Thứ Sáu, 14/08/2009 23:03

Chiết khấu bao nhiêu cho các chứng chỉ quỹ?

Việc các chứng chỉ quỹ (CCQ) tại các thị trường mới nổi được giao dịch ở mức giá chiết khấu so với giá trị tài sản ròng (NAV) đã khá quen thuộc với nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ khi  khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra cho đến thời điểm này, khoảng cách chiết khấu giữa thị giá và NAV của các CCQ đã bị nới rộng quá mức và trở thành một bài toán khó cho cả ban quản trị lẫn nhà đầu tư khi họ đầu tư vào các quỹ.

Trong bối cảnh hiện tại, không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường vẫn đang đánh giá rất thấp giá trị các quỹ so với mức NAV.

Trong thời gian kể từ khi khủng hoảng kinh tế chạm đáy tại nhiều quốc gia trên thế giới cho đến giai đoạn hồi phục hiện nay, CCQ tại nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) đang có khuynh hướng được giao dịch ở mức giá chiết khấu ngày càng cách xa so với NAV mà các quỹ đạt được. Thực trạng trên đã tạo nên sự phân hóa trong nội bộ giới đầu tư đang sở hữu các CCQ.

Trong lúc một bộ phận các nhà đầu tư ủng hộ việc duy trì các quỹ trong giai đoạn hồi phục hiện tại, bộ phận các nhà đầu tư còn lại đã yêu cầu ban quản trị quỹ đầu tư thanh lý danh mục nhằm thu hồi lại mức NAV tương đối lớn so với thị giá của các CCQ. Đây là câu chuyện không chỉ riêng của các quỹ đầu tư tại Việt Nam mà đã trở thành xu thế chung tại nhiều quỹ đầu tư trên thế giới.

Khuynh hướng thế giới

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã đẩy nhiều doanh nghiệp, ngành nghề chìm sâu vào trì trệ và suy thoái, kéo theo đó là sự trượt dốc của nhiều TTCK tại các quốc gia trên thế giới. Đây là nguyên nhân chủ yếu đã đẩy nhiều quỹ đầu tư vào tình thế khó khăn khi không chỉ tính thanh khoản mà giá trị danh mục đầu tư các quỹ đang nắm giữ bị sụt giảm nặng nề. Hậu quả là thị giá của các CCQ, theo đó, cũng giảm mạnh.

Về cơ bản, quá trình sụt giảm trong thị giá CCQ tại TTCK các nước trên thế giới có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn suy thoái (9-2008 đến 3-2009) và giai đoạn phục hồi (3-2009 đến nay).

Giai đoạn đầu tiên diễn ra trong bối cảnh điều kiện kinh tế tại các quốc gia đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, đưa đến tâm lý hoang mang rời bỏ thị trường của giới đầu tư. Theo số liệu thống kê của LCF Rothschild, trong giai đoạn này, hơn một nửa trong số 55 quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi trên thế giới được khảo sát đã được giao dịch ở mức chiết khấu trên 50% NAV.

Ngay tại thời điểm đáy của khủng hoảng (tháng 3-2009), mức chiết khấu trung bình đã vượt ngưỡng 60%. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc một số lượng lớn nhà đầu tư phải bán tháo CCQ nhằm giải quyết tình trạng tài chính của mình, trong khi đó, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ đợt đại suy thoái 1929 – 1933, gần như không tồn tại bất cứ lượng cầu nào đối với các CCQ này.

% chiết khấu so với NAV trong giá cả giao dịch của CCQ các quỹ đầu tư tại thị trường mới nổi.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu kể từ khi nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới vượt qua mức đáy của khủng hoảng. Sản xuất và tiêu dùng dần hồi phục đã cải thiện đáng kể tình trạng hoạt động của nhiều doanh nghiệp và ngành nghề kinh tế. Theo sau đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều TTCK trên thế giới, đặc biệt là TTCK tại các quốc gia mới nổi. Kết quả là lòng tin giới đầu tư trở lại, giá trị danh mục đầu tư các quỹ phục hồi và hiển nhiên, là sự thu hẹp khoảng cách giữa thị giá chiết khấu và NAV.

Tuy nhiên, do quá trình điều chỉnh giảm khoảng cách này chỉ diễn ra trong biên độ hẹp, tính đến thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, theo thống kê của Rothschild, khoảng cách này vẫn ở mức cao là 52%, nhưng dù vậy vẫn đã cải thiện đáng kể so với mức 63% được thiết lập vào thời điểm đáy của cuộc khủng hoảng.

Trong giai đoạn hiện nay, tại nhiều quỹ đầu tư, giới đầu tư đã bị phân hóa thành hai trường phái. Một trường phái đồng ý tiếp tục duy trì danh mục, trường phái thứ hai yêu cầu thanh lý danh mục thu về lượng NAV lớn hơn nhiều so với thị giá hiện tại. Chính vì vậy, khoảng hai tháng trở lại đây đã chứng kiến những thay đổi lớn về cơ cấu cũng như sự tồn tại của nhiều quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi.

Thực trạng các CCQ đang niêm yết trên TTCK Việt Nam

Hiện tại có bốn CCQ đang được niêm yết trên TTCK Việt Nam, bao gồm Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife, Quỹ đầu tư cân bằng Prudential, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) và Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4). Cũng như nhiều quỹ đầu tư trên thế giới, cả bốn quỹ đầu tư nêu trên đều đang được giao dịch ở mức giá chiết khấu khá sâu so với NAV.

Theo đó, tính đến ngày 6-8-2009, NAV của Quỹ Manulife ở mức 6.543 đồng/CCQ và với mức giá giao dịch trong cùng ngày là 4.500 đồng/CCQ, mức chiết khấu trong thị giá CCQ này so với NAV là 25,8%. Mức chiết khấu trong thị giá các CCQ còn lại trên thị trường lần lượt là 41,4%, 42,8% và 23,5%. Điều này cho thấy, trong xu hướng chung của thế giới, mức chiết khấu này không có gì là đáng quan ngại cho các CCQ này.

Nguồn: HOSE

Mặc dù TTCK Việt Nam đang tăng trưởng với nhịp độ nhanh trong thời gian vừa qua và giá trị danh mục đầu tư các quỹ đang hồi phục từng ngày, nhưng có vẻ như, mức chiết khấu vẫn không suy giảm đáng kể so với mức tỷ suất sinh lợi mà các quỹ đang đạt được.

Theo thống kê của Rothschild, tỷ suất sinh lợi của Quỹ Manulife, Prudential, VF1 và VF4 tính đến ngày 6-8-2009 lần lượt là 37,7% - 4,5% - 27,4% và 27,6%. Tỷ suất sinh lợi trung bình cả bốn quỹ là 24,3%, một sự cải thiện rất đáng kể so với mức lỗ trung bình 49,9% của cả bốn quỹ trong giai đoạn mà TTCK Việt Nam đang ở khuynh hướng sụt giảm nặng nề. Trong khi đó, mức chiết khấu trung bình tính đến ngày 6-8 trong thị giá cả bốn CCQ so với NAV ở mức 33,4%, không có nhiều cải thiện rõ nét so với mức chiết khấu 36,5% của một năm trước đó.

Việc giá của các CCQ vẫn ở mức quá thấp so với NAV được công bố bất chấp những hồi phục đáng kể của cả TTCK lẫn nền kinh tế đã đưa đến sự phân hóa trong cộng đồng giới đầu tư sở hữu CCQ ở các quỹ này.

Câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra hiện nay, đơn cử như trường hợp của VF1, liệu nên tiếp tục duy trì danh mục đầu tư để nắm giữ 1 CCQ chỉ có giá thị trường (ngày 13-8) 14.100 đồng hay đã đến thời điểm cần phải tiến hành thanh lý danh mục đầu tư, để ít nhất trong thời điểm hiện tại, có thể đem lại khoản lợi ích trị giá 23.249 đồng (tính theo ngày 6-8) cho những chủ thể đang nắm giữ CCQ này?

Vấn đề trên hiện đang là bài toán gây đau đầu không chỉ cho ban quản trị các quỹ đầu tư, mà còn cho cả những nhà đầu tư đang nắm giữ các CCQ này. Nhưng dù thế nào, khi hai khoảng lợi ích chênh lệch nhau với biên độ quá lớn, có lẽ, đã đến lúc, ban quản trị cũng như các nhà đầu tư nên ngồi lại và trả lời dứt khoát câu hỏi: nên chăng đã đến lúc cần một sự thay đổi lớn?

ThS. Lê Đạt Chí

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   HBC: Báo cáo tài chính chi tiết quý I năm 2009 (26/05/2009)

>   HAX: Báo cáo tài chính chi tiết quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   HAG: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý I năm 2009 (06/05/2009)

>   GIL: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý I năm 2009 (04/05/2009)

>   FPC: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý I năm 2009 (05/06/2009)

>   FMC: Báo cáo tài chính chi tiết quý I năm 2009 (04/05/2009)

>   DRC: Báo cáo tài chính chi tiết quý I năm 2009 (26/05/2009)

>   DIC: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý I năm 2009 (21/05/2009)

>   5 triệu cổ phiếu DAD chào sàn Hà Nội ngày 19/08 (14/08/2009)

>   CNT: Báo cáo tài chính chi tiết quý I năm 2009 (05/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật