Cổ phiếu thủy sản: Vẫn phập phù
Sản lượng tôm xuất khẩu đã tăng 13,5% và kim ngạch tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, vẫn chưa phải là những tín hiệu lạc quan
Trong tháng 7, sản lượng hàng thủy sản xuất khẩu tăng khá, làm cho những người ôm cổ phiếu ngành này nhen nhóm hy vọng về khả năng doanh nghiệp (DN) sẽ đi lên sau nhiều tháng làm ăn trì trệ.
Làm ăn... đì đẹt
Tuy nhiên, Báo cáo tài chính quý II của các DN kinh doanh hàng thủy sản cho thấy tình hình làm ăn của các đơn vị này vẫn chưa sáng sủa. Công ty Nam Việt (mã chứng khoán ANV), trong quý II tiếp tục bị lỗ 18,4 tỉ đồng, nâng số tiền lỗ trong 6 tháng đầu năm lên hơn 80 tỉ đồng. Cộng thêm quý IV/2008 bị lỗ 131 tỉ đồng, tổng cộng trong 9 tháng qua ANV đã bị âm 211 tỉ đồng. Sở dĩ đơn vị này bị lỗ kéo dài là do khủng hoảng, thị trường xuất khẩu khó khăn, hàng tồn kho lớn, chi phí tài chính cao, giá thành tăng nhưng giá xuất thấp. Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), tình hình chế biến, xuất khẩu vẫn khó khăn nhưng nhờ siết chặt quản lý, kinh doanh đa ngành nên nửa đầu năm 2009 làm ăn có chút hiệu quả, lợi nhuận sau thuế đạt 4,2 tỉ đồng. Nhưng với nguồn vốn chủ sở hữu 610 tỉ đồng thì lợi nhuận thu được trong 6 tháng đầu năm nay đang làm cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này bất an.
Ngoại trừ Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) kinh doanh khấm khá, còn lại đại đa số như: Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu (BLF), Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), Công ty CP Minh Phú (MPC)... vẫn làm ăn khó khăn, đa số bị lỗ hoặc chỉ có lãi chút ít, trong đó có đơn vị thu lãi chính nhờ kinh doanh nghề khác...
Hy vọng... yếu ớt
Trong tháng 7, mặt hàng tôm xuất khẩu sản lượng đã tăng 13,5% và kim ngạch tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản, xu hướng tăng sản phẩm xuất khẩu là tín hiệu lạc quan cho các DN trong thời gian tới. Một số thị trường như: Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc... đã hé thêm cửa nhập hàng thủy sản của VN, giúp nhiều DN có thêm đơn hàng xuất. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố không áp thuế hoặc giảm thuế chống bán phá giá cho 6 DN xuất khẩu cá tra của VN, sẽ tạo thêm cơ hội để DN đưa hàng sang thị trường chủ lực này.
Trải qua nhiều sóng gió, ngoài số thị trường truyền thống, nhiều thị trường đang gia tăng việc nhập khẩu mặt hàng này. Ai Cập, Hà Lan đã khẳng định cá basa VN an toàn 100%. Thị trường Đông Âu sức mua tăng gấp 4 lần và Mexico mua sản lượng cao gấp đôi năm ngoái. Một số nước ở châu Phi đã tăng lượng mua gấp 10 lần năm trước... Những yếu tố đó đang mở ra cơ hội cho DN thủy sản tăng tốc làm ăn, song nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng vì quy luật ở VN là khi có cơ hội thì lại thiếu nguồn hàng, dẫn đến việc DN tranh giành mua, đẩy giá nguyên liệu lên cao, làm cho hiệu quả kinh doanh kém, thu nhập trên đầu cổ phiếu thấp (thậm chí không có). Ông Lê Bình, một nhà đầu tư cá nhân, nói: “Nếu xuất khẩu thủy sản mạnh mà lợi nhuận kém thì không đem lại niềm tin cho nhà đầu tư. Vì vậy, trong kỳ hạn ngắn, cổ phiếu thủy sản có thể vẫn chưa hấp dẫn”.
Trần Phú Minh
Người lao động
|