Niềm tin vào giới kinh doanh giảm dần
Ngay từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hiện giờ, mối quan hệ giữa giới kinh doanh và xã hội đã có những dấu hiện rạn nứt. Để rồi khi suy thoái ập đến, niềm tin của xã hội vào giới kinh doanh tưởng chừng tụt dốc không phanh.
Khảo sát do tổ chức Edelman Trust Barometer tiến hành cho thấy, tại thời điểm tháng 12/2008, có đến 62% người ở độ tuổi trưởng thành tại 20 quốc gia không còn tin vào giới kinh doanh nhiều như một năm trước đây.
Vậy sự thật này có gì đáng quan ngại? Trước hết, khi chữ tín bị tổn hại thì công việc kinh doanh cũng trở nên khó khăn hơn. Với một công ty riêng lẻ, một khi niềm tin của đối tác dành cho họ quá thấp, họ sẽ phải mất thêm nhiều chi phí giao dịch. Thêm nữa, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp bị tổn hại và họ sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc thu hút, giữ và quản lý người tài.
Tiếp đến, họ cũng phải lường đến cả tình huống xảy ra các cuộc tẩy chay, tin xấu lan truyền và chính phủ sẽ siết chặt hoạt động của họ bằng những quy định ngặt nghèo không đáng có. Với toàn bộ giới kinh doanh nói chung, một khi việc quản lý doanh nghiệp theo các lời phán xét qua từng trường hợp không còn đủ sức răn đe, chính phủ sẽ buộc phải áp đặt hệ thống quản lý dựa trên quy định và luật lệ.
Những quy định, luật lệ sẽ khiến doanh nghiệp không thể tránh khỏi nhiều chi phí phát sinh và bị bó buộc không ít trong công việc kinh doanh (điển hình nhất phải kể đến điều luật Sarbanes – Oxley – hay còn gọi điều luật Cải cách hệ thống kế toán tại các công ty đại chúng và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là một điều luật liên bang Hoa Kỳ ra đời năm 2002 sau hàng loạt vụ bê bối trong quản lý doanh nghiệp và cân đối sổ sách kế toán tại các tập đoàn lớn như Enron, Tyco International hay WorldCom...)
Vì thế, đứng trước nguy cơ này, các công ty bằng mọi cách cần khôi phục lại sự tín nhiệm của các bên có quyền lợi liên quan và điều tiết những mối quan hệ này hiệu quả hơn. Cấp quản lý cao nhất nên đi tiên phong thực hiện những bước đi này.
Trước hết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần cho cộng đồng thấy rằng họ thực sự ý thức một cách nghiêm túc về những mối bận tâm chung của cộng đồng liên quan đến xử trí của ban quản trị khi làm tổn hại lợi ích của các bên liên quan, quản lý rủi ro, tầm nhìn của ban quản trị và cách ứng xử với đội ngũ nhân viên đang đứng trước nguy cơ sa thải.
Muốn khôi phục lại niềm tin, họ cũng cần cho cộng đồng thấy rằng mục tiêu sống còn của đội ngũ quản lý không gì hơn ngoài việc tối đa hoá giá trị cho các bên có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp của họ. Tiếp đến, họ còn cần phải xác định việc mình làm nên mang lại lợi ích cho càng nhiều đối tượng càng tốt đó là: nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng, báo chí, các nghiệp đoàn, chính phủ, xã hội...
Tại nhiều nước châu Âu và châu Á, mọi chuyện chắc sẽ đơn giản hơn bởi từ lâu, giới kinh doanh ở đây đã luôn hướng hoạt động của mình tới mục tiêu làm lợi cho nhiều đối tượng liên quan. Trong khi đó, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với giới doanh nghiệp tại Mỹ và Anh do đã thành lối mòn, các doanh nghiệp này chỉ luôn lấy quyền lợi của cổ đông làm kim chỉ nam trong mọi quyết định, quyết sách và quản lý kết quả hoạt động của mình.
* Nhận định: Xu thế này đang tăng dần.
- Bài viết của Eric Beinhocker và Elizabeth Stephenson trên Harvard Business Publishing -
Như Nguyệt
Tuần Việt Nam
|