Thứ Năm, 27/08/2009 16:49

Nỗ lực của NHTW Singapore vượt khủng hoảng tài chính

Mới đây, Cơ quan tiền tệ (NHTW) Singapore đã cho công bố báo cáo tài chính 2008-2009 đưa ra lời khẳng định rằng Singapore, mặc dù không tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể nhờ vào nỗ lực thực hiện 3 cột trụ trong chính sách của mình là “duy trì sự lành mạnh và an toàn của các định chế tài chính, đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách nhịp nhàng và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư.”

Báo cáo đã điểm lại diễn biến của nền kinh tế nước này với những nhận định cho rằng nền kinh tế Singapore đã chịu sự tác động mạnh mẽ, bởi lẽ các ngành chế tạo máy móc, giao thông vận tải, hậu cần và thương mại bán buôn của nước này gắn chặt với chu chuyển thương mại khu vực cũng như toàn cầu. Kết quả là tính đến hết quý 1 năm nay, nền kinh tế Singapore đã gánh chịu tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử phát  triển của mình với sự sụt giảm sản phẩm ở mức 10%. Hoạt động đầu tư cũng bị cuộc khủng hoảng tác động nghiêm trọng. Tính đến cuối năm tài khóa tức là vào thời điểm 31/3/2009, Cơ quan tiền tệ Singapore gọi tắt là MAS đã bị tổn thất ròng  9,2 tỷ đô la Singapore tương đương với 3,5% tổng tài sản bình quân của MAS, trong khi chỉ một năm trước đó lại thu được khoản lợi nhuận 7,44 tỷ đô la Singapore. Do vậy mà MAS phải gánh chịu khoản tổn thất nặng nề tới 80% thành quả của 2 năm trước đó do hậu quả của cuộc khủng hoảng gây ra. Mức độ tổn thất đã được giảm thiểu do MAS đã tăng khối lượng thanh khoản trong danh mục của MAS vào đầu năm 2008 trong bối cảnh xảy ra những diễn biến bất thường. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường tài chính sau khi kết thúc năm tài khóa, giá trị  tài sản ngoại tệ của  MAS đã tăng lên đáng kể và đã thu hồi lại hơn một nửa khoản tổn thất ở trong nước. Nhìn chung, hệ thống tài chính của Sinagapore đã vượt qua được cuộc khủng hoảng dựa trên 3 trụ cột chính là : 1) duy trì các định chế tài chính lành mạnh và an toàn; 2) đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách nhịp nhàng; và 3) duy  trì lòng tin của các nhà đầu tư.

MAS đã làm gì để vượt qua tác động của cơn bão táp khủng hoảng toàn cầu ? Trong bối cảnh thị trường tài chính rộng mở trong khi nền kinh tế suy giảm nặng nề, thì hệ thống tài chính của Singapore không thể “miễn dịch” trong tình trạng chung này. Vấn đề là phải hành động như thế nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đó. Trước tiên, MAS tập trung vào việc duy trì sự lành mạnh và an toàn của các định chế tài chính ở Singapore bằng việc tăng cường hoạt động thanh tra giám sát các định chế tài chính một cách thường xuyên, tiến hành các cuộc thảo luận với hội đồng quản trị , ban giám đốc và các nhà kiểm toán của các định chế tài chính, riêng đối với các định chế nước ngoài thì thực hiện đối thoại đều kỳ với các cơ quan quản lý và các cán bộ kiểm toán tại quốc gia xuất xứ của các định chế này. Việc kiểm tra tình trạng khó khăn các định chế tài chính lớn là một trong những công cụ thanh tra giám sát chủ chốt đã từng được sử dụng thường xuyên ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Chính trong thời gian xảy ra khủng hoảng, công cụ này lại càng được quan tâm hơn. Đợt kiểm tra gần đây nhất tại các ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhân thọ đã được thực hiện vào quý 1/2009 . Do các ngân hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ có nguồn vốn phong phú và lành mạnh về tài chính, cho nên mục đích của các đợt kiểm tra không nhằm vào việc xác định họ cần tăng thêm bao nhiêu vốn, mà thay vào đó nhằm cho phép MAS xác định xem các ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhân thọ đứng vững đến mức nào trong các tình huống khó khăn nghiêm trọng. Mục đích thứ hai là nhằm tập trung đánh giá xem sự quan tâm của các định chế tài chính trong việc quản lý rủi ro và duy trì sự vững mạnh của thanh khoản, thu nhập và nguồn vốn để trở nên lành mạnh về tài chính trong quá trình suy giảm kinh tế.

Thứ hai là thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách nhịp nhàng. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng của Singapore không trải qua cơn tai biến làm phương hại đến thị trường LIBOR. Tuy nhiên, việc mở rộng cửa thị trường của đất nước này có nghĩa là họ không thể “miễn dịch” khỏi tình trạng bất ổn  tại các khu vực khác trên toàn cầu. MAS đã đảm bảo với các định chế tài chính rằng các định chế này có thể tiếp cận nguồn thanh khoản đô la Singapore và đô la Mỹ bằng 3 kênh khác nhau. MAS đã duy trì được thanh khoản ở mức độ cao hơn trong hệ thống ngân hàng. MAS đã lập ra “Thể thức thường trực” để cho phép tất cả các ngân hàng được tiếp cận Hệ thống thanh toán điện tử của MAS, tạo điều kiện cho các ngân hàng dùng các quỹ đô la Sinagopre để mua lại đồng đô la Singapore từ MAS. Cuối cùng, MAS cũng đã ký thỏa thuận hoán đổi trị giá 30 tỷ đô la Mỹ với Cục dự trữ liên bang Hoa kỳ, và thỏa thuận này được kéo dài đến tận 1/2/2010.

Thứ ba là triển khai các biện pháp để duy trì lòng tin của các nhà đầu tư,  trên cương vị Singapore  là một trung tâm tài chính quốc tế. Ngày 16/10/2008, Chính phủ Singapore đã cho công bố kế hoạch bảo đảm cho các khoản tiền gửi của cá nhân và các khách hàng phi ngân hàng được cấp phép hoạt động tại Singapore. Kế hoạch này nhằm mục đích đảm bảo duy trì một sân chơi quốc tế bình đẳng cho mọi ngân hàng ở Singapore và thể hiện niềm tin của Chính phủ vào tính lành mạnh và an toàn của hệ thống  tài chính, đồng thời tạo ra tác dụng duy trì lòng tin của các nhà đầu tư và những người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng của quốc gia này.

Các biện pháp mới

Trong tiến trình phát triển, MAS sẽ nâng cao cảnh giác và tiếp tục tập trung vào 3 cột trụ quyết liệt của hệ thống tài chính như đã nêu ở trên. Sự quan tâm chính sẽ hướng tới việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực quy phạm quốc tế mới, củng cố công tác quản trị điều hành tại các định chế tài chính, tăng cường Thể thức thường trực và củng cố hệ thống đấu thầu chứng khoán Chính phủ Singapore, nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư đối với hệ thống tài chính của Singapore. Khuôn khổ quy phạm pháp luật của MAS thường bị coi là bảo thủ, do đó cần phải áp dụng các chuẩn mực mới của các tổ chức quốc tế đề ra. Để làm được điều đó, MAS phải hợp tác chặt chẽ và tham vấn toàn bộ hệ thống tài chính và dân chúng. Để tạo thêm động lực cho công tác quản lý rủi ro, các ngân hàng trong nước đang thực hiện những cuộc kiểm tra sâu rộng trong nội bộ là một phần của quy trình thực hiện các quy định Basel II, và kết quả kiểm tra sẽ được sử dụng trong kế hoạch nguồn vốn. Đối với các ngân hàng nước ngoài, MAS  tiếp tục hợp tác chặt chễ với các cơ quan thanh tra của nước xuất xứ thông qua các cuộc gặp gỡ thường kỳ và tham gia vào các lớp huấn luyện về công tác thanh tra.

Có nhiều bài học được rút ra cho các định chế tài chính, các nhà dầu tư và MAS, nhất là trong lĩnh vực củng cố lòng tin vào hệ thống tài chính. MAS đã đánh giá vai trò của tất cả các bên hữu quan. Đối với các định chế tài chính, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc phải thực hiện ngay các biện pháp để lấy lại lòng tin của khách hàng. MAS đã đưa ra văn bản hướng dẫn “Đối xử công bằng” để khẳng định rằng Hội đồng quản trị và Ban giám đốc các định chế  tài chính phải chịu trách nhiệm thực hiện cho bằng được việc đối xử công bằng. Để làm được điều đó, các định chế tài chính phải hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ nhân viên của mình.

MAS sẽ đánh giá và tăng cường công tác thanh tra giám sát các định chế tài chính trong việc đưa ra các sản phẩm mới  bằng các cuộc thanh tra thường kỳ và đột xuất để đánh giá các chính sách tuân thủ, quy trình và công tác kiểm soát của các định chế tài chính. Tuy nhiên, công tác thanh tra của MAS không thể thay thế cho vai trò chủ chốt của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc để đảm bảo rằng công tác kiểm soát và các quy trình được thực hiện một cách mạnh mẽ và đều đặn bởi tất cả các cán bộ và nhân viên trong tất cả các giao dịch với khách hàng ở mọi nơi mọi chốn. Nói cho cùng, MAS sẽ nỗ lực hết sức để xác định những lĩnh vực cụ thể mà các định chế tài chính tỏ ra yếu kém.

Đồng thời, các khách hàng cũng phải thể hiện vai trò của mình. Cuộc khủng hoảng vừa qua một lần nữa xác định tầm quan trọng của việc điều tra những sản phẩm mà khách hàng hiểu biết và thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình khi quyết định đầu tư. Điều này đã từng được nhấn mạnh tại các cuộc hội thảo và các cẩm nang hướng dẫn, tuy nhiên để tiếp cận được với công chúng rộng rãi là công việc không dễ dàng chút nào, nhưng dẫu sao MAS vẫn phải kiên trì trong công tác này.

MAS cũng rất chú  trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, nghiên cứu và giáo dục đào tạo. Quỹ phát triển lĩnh vực tài chính đã dành ra 10  triệu đô la cho các chương trình giáo dục tài chính trong vòng 3 năm tới. Đặc biệt, MAS rất quan tâm đến việc đề nghị công chúng đóng góp ý kiến để làm sao cho công tác giáo dục tài chính này đạt được hiệu quả cao nhất. Ngay cả trong khi đang đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu, MAS vẫn tiếp tục quan tâm tới việc tăng cường năng lực trong dài hạn , và sự quan tâm đó được thể hiện trong việc bảo trợ công tác đào tạo giáo sư kinh tế và tài chính tại Trường đại học quốc gia Singapore trong vòng 5 năm tới. Điều đó thể hiện ý định của MAS nhằm đẩy mạnh sự gắn kết giữa giới học giả, ngành tài chính và công chúng. Ngoài ra, MAS còn mời các học giả nổi tiếng trên thế giới đến chỉ đạo và thực hiện công tác nghiên cứu ở Singapore trong các lĩnh vực tài chính, kinh tế quốc tế, kinh tế tiền tệ và tài chính công.

Viễn cảnh nền kinh tế Singapore

Những số liệu gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Singapore  phục hồi mạnh mẽ trong quý 2/2009. Sự phục hồi này cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh hoạt động kinh tế tại nước này bị suy giảm mạnh trong quý 4/2008 và quý 1/2009. Do vậy, các doanh nghiệp đã bắt đầu tích lũy  hàng hóa tồn kho tới mức vượt quá yêu cầu bền vững và nhất quán với nhu cầu cơ bản, mà nhu cầu đó đã ổn định phần nào trong bối cảnh nới lỏng các điều kiện tài chính. Trong hệ thống tài chính trong nước, một số lĩnh vực hoạt động đã thu được thành quả trong quý 2/2009. Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện đã làm cho doanh số thị trường chứng khoán tăng lên và số liệu gần đây nhất cho thấy các khoản vay phi ngân hàng trong nước được duy trì ở mức chắc chắn. MAS đánh giá rằng chính sách tiền tệ hiện nay là phù hợp để hỗ  trợ cho sự phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn, do vậy tăng thêm niềm tin của dân chúng đối với đồng đô la Singapore.

Báo cáo tài chính 2008-2009 kết luận rằng trên con đường tiến lên phía trước, điều quan trọng đối với các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý trên toàn thế giới là duy trì cảnh giác và tiếp tục khắc phục các rủi ro hệ thống tài chính trong khi các thị trường vẫn còn mong manh và chưa thật sự chắc chắn. Singapore không thể “miễn dịch” với các khu vực khác của thế giới và cần phải nắm bắt được những đổi thay và dự kiến được những thay đổi đó tác động như thế nào đến Singapore để có được những hành động đúng đắn. MAS sẽ tiếp tục dựa trên 3 trụ cột chính là duy  trì các định chế tài chính lành mạnh và an toàn, đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách nhịp nhàng và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư. Dựa trên những yếu tố căn bản đó và thích ứng với những mối thách thức mới, Singapore đang đứng trước một triển vọng vô cùng sáng sủa.

PMH

SBV

Các tin tức khác

>   Kinh tế Philippine tăng tốc trong quý 2 (27/08/2009)

>   Kinh tế Thái Lan dần hồi phục trong quý 2/2009 (25/08/2009)

>   Hấp lực thị trường Campuchia (23/08/2009)

>   Lào phấn đấu tăng trưởng KT 7,5% trở lên trong 2009-2010 (19/08/2009)

>   Philíppin tăng chi tiêu, giảm thâm hụt ngân sách vào 2010 (18/08/2009)

>   ASEAN giữa hai cực phát triển Ấn Độ và Trung Quốc (17/08/2009)

>   Trung Quốc đề xuất lập quỹ đầu tư các nước ASEAN (17/08/2009)

>   Hiệp định thương mại ASEAN sớm có hiệu lực (15/08/2009)

>   ASEAN-Trung Quốc hoàn tất thương lượng FTA (15/08/2009)

>   Ấn Độ, Asean ký hiệp định tự do mậu dịch (15/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật