Nhận diện dòng vốn ngoại
Một cách đầu tư mới của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam đang dần lộ diện. Đó là việc mua chứng chỉ tham gia đầu tư (P-notes) của các tập đoàn quốc tế như Citigroup, Deustche Bank, HSBC...
Gương mặt NĐT nước ngoài
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đến ngày 1/8 đã cấp mã số giao dịch cho 13.139 NĐT nước ngoài, trong đó có 1.050 NĐT tổ chức và 12.089 NĐT cá nhân. Theo CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), có 4 nhóm chủ thể NĐT nước ngoài. Xét về tầm ảnh hưởng với thị trường, HSC sắp xếp họ theo thứ tự giảm dần: quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam; ngân hàng đầu tư; quỹ dành cho thị trường mới nổi và khu vực; NĐT cá nhân nước ngoài.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã phác họa "chân dung" các quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam: quỹ có thời hạn hoạt động từ 7 - 10 năm; đầu tư giá trị và dài hạn, tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng ổn định; hoạt động tái cấu trúc danh mục đầu tư chỉ diễn ra khi nhận định triển vọng lâu dài của một loại cổ phiếu nào đó trở nên không chắc chắn hoặc họ thấy cần phải phân bổ lại nguồn vốn, phân tán rủi ro, đón đầu những cổ phiếu mới xuất hiện có triển vọng hơn.
Các tập đoàn tài chính toàn cầu hoạt động tại Việt Nam có bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại những chi nhánh của tập đoàn ở khắp nơi trên thế giới. HSC cho biết, nhiều tập đoàn quốc tế như Citigroup, Deustche Bank đã phát hành các chứng chỉ tham gia đầu tư (P-notes), cho phép NĐT nước ngoài tham gia thị trường mà không cần phải đăng ký một mã giao dịch hay đặt chân vào TTCK Việt Nam. Các chứng chỉ này rất phổ biến với các quỹ phòng hộ rủi ro (hedge funds) và những NĐT khu vực khác. Hình thức này giúp NĐT nước ngoài có thể dễ dàng đầu tư vào TTCK Việt Nam vào bất kỳ thời điểm nào mà không phải mất thời gian mở tài khoản.
Về cơ bản, các ngân hàng đầu tư này đã mua một lượng lớn cổ phiếu Việt Nam, tập trung vào 10 cổ phiếu blue-chip, được gói lại thành một sản phẩm phái sinh để bán cho các tổ chức đầu tư nước ngoài. Các sản phẩm này thực chất là một cách đầu tư gián tiếp vào TTCK Việt Nam với sự đảm bảo hai chiều, giúp loại bỏ phần lớn rủi ro thanh khoản so với việc NĐT đầu tư trực tiếp trên TTCK. Theo HSC, hàng trăm triệu P-notes đã được bán vào thời kỳ đỉnh cao.
Về các quỹ khu vực và thị trường mới nổi, VAFI cho biết, họ có thể chưa có văn phòng tại Việt Nam, nhưng đã mở tài khoản và có các chương trình nghiên cứu thị trường. Theo báo cáo của HSC hồi tháng 4, nhóm này không đầu tư liên tục vào TTCK Việt Nam, hầu hết đã rời khỏi thị trường trong tháng 12 năm ngoái khi một số ngân hàng đầu tư quốc tế khuyến nghị tỷ trọng đầu tư cho Việt Nam bằng 0. Tuy nhiên, HSC đánh giá, nếu TTCK Việt Nam phục hồi, họ sẽ nhanh chóng quay lại và trở thành một lực lượng đáng kể dẫn dắt thị trường.
Đối với nhóm NĐT cá nhân nước ngoài, tầm ảnh hưởng của họ khá khiêm tốn, chỉ giúp giao dịch của khối ngoại thêm sinh động và nhiều "màu sắc".
Ai mua cổ phiếu?
Kể từ ngày 25/6 trở lại đây, xu thế chủ đạo của NĐT nước ngoài là mua ròng với khối lượng lớn: chuỗi 31 phiên mua ròng trong một tháng rưỡi qua chỉ bị cắt ngang bởi 2 phiên bán ròng vào ngày 24/7 và ngày 7/8. Tổng giá trị mua ròng trong cả giai đoạn trên là gần 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối tượng giao dịch của NĐT nước ngoài khá chọn lọc. Về ngành nghề, khối ngoại chỉ tập trung giao dịch cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng và nguyên vật liệu. Các mã cổ phiếu NĐT nước ngoài mua nhiều nhất là HPG, HAG, SSI, STB, FPT…
Theo Vafi, ít có hoạt động đầu cơ hay lướt sóng của các quỹ nước ngoài hiện diện thường xuyên tại Việt Nam.
Giám đốc điều hành một số quỹ lớn có thâm niên hoạt động tại Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital từng thừa nhận, việc gọi thêm vốn cho thị trường cổ phiếu Việt Nam trong năm 2009 là bất khả thi. Một số quỹ đầu tư hạng trung có kế hoạch gọi thêm vốn như Saigon Asset Management (SAM) đã phải tạm hoãn kế hoạch chờ đến năm sau. Vì vậy, dòng vốn từ các quỹ đầu tư dài hạn không có yếu tố đột biến, trong khi các gương mặt quỹ mới chưa thấy xuất hiện.
VAFI ước tính, nguồn vốn chưa giải ngân từ các quỹ nước ngoài hiện diện thường xuyên tại Việt Nam khoảng 1,2 tỷ USD và đánh giá, ít có các hoạt động đầu cơ lướt sóng của nhóm này. Bởi lẽ, họ mất nhiều thời gian, công sức để xây dựng danh mục đầu tư; những quyết định của họ thường thông qua hội đồng đầu tư, HĐQT và ban đại diện quỹ... Vì vậy, hình thức đầu tư theo kiểu lướt sóng hàng ngày khó xảy ra.
Báo cáo ra ngày 30/7 về hoạt động của hai quỹ VEIL và VGF do Dragon Capital quản lý chỉ cho thấy một vài chuyển dịch nhỏ: tại VEIL, tỷ lệ tiền mặt là 9%, giảm nhẹ so với mức 10% cuối tháng 5; tại VGF, tỷ lệ tiền mặt tăng từ 13% lên 18%. Tại VOF - quỹ đầu tư cổ phiếu do VinaCapital quản lý, tỷ lệ tiền mặt vẫn là 14,6% - không đổi so với cách đây 3 tháng (số liệu công bố ngày 31/7).
Trong khi các quỹ lâu năm khá im hơi lặng tiếng thì chủ thể NĐT nước ngoài nào đang đẩy mạnh giao dịch? VAFI nhận xét, trong các phiên giao dịch gần đây, dòng vốn gián tiếp đến từ các ngân hàng đầu tư và quỹ dành cho thị trường mới nổi và khu vực đang tăng lên. Dòng vốn thông qua việc mua chứng chỉ đầu tư của các ngân hàng lưu ký toàn cầu ước chiếm 60 - 70% tổng giá trị giao dịch hàng ngày của khối ngoại. Một “gương mặt” mới của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam đang dần lộ diện. Quy mô và tính chất của dòng vốn này như thế nào vẫn là câu chuyện mới với NĐT Việt Nam.
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|