Thứ Tư, 12/08/2009 08:33

Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Mỹ: Nóng bỏng vì bảo hộ mậu dịch

Từ trái sang phải: Thủ tướng Ca-na-đa X. Ha-pơ, Tổng thống Mê-hi-cô P. Can-đê-rôn, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma trong buổi họp báo kết thúc hội nghị.(HNM) - Sau hai ngày họp tại thủ phủ Goa-đa-la-ha-ra của bang Ha-li-xcô, miền Trung Mê-hi-cô, ngày 11-8 (giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh các nước Bắc Mỹ lần thứ 5 đã bế mạc với "Tuyên bố chung các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ" về y tế, an ninh, phục hồi kinh tế, tăng cường quan hệ thương mại và chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo ba nước gồm Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Thủ tướng Ca-na-đa Xti-phơn Ha-pơ và Tổng thống nước chủ nhà Mê-hi-cô Phê-li-pê Can-đê-rôn đều nhất trí "hành động tích cực và hợp tác", đặc biệt trong mục tiêu khôi phục tăng trưởng kinh tế ở Bắc Mỹ.

Trong bối cảnh dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan, ba nguyên thủ Bắc Mỹ đều cho rằng, đóng cửa biên giới sẽ không ngăn chặn được dịch cúm A/H1N1 lây lan và có thể gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước; đồng thời kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm trong mùa đông tới. Về bài trừ ma túy, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố tiếp tục ủng hộ sáng kiến Merida , một chương trình trị giá 1,4 tỷ USD với thời hạn ba năm, nhằm hỗ trợ Mê-hi-cô và các nước Trung Mỹ chống buôn lậu ma túy. Ca-na-đa cũng cam kết giúp Mê-hi-cô 15 triệu USD/năm để hỗ trợ cuộc chiến chống ma túy và đề nghị để lực lượng cảnh sát Hoàng gia Ca-na-đa tham gia huấn luyện cho cảnh sát Mê-hi-cô.

Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) từ ngày 1-1-1994 dưới thời Tổng thống Bin Clin-tơn. Từ năm 2005, Hội nghị Thượng đỉnh các nước Bắc Mỹ được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước Bắc Mỹ trong nhiều vấn đề, lĩnh vực cùng quan tâm. Ca-na-đa là bạn hàng chủ chốt của Mỹ, còn Mê-hi-cô đứng thứ ba. Tổng giá trị trao đổi thương mại giữa 3 nước trong năm 2007 đạt khoảng 930 tỷ USD.

Trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh lần này ngoài các vấn đề nêu trên thì biện pháp để hóa giải những bất đồng liên quan tới NAFTA được lãnh đạo Mê-hi-cô và Ca-na-đa quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy, cốt lõi vấn đề nóng bỏng này vẫn chưa được giải quyết. Lo ngại Mỹ có thể dùng biện pháp bảo hộ thương mại trong lúc tìm cách vượt qua cuộc suy thoái, Ca-na-đa và Mê-hi-cô đều muốn Oa-sinh-tơn bảo đảm rằng gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD được Tổng thống B.Ô-ba-ma ký hồi tháng 2 vừa qua không làm phương hại tới trao đổi thương mại giữa 3 nước.

Chính sách "Người Mỹ dùng hàng Mỹ" được Ca-na-đa đề cập ráo riết tại Mê-hi-cô bởi nó có thể loại các công ty Ca-na-đa khỏi nhiều dự án xây dựng được nhận hỗ trợ từ gói kích thích kinh tế. Trong khi đó, Mê-hi-cô cũng đang lún sâu vào suy thoái do lệ thuộc vào những ngành đang gặp nhiều khó khăn nhất ở Mỹ như xe hơi hay xây dựng. Nay tình thế càng nguy ngập hơn khi điều khoản "mua hàng Mỹ" của Oa-sinh-tơn đòi hỏi các dự án công cộng của Mỹ được gói kích thích kinh tế hậu thuẫn, phải sử dụng các vật liệu do Mỹ sản xuất. Nó cho thấy, các hàng hóa của Mê-hi-cô liên quan tới các dự án công cộng tại Mỹ sẽ không được vào Mỹ trong thời suy thoái.

Bên cạnh đó, Mỹ và Mê-hi-cô cũng đang "khẩu chiến" xung quanh vấn đề vận tải qua biên giới. Theo NAFTA, từ tháng 1-2000, các xe tải của Mê-hi-cô được phép vào lãnh thổ Mỹ, song các công ty vận tải Mỹ cho rằng, xe tải của Mê-hi-cô không an toàn. Vì vậy, các xe Mê-hi-cô vận chuyển hàng vào Mỹ hiện phải dừng ở biên giới để chuyển hàng sang xe tải Mỹ. Để "trả đũa", tháng 3 vừa qua, Mê-hi-cô đã áp các mức thuế lên tới 2,4 tỷ USD với hàng hóa Mỹ vào nước này; đồng thời, các hãng xe tải Mê-hi-cô đã kiện Mỹ theo Hiệp định Thương mại NAFTA và đòi bồi thường tới 6 tỷ USD. Tổng thống B.Ô-ba-ma đã phải lên tiếng tại Mê-hi-cô rằng, sẽ tìm cách giải quyết những mâu thuẫn này, tuy nhiên người đứng đầu Nhà Trắng vẫn khẳng định Mỹ có những "quan tâm chính đáng về vấn đề an toàn" liên quan tới các xe tải của Mê-hi-cô. Như vậy xem ra "cuộc chiến xe tải" Mê-hi-cô và Mỹ chưa thể sớm kết thúc.

Do đó, dù cả ba nhà lãnh đạo Bắc Mỹ đều nhấn mạnh đến mở rộng thương mại, tránh bảo hộ mậu dịch... nhưng dư luận Bắc Mỹ vẫn lo ngại chính sách thương mại mang tính bảo hộ như hiện nay của Mỹ sẽ làm gián đoạn thương mại trong khu vực và gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thùy Dương

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Anh: Doanh số bán lẻ tăng 1.8% so với năm 2008 (12/08/2009)

>   George Soros: Kinh tế Mỹ đã chạm đáy (12/08/2009)

>   39 cp bị tạm ngừng giao dịch vì sự cố trên sàn NYSE (11/08/2009)

>   OPEC: Nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm mạnh hơn dự đoán (11/08/2009)

>   Thử đi đầu cơ dầu lửa (11/08/2009)

>   Facebook mua FriendFeed giá 50 triệu USD (11/08/2009)

>   Các tổ chức tài chính quốc tế bắt đầu quay trở lại Nhật Bản (11/08/2009)

>   Hồng Công: Hầu hết các DN niêm yết năm 2007 đều lỗ (11/08/2009)

>   Trung Quốc đón nhận loạt thông tin kinh tế kém khả quan (11/08/2009)

>   Kinh tế châu Á sẽ phục hồi nhanh nhất (11/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật