa ra và kêu gọi người dân kiên trì chờ đợi để những hiệu quả mà kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD nhằm giảm thuế và tăng chi tiêu sẽ mang lại.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Robert Gibbs, cho rằng kế hoạch kích thích kinh tế chắc chắn đã giúp Mỹ hạ thấp tỷ lệ mất việc làm". Còn theo ông Jared Bernstein, cố vấn kinh tế hàng đầu của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden, nếu các hoạt động kinh tế không được thúc đẩy bởi kế hoạch kích thích kinh tế thì tháng trước thì Mỹ có thể mất thêm hàng trăm việc làm.

Trước đó, Bộ Lao động Mỹ thông báo 247.000 việc làm bị mất trong tháng 7/09, con số thấp nhất kể từ tháng 8/08. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/09 giảm nhẹ xuống 9,4%, so với mức 9,5% trong tháng 6/09, và đây là lần giảm đầu tiên trong 15 tháng qua. Tuy vậy, các quan chức và giới kinh tế vẫn dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn có thể lên tới 10% vào cuối năm nay trước khi giảm từ năm tới.

Các số liệu thống kê về việc làm có thể sẽ tác động đến những quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến đưa ra trong cuộc họp trong tuần này. FED đã thực hiện những bước đi chưa từng có để cứu vãn nền kinh tế như việc mua lại hàng tỷ USD từ nợ chính phủ và chứng khoán liên quan đến thế chấp.

Khi suy thoái có dấu hiệu chạm đáy, FED phải đối mặt với những quan ngại cho rằng khi nào họ bắt đầu chấm dứt những hỗ trợ đặc biệt ấy. Nếu FED hành động trong khi các điều kiện về việc làm vẫn còn yếu thì có thể khiến tăng trưởng chững lại, trong khi nếu để quá lâu thì có thể gây ra lạm phát.

Trong một diễn biến khác về sự suy thoái kéo dài và sâu rộng kinh tế của kinh tế Mỹ, lần đầu tiên có hơn 34 triệu người dân nước này nhận thẻ tem phiếu thực phẩm trong tháng 5/09. Như vậy, số người xin trợ cấp thực phẩm đã tăng thêm 2%, lên tới 34,4 triệu người, tức cứ 9 người Mỹ thì có 1 người xin trợ cấp tem phiếu thực phẩm. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp mà lượng người xin cấp thẻ thực phẩm gia tăng kỷ lục như vậy.

Trong khi đó, hai ngân hàng Mỹ tại bang Florida là First State Bank và Community National Bank đóng cửa, nâng tổng số ngân hàng "ra đi" từ đầu năm đến nay lên 71. Từ đầu năm đến nay, FDIC đã phải trả cho các ngân hàng bị đổ vỡ 16,53 tỷ USD so với 17,6 tỷ USD mà họ đã trả trong cả năm 2008 cho 25 ngân hàng bị phá sản.

Một tin đáng chú ý khác là Fannie Mae, một trong hai đại gia ngân hàng chuyên cho vay thế chấp của Mỹ, cho hay cần Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ thêm 10,7 tỷ USD để "vượt qua tình trạng nguy kịch về tài chính hiện nay". Đây là lần thứ ba Fannie Mae phải nhờ đến trợ giúp của chính phủ với tổng số tiền đề nghị lên gần 96 tỷ USD.

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Đồng USD mạnh đẩy giá dầu suy yếu (10/08/2009)

>   IMF: GDP 2009 của Hàn Quốc sẽ giảm 1.8% (10/08/2009)

>   Italia: Suy thoái kinh tế chậm lại song vẫn còn bất ổn (09/08/2009)

>   Nhật Bản duy trì biện pháp trừng phạt thuế quan với Mỹ (09/08/2009)

>   72 nhà băng Mỹ bị đóng cửa từ đầu năm (09/08/2009)

>   Nền kinh tế Đức có dấu hiệu phục hồi sớm (09/08/2009)

>   "Đại gia" AIG đạt lợi nhuận trở lại sau gần 2 năm (09/08/2009)

>   33.000 người tuyên bố vỡ nợ tại Anh (09/08/2009)

>   Trung Quốc khởi công nhà máy phong điện lớn nhất (09/08/2009)

>   Trung Quốc sắp thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới (09/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật