DN gọi vốn từ quỹ đầu tư: Tận dụng lợi thế đôi bên
Quỹ đầu tư (QĐT) sẽ không đem lại sự đổi đời và cũng không phải chỉ nhắm đến mục tiêu kiếm lợi từ các doanh nghiệp (DN), mà đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Thông điệp này được đưa ra tại hội thảo “DN VN và những điều cần biết về chiến lược của các QĐT” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tổ chức ngày 31-7.
Giám đốc một DN cho biết đang tìm kiếm hợp tác với QĐT, nhưng lo ngại sẽ có sự xáo trộn lớn trong DN, nhất là khả năng những người đã cống hiến nhiều năm cho thành công của công ty sẽ bị loại khỏi cuộc chơi khi QĐT tham gia. Một số chủ DN khác lại bày tỏ kỳ vọng đổi đời trong trường hợp có được sự hợp tác với QĐT khi cho rằng tiềm năng trong lĩnh vực hoạt động là rất lớn, nhưng với quy mô vốn nhỏ và năng lực quản trị đã “đụng trần” nên không thể tiếp tục phát triển. Một số chủ DN cũng băn khoăn việc sử dụng nhiều hệ thống sổ sách có ảnh hưởng đến sự hợp tác với các quỹ...
Trao đổi với các DN, ông Phạm Phú Ngọc Trai - tổng giám đốc Công ty Pepsico - khẳng định sự tham gia của các QĐT không phải là một phép mầu có thể thay đổi mọi thứ và không phải tất cả đều thành công. “Sự thành công hay thất bại trong mối quan hệ hợp tác giữa DN và QĐT phụ thuộc phần lớn vào năng lực nội tại và năng lực lãnh đạo của DN...” - ông Trai khẳng định. Còn theo ông Don Lam - tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ VinaCapital (VinCap), một trong những đòi hỏi trước tiên của QĐT khi đầu tư là DN phải xây dựng hệ thống sổ sách rõ ràng và minh bạch.
Theo ông Don Lam, có thể giấu doanh thu để bớt nộp một ít tiền thuế, nhưng lợi bất cập hại khi DN đấu giá cổ phần hay bán cổ phần cho các đối tác... “Mỗi đồng doanh thu hay lợi nhuận của DN làm ra có thể đem lại giá trị gấp hàng chục lần khi trở thành công ty đại chúng, vì vậy DN cần đặt minh bạch thông tin lên hàng đầu...” - ông Don Lam nói. Ông Lam cũng khẳng định không có chuyện QĐT tham gia rồi thay đổi tất cả nhân sự trong công ty, mà hoạt động này theo lộ trình, tùy thuộc từng DN.
Tuy nhiên, với những công ty hoạt động theo mô hình công ty gia đình, nếu không tạo cơ hội thăng tiến cho những nhân viên có năng lực nhưng không thuộc diện con, cháu... sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, sớm hay muộn người có năng lực sẽ rời bỏ công ty.
Cũng theo ông Don Lam, DN không nên quá mong đợi các QĐT đem lại vốn hay cơ sở vật chất để làm thay đổi, mà chủ yếu là sự hợp tác dựa trên năng lực quản trị DN với kinh nghiệm và công nghệ quản lý vốn là thế mạnh của các QĐT. Trong thực tế, không phải tất cả các quan hệ hợp tác DN - QĐT đều thành công, vẫn có thất bại chủ yếu do không tuân thủ mô hình quản trị hiện đại và thực hiện đúng cam kết ban đầu giữa hai bên.
H. Đăng - L.N. Minh
Tuổi trẻ
|