Doanh nghiệp “cầm hơi” nhờ... hoàn nhập dự phòng
Khi nguồn thu từ chứng khoán giảm (hoặc hết) và nghề kinh doanh chính vẫn èo uột thì sắp tới lợi nhuận của những doanh nghiệp này sẽ rất thấp
Nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết đã báo cáo tình hình tài chính 6 tháng đầu năm, với con số “lãi” hoành tráng, nhưng thật sự trong đó tất cả hoặc phần nhiều là nhờ tiền hoàn nhập dự phòng từ đầu tư cổ phiếu. Rồi đây, khi không còn cơ hội tái diễn nguồn thu này nữa thì DN sẽ ra sao?
Lỗ cũng thành lãi
Công ty CP Cáp và Vật liệu viễn thông (mã chứng khoán: SAM) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2009. Theo đó, đối với nghề kinh doanh chính thống, số doanh thu đạt thấp hơn giá vốn làm cho SAM bị... lỗ 5,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ có nguồn tiền hoàn nhập từ đầu tư cổ phiếu thời kỳ trước nên DN vẫn... lãi 177 tỉ đồng.
Việc hoàn nhập dự phòng chỉ đến một lần nên sắp tới nguồn thu lợi nhuận của SAM sẽ rất bấp bênh. Bởi ngành nghề chính của DN này là sản xuất cáp viễn thông, dây điện, nhưng hiện tại thị trường của những mặt hàng này xuống dốc, nên SAM dễ thua lỗ tiếp.
Còn mảng bất động sản, chủ yếu đầu tư vào sân golf, kết hợp xây dựng khu nghỉ dưỡng nhưng đang ở trạng thái... tiềm năng, nên chưa biết khi nào thì thu hoạch. Trong khi các DN khác thiếu vốn hoạt động thì SAM dư thừa tiền mặt, bởi không biết làm gì cho có hiệu quả nên đã có lúc DN này gửi tiết kiệm 600 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hậu, một nhà đầu tư tại sàn SSI, nhận định: Do SAM chưa nhìn thấy lối ra nên nhiều người không còn mặn mà nắm giữ lâu dài cổ phiếu này, vì vậy thị giá của SAM trên thị trường hiện hấp hơn giá trị sổ sách 15%.
Đem tiền... gửi ngân hàng
Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán TPHCM (HCM), trong 6 tháng đầu năm, HCM đạt lợi nhuận sau thuế 123 tỉ đồng, nhưng trong đó tiền hoàn nhập dự phòng đầu tư chiếm 111 tỉ đồng (90%), trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 85 tỉ đồng. Với nguồn vốn chủ sở hữu 1.424 tỉ đồng, HCM đã đầu tư một số vào cổ phiếu, vào cơ sở vật chất, số còn lại vẫn ở dạng tiền mặt. Đến 30-6, HCM còn giữ tiền hoặc tương đương tiền lên tới 897 tỉ đồng, trong đó gửi... ngân hàng 875 tỉ đồng. Vào thời điểm đáy của thị trường chứng khoán cuối tháng 2 vừa qua, nếu HCM tận dụng được cơ hội, đầu tư hết số tiền này vào cổ phiếu trên sàn và chỉ cần để đến bây giờ thì đã thu thêm được một khoản tiền rất lớn. Thế nhưng...
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã đẩy giá cổ phiếu xuống mức cực thấp. Trên khắp thế giới, nhiều nhà đầu tư có bản lĩnh đã dốc hết tiền túi mua cổ phiếu lúc thị trường ở mức đáy. Thế nhưng nhiều công ty chứng khoán tại VN lại thích... ôm tiền mặt cho an toàn. Đến kỳ báo cáo tài chính quý II, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn còn giữ tiền mặt trên 2.000 tỉ đồng. Nhiều công ty và nhiều quỹ đầu tư khác cũng ôm tiền mặt rất lớn. Do bị thất bại trong năm trước nên năm nay nhiều đơn vị nhát tay hơn trong việc đầu tư cổ phiếu. Khi đã để vuột mất cơ hội vàng, chứng khoán phục hồi trở lại, thì họ vẫn nói... khủng hoảng kinh tế chưa chấm dứt?
Thời gian tới sẽ ra sao?
Những tháng cuối năm, nếu thị trường chứng khoán không còn lên cao hơn nữa thì những DN sống nhờ đầu tư tài chính sẽ không còn nguồn thu từ hoàn nhập dự phòng và DN sẽ phải sống thật với năng lực sản xuất kinh doanh của mình. Do nền kinh tế còn trì trệ nên các DN đầu tư tài chính lớn như: SAM, REE (Công ty CP Cơ điện lạnh REE), GMD (Công ty CP Gemadept), MPC (Công ty CP Minh Phú)... sẽ tiếp tục làm ăn khó khăn. Khi nguồn thu từ chứng khoán giảm (hoặc hết), nghề kinh doanh chính vẫn èo uột thì sắp tới lợi nhuận của những DN này sẽ rất thấp.
Trần Phú Minh
Người lao động
|