Nga vẫn làm chủ thị trường năng lượng châu Âu
Theo nhật báo "Il Foglio" của Italy, cuộc "đọ sức" giữa dự án Nabucco do Mỹ và một số nước Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ, và dự án "Dòng chảy phương Nam" do Nga hậu thuẫn để giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng ở châu Âu, đã ngã ngũ, nghiêng về phía "Dòng chảy phương Nam", từ khi Italy đồng ý tham gia dự án này.
Tờ báo này viết, Mỹ và một phần EU lâu nay vẫn khuếch trương Nabucco do lo ngại châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng từ Nga.
Đối với Washington và Brussels, Nabucco có giá trị không kém gì "lá chắn tên lửa" của Mỹ, với mục đích chủ yếu là hạn chế sức mạnh của Mátxcơva trong lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, trên bàn cờ địa-chính trị-năng lượng thế giới, Nabucco không có lợi thế trong cuộc "đọ sức" với "Dòng chảy phương Nam" vì nhiều lý do.
Thứ nhất, liên minh chiến lược giữa công ty dầu mỏ và khí đốt đa quốc gia ENI của Italy và tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới Gazprom của Nga đã tồn tại khăng khít từ lâu, phạm vi hoạt động của liên minh này không chỉ giới hạn ở châu Âu mà còn vươn tới Bắc Phi và Mỹ Latinh.
Thứ hai, "Dòng chảy phương Nam" là một hệ thống đường ống khá thẳng, chỉ dài 900km và có khả năng vận chuyển 60 tỷ m3 khí đốt/năm, trong khi Nabucco là một hệ thống khúc khuỷu có tổng chiều dài lên tới 3.000km, nhưng chỉ có năng lực trung chuyển 30 tỷ m3/năm và hiện vẫn còn đang nằm trên giấy.
Thứ ba, về khía cạnh kinh tế và chính trị, "Dòng chảy phương Nam" đang chiến thắng. Điều duy nhất có thể giúp Nabucco giành ưu thế là việc chuyển khí đốt với giá thấp từ các giếng khai thác ở vùng biển Kaspi thuộc Iraq, nhưng 80% lượng khí ở đây đã được Nga và Trung Quốc mua, trong khi tiến trình tái thiết ở Iraq vẫn chưa hoàn thành.
Nhật báo "Il Foglio" cho rằng về lý thuyết, một hệ thống chảy từ Iran, Iraq đến châu Âu là quá lý tưởng cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khi Washington nhận thấy "cuộc chơi" này không chỉ mang lại cho Mỹ nguồn lợi về năng lượng, mà cả phần thắng về địa-chính trị.
Là một trong những nước cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới, việc Iran tham gia hệ thống Nabucco sẽ là một "đòn quyết tử" đối với sự tồn tại của "Dòng chảy phương Nam" và làm cán cân nghiêng hẳn về phía Nabucco trên bàn cờ năng lượng thế giới.
Iran vẫn đang bán dầu mỏ và khí đốt cho cả hai bên, nhưng sẽ ngả hẳn về phía Mátxcơva một khi Mỹ tăng cường sức ép đối với chính thể của Tổng thống Iran Mahmood Ahmadinejad.
Trong khi đó, nhật báo Italy "Il Secolo XIX" cho rằng Nabucco chỉ là một giấc mơ hão huyền. Dự án trị giá 7,9 tỷ euro này có mục tiêu là hạn chế sự phụ thuộc của châu Âu vào dòng chảy năng lượng từ Nga.
Tuy nhiên, việc Nga mua hầu hết khí đốt của Turkmenistan và Kazakhstan khiến công suất của Nabucco rất thấp và nếu có thể đi vào hoạt động thì vẫn đứng sau "Dòng chảy phương Nam" về mọi phương diện.
Theo "Il Secolo XIX", nếu những nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho châu Âu thông qua Nabucco, như Azecbaijan, Turkmenistan và Kazakhstan, vẫn tiếp tục bán phần lớn khối lượng khí cho Nga, thì chính sách độc lập năng lượng với Nga của EU sẽ "chết từ trong trứng".
Cũng theo báo này, Nabucco hiện mới đang trên giấy, nhưng Nga đã củng cố các hệ thống đường ống và hiệp định Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mới nhất đã đưa Ancara vào cuộc, tăng thêm sức nặng cho "Dòng chảy phương Nam".
VIETNAM+
|