Thứ Tư, 19/08/2009 18:02

Chiết khấu bao nhiêu cho các chứng chỉ quỹ?

(Vietstock) - Việc các Chứng chỉ quỹ (CCQ) được giao dịch ở mức giá chiết khấu so với NAV đã trở nên quen thuộc với cộng đồng các nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra cho đến nay, khoảng cách chiết khấu giữa thị giá và giá trị tài sản ròng (NAV) của các CCQ bị nới rộng quá mức và trở thành bài toán gây đau đầu cho cả Ban quản trị cũng như người đầu tư vào các quỹ. Bối cảnh hiện tại cho thấy, không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường vẫn đang đánh giá rất thấp giá trị các quỹ so với mức NAV.

Trong khoảng thời gian kể từ khi khủng hoảng kinh tế chạm đáy tại nhiều quốc gia trên thế giới cho đến giai đoạn hồi phục hiện nay, CCQ tại các thị trường mới nổi tại nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) đang có khuynh hướng được giao dịch ở mức giá chiết khấu ngày càng cách xa so với NAV mà các quỹ đạt được.

Thực trạng trên tạo nên sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ giới đầu tư đang sở hữu các CCQ. Trong lúc một bộ phận các nhà đầu tư ủng hộ việc duy trì các quỹ trong giai đoạn hồi phục hiện tại, bộ phận các nhà đầu tư còn lại đã yêu cầu Ban quản trị quỹ đầu tư thanh lý danh mục nhằm thu hồi lại mức NAV tương đối lớn so với thị giá của các CCQ. Đây là câu chuyện không chỉ riêng của các Quỹ đầu tư tại Việt Nam mà đã trở thành xu thế chung tại nhiều quỹ đầu tư trên thế giới.

Khuynh hướng thế giới

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã đẩy nhiều doanh nghiệp, ngành nghề chìm sâu vào trì trệ và suy thoái, kéo theo đó là sự trượt dốc không phanh của nhiều TTCK tại các quốc gia trên thế giới. Đây chính là nguyên nhân trọng yếu đưa nhiều Quỹ đầu tư vào tình thế khó khăn khi không chỉ tính thanh khoản mà giá trị danh mục đầu tư mà các quỹ đang nắm giữ bị sụt giảm nặng nề. Hậu quả nhãn tiền là thị giá của các CCQ, theo đó, cũng rơi vào tình thế suy giảm nặng nề.

Về cơ bản, quá trình sụt giảm trong thị giá CCQ tại TTCK các nước trên thế giới có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn suy thoái (09/2008 – 03/2009) và giai đoạn phục hồi (03/2009 – hiện nay).

Giai đoạn đầu tiên diễn ra trong bối cảnh điều kiện kinh tế tại các quốc gia đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, đưa đến tâm lý hoang mang rời bỏ thị trường của giới đầu tư. Theo số liệu thống kê của LCF Rothschild, trong giai đoạn này, hơn một nửa trong số 55 Quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi trên thế giới được khảo sát đã được giao dịch ở mức chiết khấu trên 50% NAV. Ngay tại thời điểm đáy của khủng hoảng (Tháng 03/2009), mức chiết khấu trung bình đã vượt ngưỡng 60%. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc một số lượng lớn nhà đầu tư phải bán tháo CCQ nhằm giải quyết tình trạng tài chính của mình. Trong khi đó, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ đợt Đại suy thoái 1929 – 1933, gần như không tồn tại bất cứ lượng cầu nào đối với các CCQ này.

% chiết khấu so với NAV trong giá cả giao dịch của CCQ các Quỹ đầu tư tại thị trường mới nổi

Nguồn: LCF Rothschild

Thị giá CCQ giao dịch trên thị trường

Giai đoạn thứ hai bắt đầu kể từ khi nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới vượt qua mức đáy của khủng hoảng. Sản xuất và tiêu dùng dần hồi phục đã cải thiện đáng kể tình trạng hoạt động của nhiều doanh nghiệp và ngành nghề kinh tế. Theo sau đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều TTCK trên thế giới, đặc biệt là TTCK tại các quốc gia mới nổi. Kết quả tất yếu là lòng tin giới đầu tư trở lại, giá trị danh mục đầu tư các quỹ phục hồi. Và hiển nhiên, có sự thu hẹp khoảng cách giữa thị giá chiết khấu và NAV. Tuy nhiên, đến nay do quá trình điều chỉnh giảm khoảng cách này chỉ diễn ra trong biên độ hẹp nên theo thống kê của Rothschild, khoảng cách này vẫn ở mức cao là 52% dù đã cải thiện đáng kể so với mức 63% vào thời điểm đáy.

Trong giai đoạn hiện nay, tại nhiều Quỹ đầu tư, giới đầu tư đã bị phân hóa thành hai trường phái. Một trường phái đồng ý tiếp tục duy trì danh mục, trường phái thứ hai yêu cầu thanh lý danh mục thu về lượng NAV lớn hơn nhiều so với thị giá hiện tại. Chính vì vậy, khoảng 2 tháng trở lại đây thị trường chứng kiến những thay đổi lớn về cơ cấu cũng như sự tồn tại của nhiều Quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi.

Hình thức tái cấu trúc hậu khủng hoảng

Tên Quỹ đầu tư

Bị mua lại bởi Định chế tài chính khác

China Central Properties

Bulgarian Property Developments

Thanh lý danh mục đầu tư

Indochina Captal Vietnam Holdings

Vietnam Emerging Equity Fund

Africa Opportunity Fund

Pacific Alliance China Land

Mua lại 1 phần CCQ

Vision Opportunity China Fund

Ishaan Real Estate

 

Thực trạng các CCQ đang niêm yết trên TTCK Việt Nam

Hiện tại có 4 CCQ đang được niêm yết trên TTCK Việt Nam bao gồm Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife - PF1 (HSX: MAFPF1), Quỹ đầu tư cân bằng Prudential - BF1 (HSX: PRUBF1), Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam - VF1 (HSX: VFMVF1) và Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - VF4 (HSX: VFMVF4). Cũng như nhiều quỹ đầu tư trên thế giới, cả 4 Quỹ đầu tư nêu trên đều đang được giao dịch ở mức giá chiết khấu thấp hơn so với NAV.

Theo đó, tính đến ngày 13/08, NAV của quỹ Manulife ở mức 6,896 đồng/CCQ và với mức giá giao dịch trong cùng ngày là 5,000 đồng/CCQ, mức chiết khấu trong thị giá CCQ này so với NAV là 25.8%. Mức chiết khấu trong thị giá các CCQ còn lại trên thị trường lần lượt là 36.7%, 41.8% và 29.1%. Điều này cho thấy, trong xu hướng chung của thế giới, mức chiết khấu này không có gì là đáng quan ngại cho các CCQ này. Ở đây chúng ta bỏ qua độ tin cậy của NAV mà các quỹ công bố trong việc xác định giá các cổ phiếu OTC trong danh mục của họ.

CCQ

NAV (13/08/2009)

Mức chiết khấu (06/08/2009)

MAFPF1

6,896

25.8%

PRUBF1

8,691

36.7%

VFMVF1

24,248

41.8%

VFMVF4

12,975

29.1%

Nguồn: HOSE

Mặc dù TTCK VN đang tăng trưởng với nhịp độ nhanh trong thời gian vừa qua và giá trị danh mục đầu tư các quỹ đang hồi phục từng ngày, nhưng có vẻ như, mức chiết khấu vẫn không suy giảm đáng kể so với mức tỷ suất sinh lợi mà các quỹ đang đạt được. Theo thống kê của Rothschild, tỷ suất sinh lợi của quỹ PF1, BF1, VF1và VF4 tính đến ngày 06/08 lần lượt là 37.7%, 4.5%, 27.4% và 27.6%. Tỷ suất sinh lợi trung bình cả 4 quỹ là 24.3%, một sự cải thiện rất đáng kể so với mức lỗ trung bình 49.9% trong giai đoạn mà TTCK Việt Nam đang ở khuynh hướng sụt giảm nặng nề. Trong khi đó, mức chiết khấu trung bình tính đến ngày 06/08 trong thị giá cả 4 CCQ so với NAV ở mức 33.4%, không có nhiều cải thiện rõ nét so với mức chiết khấu 36.5% của một năm trước đó.

Câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra hiện nay, đơn cử như trường hợp của VF1, liệu nên tiếp tục duy trì danh mục đầu tư để nắm giữ 1 CCQ chỉ có giá thị trường (ngày 18/08) 13,700 đồng; hay đã đến thời điểm cần phải tiến hành thanh lý danh mục đầu tư để ít nhất có thể đem lại khoản lợi ích trị giá 24,248 đồng (tính theo ngày 13/08) cho những chủ thể đang nắm giữ CCQ này?

Vấn đề trên hiện đang là bài toán gây đau đầu không chỉ cho Ban quản trị các Quỹ đầu tư, mà còn cho cả những nhà đầu tư đang nắm giữ các CCQ này. Nhưng dù thế nào, khi hai khoảng lợi ích chênh lệch nhau với biên độ quá lớn, có lẽ đã đến lúc Ban quản trị cũng như các nhà đầu tư nên ngồi lại và trả lời dứt khoát câu hỏi: nên chăng đã đến lúc cần một sự thay đổi lớn? Lợi ích của những nhà quản lý là rất lớn nên khó có một giải pháp từ Ban quản trị Quỹ đầu tư để mang lại lợi ích cho những người nắm giữ CCQ.

Th.sỹ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, ĐH Kinh Tế Tp.HCM

Các tin tức khác

>   VCS: Báo cáo tài chính chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (18/08/2009)

>   VDF bán hết 384,080 cổ phiếu CII đang nắm giữ (18/08/2009)

>   Em gái Phó TGĐ Casumina đăng ký bán 9,500 cổ phiếu (18/08/2009)

>   VE1 giải trình KQKD quý 2/2009 tăng so với cùng kỳ (18/08/2009)

>   Thị trường cổ phiếu cần một cú hích (18/08/2009)

>   Nhu cầu lớn đối với chứng khoán tổng hợp VN (18/08/2009)

>   STL sẽ phát hành gần 30,000 trái phiếu trong quý 3 (18/08/2009)

>   VPK và DCT tiếp tục xin gia hạn BCTC soát xét Quý 2 (18/08/2009)

>   Chủ tịch HĐQT Hàng hải Đông Đô đăng ký bán 29,870 cp (18/08/2009)

>   4 quỹ trên sàn HSX tiếp tục lãi trong tuần từ 06 – 13/08 (18/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật