Thứ Sáu, 07/08/2009 11:29

Hàng mới cho UPCoM: Dễ và khó

UBCK đã đề ra lộ trình để các công ty đại chúng (CTĐC) thực hiện lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký (VSD) theo 3 giai đoạn. Tuy nhiên, đến nay, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2 nhưng DN lên giao dịch tại sàn này vẫn khá nhỏ giọt.

Vẫn là DN nhỏ

Cái tên mới nhất dự kiến sẽ góp mặt tại UPCoM theo thông báo của Sở GDCK Hà Nội (HNX) là CTCP Du lịch Đồng Nai. DN này có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng, số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 5 triệu cổ phiếu. Trước đó, HNX công bố, ngày 10/8 CTCP Kim khí Miền Trung (KMT) sẽ đăng ký giao dịch hơn 8,87 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ trên 88 tỷ đồng trên UPCoM.

Đó là 2 trong số rất nhiều CTĐC đã thực hiện uỷ quyền quản lý sổ cổ đông mà theo lộ trình của UBCK, giai đoạn 2 sẽ phải lưu ký tập trung. Chưa có số liệu thống kê chính xác số CTĐC đã uỷ quyền quản lý sổ cổ đông tại các CTCK, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, con số này hiện gần 200 DN. Nếu các công ty này đều tuân thủ đúng quy định của UBCK là thực hiện lưu ký tập trung tại VSD thì thị trường UPCoM có lượng hàng hoá tiềm năng lớn.

Công văn số 1044/UBCK-QLPH của UBCK đã đề ra lộ trình để các công ty đại chúng (CTĐC) thực hiện lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký (VSD) theo 3 giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, đã có 11 công ty lưu ký và giao dịch cổ phiếu tại UPCoM (kế hoạch là 15 - 20 CTĐC); trong khi giai đoạn 2 (từ ngày 15/6 - 30/9/2009), sẽ có sự góp mặt của các CTĐC chưa niêm yết được CTCK quản lý sổ cổ đông và các công ty tự nguyện lên sàn.

Ông Nguyễn Phúc Long, Tổng giám đốc CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) cho biết, hiện VICS đang quản lý sổ cổ đông cho các DN đã trở thành CTĐC của các tổng công ty như Hoá chất Việt Nam, Lương thực miền Bắc, một số tổng công ty công trình giao thông (Cienco)… Hiện VICS đang làm thủ tục lưu ký cổ phiếu tập trung tại VSD đồng thời với việc làm hồ sơ đăng ký giao dịch tại UPCoM cho một số DN. Tuy nhiên, theo ông Long, thời gian đầu khi nghe tuyên truyền về UPCoM các DN  khá hào hứng, nhưng sau một thời gian, do tính thanh khoản kém cũng như các điều kiện giao dịch khá khắt khe nên DN lại không mặn mà. Những DN nào đủ điều kiện thì thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn tập trung còn không thì việc lưu ký và giao dịch tại UPCoM cũng chỉ là bắt buộc mà thôi.

CTCK Rồng Việt (VDSC) đang quản lý sổ cổ đông cho khá nhiều DN có quy mô như Eximbank, CTCP Bảo hiểm Bảo Long, CTCP Bệnh viện Tim Tâm Đức, CTCP Du lịch Đồng Nai…

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc VDSC cho biết, theo quy định của UBCK, hiện DN đã làm việc với các công ty về việc lưu ký chứng khoán tập trung. Chỉ có một số ít công ty triển khai thủ tục lên UPCoM đang hoàn thiện hồ sơ nhưng vẫn chưa chốt thời gian cụ thể. Một số thì vẫn tiếp tục nghe ngóng. Những DN có quy mô và tên tuổi, cổ phiếu có tính thanh khoản cao như Eximbank thì đã xác định lên niêm yết tại HOSE.

Điểm mặt 12 DN đang giao dịch tại UPCoM hiện nay, điều dễ nhận thấy là không có nhiều DN lớn về quy mô cũng như tên tuổi, ngoại trừ một số CTCK và CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp. Bên cạnh các ngân hàng, nhiều loại "hàng hiệu", có tính thanh khoản cao được NĐT quan tâm như NOSCO, VOSCO, Habeco, Sabeco... đã thực hiện uỷ quyền quản lý sổ cổ đông tại CTCK, nhưng việc họ có giao dịch tại UPCoM vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Dễ và khó

Theo ghi nhận của ĐTCK, tại một số CTCK, nếu để DN tự giác thì các công ty chưa muốn lưu ký tập trung tại VSD, nhưng theo lộ trình đề ra của UBCK thì buộc các công ty phải làm theo. Tuy nhiên, hiện tại VSD vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể với CTCK, CTĐC về việc lưu ký như thế nào. Sau khi lưu ký, nếu DN không thực hiện giao dịch tại UPCoM hoặc niêm yết thì việc chuyển nhượng cổ phiếu sẽ ra sao?

Không ít DN hiểu việc chậm giải thích về giao dịch của CTĐC sau khi lưu ký tập trung là chủ ý của cơ quan quản lý nhằm ngầm thúc đẩy họ lên giao dịch tại UPCoM. Tuy nhiên, lo lắng này lại gây cản trở đến lộ trình thực hiện lưu ký tập trung giai đoạn 2, khiến lộ trình này khó hoàn thành như dự kiến. Giả định CTĐC không giao dịch tại UPCoM hoặc niêm yết mà phải thanh toán bù trừ qua VSD thì cơ quan này có đảm bảo được không?

Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, để UPCoM thực sự sôi động, cần thu hút được những DN lớn có tính thanh khoản cao trên thị trường OTC tự do lên đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, không ít DN lớn lại đang trông đợi vào sự thay đổi điều kiện giao dịch tại đây rồi mới quyết định có lên hay không. Có thể nói, việc tìm kiếm hàng tốt, quy mô lớn cho UPCoM là hết sức khó khăn, vì thường những DN này lại đủ điều kiện lên niêm yết nên sẽ chọn sàn giao dịch tập trung. Ngược lại, việc thu hút các DN nhỏ có thanh khoản yếu lên UPCoM lại không phải quá khó, nhưng lại không tạo được vị thế và sức hấp dẫn cho sàn UPCoM.

Thanh Đoàn

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Ra mắt Cty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (07/08/2009)

>   OTC sôi động theo thị trường niêm yết (07/08/2009)

>   Quỹ Vinaland 2 sẽ không niêm yết trên sàn chứng khoán (07/08/2009)

>   UPCoM: “sáng nắng, chiều mưa” (06/08/2009)

>   Tài trợ 1.000 tỷ đồng xây thủy điện Nậm Mức (06/08/2009)

>   ABBank đạt 211 tỷ đồng lợi nhuận sau 7 tháng (06/08/2009)

>   SeABank được tăng vốn lên hơn 5.000 tỷ đồng (06/08/2009)

>   Quận 7, TP.HCM: Đất vàng bỏ hoang chờ quy hoạch (06/08/2009)

>   TVSI thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu (06/08/2009)

>   Quỹ đầu tư: Còn dè dặt với DNNVV (06/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật