Thứ Ba, 04/08/2009 06:40

Cảnh giác với các chiêu "làm giá"

"Đại gia đang gom cổ này", "Cổ kia sắp có thông tin lợi nhuận tốt thế nào cũng tăng trần vài phiên", những thông tin rỉ tai nhau đã tạo nên cơn sóng về giá cho một cổ phiếu nào đó và không ít nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tham gia vào.

Tinh vi

Theo một số NĐT có kinh nghiệm, các bẫy "giá" trên sàn luôn xảy ra. Khi muốn mua CP với giá thấp, NĐT lớn sẽ đặt bán CP đó ở giá thấp nhất có thể. Một số NĐT cá nhân sẽ có tâm lý lo lắng vì áp lực bán ra lớn nên sẽ đặt bán theo ở giá thấp hơn, thậm chí bán sàn vì sợ lệnh không được khớp. Khi đó, NĐT lớn sẽ dùng nhiều tài khoản khác nhau để mua gom hết khối lượng CP với giá thấp (trong đó kể cả khối lượng bán ra của chính mình).

Cách thức này sẽ đạt hiệu quả khi thị trường đang trong giai đoạn giằng co, tâm lý NĐT cũng bị dao động theo từng giao dịch. Tinh vi hơn, NĐT lớn làm giá bằng cách đặt mua CP đó giá cao nhưng với khối lượng ít đồng thời đặt nhiều lệnh mua rải với khối lượng nhiều ở các mức giá thấp. Họ cũng dùng tài khoản khác để bán ra khối lượng lớn với giá cao chặn trên. Khi đó, NĐT cá nhân muốn bán được phải tranh bán với giá thấp hơn nên sẽ bị dính "bẫy" đã giăng sẵn.

Ngược lại, khi muốn đẩy giá lên cao, NĐT "làm giá" có thể đặt lệnh mua CP ngay từ đầu phiên với số lượng nhỏ để tạo cảm giác lực cầu mạnh, lôi kéo những NĐT nhỏ khác tham gia mua vào. Việc đẩy giá lên này có thể được thực hiện liên tục trong vài phiên, thậm chí vài tuần và khi giá CP lên đến mức kỳ vọng, những người "làm giá" bắt đầu xả hàng với số lượng lớn hơn nhiều số lượng CP mà họ đặt mua trong các phiên trước đó.

Đặc biệt trên sàn TP.HCM, việc đặt mua hay đặt bán với khối lượng lớn có thể làm thay đổi giá CP sẽ được tính toán đặt vào "phút 89" của hai phiên khớp lệnh định kỳ, khiến các NĐT cá nhân đã đặt lệnh trước đó sẽ không trở tay kịp.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán (CTCK) SJC - biểu hiện đầu tiên của hiện tượng "làm giá" là tính thanh khoản của CP tăng lên bất thường (gấp 3-4 lần khối lượng giao dịch bình quân trước đó) trong khi thị trường vẫn không có đột biến. "Tâm lý nhiều NĐT cá nhân thấy khi lượng cầu tăng mạnh thì cho rằng có NĐT tổ chức quan tâm mua nhiều CP này thì sẽ tham gia mua vào với hy vọng giá tăng lên.

Thế nhưng khi CP chưa về kịp tài khoản của NĐT thì bên chủ động "làm giá" đã xả hàng ra. Nếu như NĐT nào có kinh nghiệm nhận biết sớm, hoặc CP đi theo đúng nhịp sóng của thị trường thì các đợt tăng giá kéo dài và NĐT tham gia mua sớm có thể thu lợi nhuận. Nhưng nếu mua muộn hoặc CP đó chỉ có sóng ngắn hạn thì khả năng NĐT  bị vướng bẫy trong khi CP chưa kịp về tài khoản do quy định T+3 là rất cao", ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích.

Ngoài ra, một số NĐT lớn cũng có thể thực hiện kỹ xảo này trong phiên giao dịch thỏa thuận khi đặt lượng mua hay bán một CP nào đó với khối lượng cực lớn và giá cao để tạo sự chú ý cho các NĐT nhỏ với CP đó. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng thông thường đó chỉ là cầu "ảo" vì thường không có giao dịch thật sự. Hơn nữa, chiêu kích cầu trong giao dịch thỏa thuận nếu muốn đạt hiệu quả phải kết hợp với diễn biến giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Nhà đầu tư tiếp tay?

