Rắc rối vốn thặng dư tại Vinaconex
Thời gian qua, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex (HNX: VCG) tiếp tục gây xôn xao dư luận khi liên tục có những ý kiến giải trình về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi phần vốn thặng dư của Nhà nước. Đâu là căn nguyên của vấn đề này ?.
Phần vốn thặng dư tại doanh nghiệp
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều 45 chương IV Nghị định 109/2007/NĐ-CP, nguồn vốn thặng dư thu được sau khi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) phải được chuyển về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Điều này là hiển nhiên vì theo quy định của Nhà nước, phần vốn thặng dư sau mỗi đợt IPO thuộc về sở hữu của Nhà nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Nhà nước có hoàn trả lại cho doanh nghiệp một phần vốn thặng dư này.
Chẳng hạn, Chính phủ cho phép Vietcombank (VCB) giữ lại 1.000 tỉ đồng từ đợt IPO hay việc hoàn trả 233 tỉ đồng thặng dư vốn cho Công ty Thủy sản Bến Tre (FBT) hồi giữa năm 2008. Trong các trường hợp nói trên, phần vốn thặng dư mà doanh nghiệp được Nhà nước hoàn trả lại sẽ thuộc về sở hữu của chính các cổ đông trong doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư khi tham gia đấu giá cổ phần luôn quan tâm đến vấn đề xử lý phần thặng dư vốn.
Đối với Vinaconex câu chuyện hoàn toàn khác. Khoản 10 điều 1 Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa của công ty có quy định: “Phần vốn tăng thêm do đấu giá bán cổ phiếu Vinaconex được để lại nhằm tăng vốn nhà nước tại Vinaconex”. Điều này cũng góp phần làm yên lòng các nhà đầu tư khi tham gia đấu giá Vinaconex. Chính vì vậy, thặng dư 810,7 tỉ đồng có sự đóng góp của thông tin trên.
Phần vốn thặng dư được Nhà nước để lại tại doanh nghiệp này không thuộc quyền sở hữu của các cổ đông. Khi Vinaconex có nhu cầu tăng vốn sẽ sử dụng nguồn vốn này để tăng thêm và dĩ nhiên phần tăng thêm này thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Lợi ích của Nhà nước!
Trong năm 2008, Vinaconex thực hiện phương án tăng vốn điều lệ từ 1.500 lên 2.000 tỉ đồng bằng cách phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3,2953:1. Thực tế thì việc tăng vốn này chỉ dừng lại ở mức 1.850 tỉ đồng do giá cổ phiếu chào bán cao hơn giá giao dịch trên thị trường. Với mức tăng này tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 63,36% xuống còn 51,35% do đại diện SCIC tại Vinaconex không thực hiện quyền mua khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ. Điều này đã làm giảm khả năng kiểm soát của Nhà nước và trái với Quyết định 56/2005/QĐ-TTg.
Thực trạng việc quản lý phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần vẫn còn nhiều chuyện để bàn. Qua nhiều lần phát hành, tỷ lệ phần vốn của Nhà nước giảm hẳn đi. Việc phát hành cổ phần tăng vốn cho cổ đông hiện hữu như Vinaconex khi giá phát hành cao hơn nhiều giá trị thị trường tại thời điểm phát hành đã làm nhiều cổ đông hiện hữu từ chối góp vốn, kể cả SCIC. Liệu điều này có được xem là thất thoát vốn trong doanh nghiệp?...
Như vậy, một quyết định khi cổ phần hóa của Nhà nước đã không được thực thi khi Vinaconex thực hiện phương án tăng vốn. Kế hoạch tăng vốn này còn tiếp tục theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông của Vinaconex vừa được thông qua. Liệu rằng việc điều tiết lượng tiền thặng dư vốn có được lúc IPO có phù hợp với tinh thần của Quyết định 56/2005/QĐ-TTg và nguồn vốn để tăng vốn điều lệ của phần vốn Nhà nước trong Vinaconex sau này lấy từ đâu? Thiết nghĩ, 810,7 tỉ đồng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nên việc Nhà nước điều tiết lượng tiền này là hợp lý nhưng lại không đúng với tinh thần của Quyết định 56.
Sự kiện phần vốn thặng dư để lại một phần cho Vietcombank lúc IPO đã gây xôn xao giới đầu tư. Tiếp theo là FBT và nhiều doanh nghiệp khác nhận được đặc ân này. Và Vinaconex cũng được hưởng lợi khi tạm giữ 810,7 tỉ đồng, những trường hợp này đặt ra câu hỏi về việc sử dụng vốn của Nhà nước. Trường hợp của FBT hay Vietcombank là Nhà nước cho các cổ đông trong công ty còn Vinaconex lại là một hình thức cho vay không nhận lãi với số tiền lên đến 810,7 tỉ đồng. Đây là một đặc ân mà doanh nghiệp nào khi cổ phần hóa cũng mong có được.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần có một quy định thống nhất tránh sự chênh vênh giữa các doanh nghiệp khi cổ phần hóa và tránh làm thất thoát vốn nhà nước, cả trước mắt và lâu dài.
Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM
TBKTSG Online
|