Đầu tư kiểu nước đôi
Nếu ai hỏi nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm Đỗ Mạnh Cường là dân “lướt sóng” hay chơi dài hạn, thì ông sẽ rất khó trả lời. Trong danh mục đầu tư của ông, có những cổ phiếu ông rất trung thành, dù thị giá lên hay xuống, trong số khác được mua đi bán lại gần như hằng ngày để tranh thủ kiếm lời nhờ sự trồi sụt của thị trường.
Đầu tư giống như ông Cường không phải là hiếm trên thị trường chứng khoán hiện nay. Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, việc phân loại cổ phiếu như thế là cách đầu tư khá bài bản, với ưu thế là đảm bảo được sự an toàn cần thiết, nhưng vẫn có thể tranh thủ được các đợt sóng trên thị trường để kiếm lợi nhuận cao hơn.
Theo các nhà chuyên môn, đầu tư theo hình thức “lai”, tức là nửa lướt sóng, nửa đầu tư dài hạn, thật ra cũng không hề đơn giản. Làm được việc này, nhà đầu tư phải có kiến thức tổng hợp, vừa có khả năng phân tích cơ bản, đánh giá được đâu là những cổ phiếu tốt để nắm giữ đầu tư dài hạn, vừa có sự nhạy bén để có thể phán đoán xu thế thị trường trong ngắn hạn để có thể lướt sóng thành công.
Chẳng hạn, để lướt sóng, nhà đầu tư phải biết chọn đúng những cổ phiếu tốt trong những nhóm có tiềm năng cho việc lướt sóng, như nhóm có thị giá thấp, nhóm có giá giảm nhiều phiên liên tiếp, nhóm có tin đồn, nhóm mới công bố thông tin, nhóm có tin phát hành thêm, nhóm sắp trả cổ tức, nhóm đang được khối ngoại mua ròng... Trong khi đó, để đầu tư dài hạn, nhà đầu tư lại phải đãi cát tìm vàng trong các nhóm cổ phiếu có doanh thu tăng, có lợi nhuận ổn định, nhóm đang được định giá thấp, nhóm sẽ trả cổ tức cao...
Cổ phiếu có thể gửi gắm niềm tin lâu dài thường rơi vào những nhóm ngành như ngân hàng, dầu khí, sản xuất công nghiệp... Trong khi đó, những cổ phiếu có tiềm năng lướt sóng lại là những đối tượng có tình hình kinh doanh bấp bênh, bởi chính sự bấp bênh là cơ hội để những cổ phiếu đó có thể tạo sóng lớn. Tất nhiên, sóng càng lớn thì “lướt” càng đã. Những cổ phiếu này thuộc những ngành chứng khoán và nhóm doanh nghiệp có đầu tư tài chính, hoặc những cổ phiếu nhỏ nhưng hay có những đột biến về kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có những cổ phiếu vừa có thể đầu tư dài hạn, vừa có tiềm năng lướt sóng. Theo ông Đỗ Văn Hoà, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Sacombank, do có một số cổ phiếu “lưỡng tính” như trên, nên nhà đầu tư cũng có thể vừa đầu tư dài hạn, vừa “lướt sóng” với cùng một mã cổ phiếu.
Đầu tư vào những cổ phiếu lưỡng tính có lợi thế là hầu như lúc nào, nhà đầu tư cũng có sẵn cổ phiếu trong tài khoản, nên họ có thể bán được ngay cổ phiếu chỉ sau khi mua 1-2 phiên, chứ không cần chờ số cổ phiếu mới mua về đến tài khoản theo thời hạn thanh toán T+3.
Hơn nữa, nếu có rủi ro phải trở thành nhà đầu tư dài hạn... bất đắc dĩ (do thị trường xấu đi mà không kịp bán), thì cũng không đến nỗi quá tệ, bởi dù sao, những cổ phiếu có trong tay vẫn là lựa chọn không tồi để nắm giữ lâu dài.
Đầu Tư
|