Thường thì chỉ có một số NĐT lớn, NĐT tổ chức hoặc một nhóm NĐT cá nhân liên kết với nhau để thực hiện các chiêu thức "làm giá". Theo một số NĐT, cũng không loại trừ khả năng một số CTCK phối hợp với các nhóm này để cùng thực hiện nhằm mục đích lôi kéo khách hàng và cả tìm kiếm lợi nhuận cho mình.

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng việc "làm giá" lộ liễu nhất hiện nay là tình trạng PR cho một CP nào đó xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng. "Thậm chí một số CTCK  trong phân tích thị trường hằng ngày của mình cũng đưa ra nhận định CP này tốt, đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch năm,... Những bài phân tích này đã thúc đẩy tâm lý của NĐT tranh mua và đẩy giá CP tăng liên tục", ông Lê Đạt Chí nói.

Theo ông Lê Đạt Chí, ví dụ nếu một công ty về thép có lợi nhuận quý 2 tăng đột biến, hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ, giá sản phẩm tăng,... thì NĐT phải biết đặt nó trong bối cảnh chung của toàn ngành. Nếu có những lợi thế đó thì các công ty cùng ngành cũng phải đạt được mức tăng về lợi nhuận tương tự. "Các NĐT phải xem xét lại khi có thông tin tốt về doanh nghiệp hoặc lực cầu đối với CP nào đó đang gia tăng. Có thể NĐT tham gia đầu tư ngay từ đầu nhưng không nên tranh mua tranh bán kéo dài trong nhiều phiên liền sau đó. Nếu NĐT bình tĩnh không bị cuốn vào vòng xoáy đó thì chiêu "làm giá" của những nhóm NĐT khác sẽ bị vô hiệu", ông Lê Đạt Chí khuyến cáo.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng trường ĐH Mở TP.HCM - nhiều NĐT có kinh nghiệm dù biết một CP nào đó đang bị "làm giá" nhưng vẫn tham gia vào với hy vọng sẽ kịp đu theo "sóng" để kiếm lợi nhuận nhanh. Hơn nữa, đa số NĐT cá nhân hiện nay có tâm lý "lướt sóng" theo thị trường nên lại càng thích có hiện tượng "làm giá" để ăn theo.

"TTCK nhiều nước ít có hiện tượng làm giá CP vì đa số là quỹ đầu tư tham gia thị trường nên họ không dễ bị lôi cuốn vào việc này. Trong khi tâm lý "ăn xổi" của nhiều NĐT cá nhân trên TTCK Việt Nam đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng này phát triển. Do đó bản lĩnh của NĐT rất quan trọng trong giao dịch trên thị trường", TS Nguyễn Văn Thuận cho biết. Ông cũng cho rằng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nên đưa vào thực hiện khớp lệnh liên tục trong ngày như trên sàn Hà Nội để tránh các CP bị làm giá ở hai đợt khớp lệnh định kỳ vào đầu và cuối phiên giao dịch.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Đã hoàn thành việc chuyển sàn niêm yết (04/08/2009)

>   Nhiều báo cáo tài chính chưa được soát xét (04/08/2009)

>   CTG: Gia hạn nộp BCTC Q2/2009 đến 15/8 (03/08/2009)

>   Chấp thuận giải thể Cty QLQ công nghiệp và năng lượng VN (03/08/2009)

>   Tin giao dịch nội bộ trên sàn HoSE ngày 3/8 (03/08/2009)

>   TMC giải trình kết quả kinh doanh quý 2/09 (03/08/2009)

>   Giá cổ phiếu đang "nhìn" vào biến động ngân hàng (03/08/2009)

>   11/08/2009, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu Chính phủ QH060913 (03/08/2009)

>   Chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu của CTCP Nagakawa (03/08/2009)

>   NHC tạm ứng cổ tức 18% bằng tiền mặt (03/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật