Bức tranh lợi nhuận quý 2 các DNNY
(Vietstock) – Trong bức tranh tổng thể về kết quả kinh doanh quý 2, các doanh nghiệp niêm yết (DNNY), Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS) đã cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ có một tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 133% so quý trước. Dù vậy, 30 DNNY có vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn nắm giữ 70% lợi nhuận đạt được của tất cả các DNNY.
Tăng trưởng lợi nhuận bình quân 65%
Tính đến hết ngày 4/8/2009, có 369 DNNY đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 với tổng lợi nhuận tăng trưởng 65% so với quý 1, từ mức 7,460 tỷ đồng lên 12,306 tỷ đồng.
Trong đó, thống kê riêng lợi nhuận của 30 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường (bluechips) đã có mức lợi nhuận 8,665 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 70%) so với 5,901 tỷ đồng (tỷ trọng 79%) của quý trước. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của khối này đạt tương đương 46.8%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng chung về lợi nhuận của các DNNY nói chung (+65%) và của khối các DNNY quy mô vừa nhỏ nói riêng (+133%).
Con số trên phản ánh rõ quan hệ giữa điều kiện nền kinh tế và tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, đó là dễ bị tổn thương khi điều kiện vĩ mô không tốt nhưng cũng nhanh chóng thích nghi và tăng tốc trở lại khi nền kinh tế khởi sắc.
Điểm nổi bật trong bức tranh lợi nhuận trong nửa đầu năm 2009 là có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi thế từ việc tích luỹ hàng tồn kho, nguyên liệu đầu vào giá rẻ tại đáy suy thoái kinh tế trong quý 1 vừa qua. Bước sang quý 2, khi giá cả nguyên vật liệu tăng khá mạnh đã đẩy mức trưởng tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp này lên các mức kỷ lục. Tiêu biểu phải kể đến các cổ phiếu ngành nhựa và cao su như NTP, BMP, TTP, DRC hay các cổ phiếu ngành thép như HPG, KKC, HSG, VIS…
Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã đem lại những nguồn lợi về tài chính cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán (tăng trưởng bình quân trên 9 lần về lợi nhuận) hoặc các doanh nghiệp sở hữu danh mục đầu tư tài chính lớn. Điển hình là các công ty chứng khoán SSI, KLS, CTS, CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Cáp và vật liệu viễn thông (SAM), CTCP Kinh Bắc (KBC), CTCP Kinh Đô (KDC)… đều có lợi nhuận tăng đột biến do được hoàn trích các khoản lập dự phòng đầu tư tài chính của thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, nhìn về hoạt động kinh doanh cốt lõi, các DNNY này vẫn chưa có bước khởi sắc như mong đợi, thậm chí mảng kinh doanh chủ lực của một số doanh nghiệp còn tiếp tục thua lỗ.
Gói kích cầu kinh tế của Chính phủ và các ngành nghề được hưởng lợi nhiều nhất
Ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất rơi vào nhóm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (+123%), xây dựng (+155%), vật liệu xây dựng (+91%) do hầu hết các ngành này đều được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích cầu của Chính Phủ. DNNY kinh doanh trong các lĩnh vực cơ bản và thiết yếu như: Sản xuất hàng tiêu dùng, dầu khí, điện, bảo hiểm ngân hàng… đều có mức tăng trưởng ổn định nhưng thấp hơn so với toàn thị trường.
Đơn vị: tỷ đồng
Ngành |
LNST |
LNST |
% Tăng trưởng |
Quý I |
Quý II |
|
Ngân hàng |
3.080 |
4.169 |
35,37 |
Chứng khoán |
46 |
437 |
917,81 |
Bảo hiểm |
430 |
444 |
3,48 |
Bất động sản |
444 |
991 |
123,33 |
Xây dựng |
246 |
629 |
155,56 |
Vật liệu Xây dựng |
873 |
1.674 |
91,62 |
Vận tải bộ (*) |
45 |
95 |
108,63 |
Vận tải biển |
-122 |
-78 |
-36,12 |
Dầu khí |
445 |
533 |
19,73 |
Thủy sản (**) |
-27 |
65 |
335,12 |
Điện |
561 |
793 |
41,43 |
Hàng tiêu dùng (thực phẩm, dược) |
736 |
942 |
27,94 |
Các ngành khác |
703 |
1612 |
132,55 |
Toàn thị trường |
7.460 |
12.306 |
64,95 | |
Ghi chú: (*) và (**): Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao giữa hai quý đầu năm là do lợi nhuận của Quý I quá thấp so với Quý II.
DNNY chịu hệ lụy lâu dài của cuộc khủng hoảng kinh tế
Những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường quốc tế như như nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản, vận tải biển, dệt may, gỗ… đều đang gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra, thể hiện ở quy mô lợi nhuận rất bé nhỏ.
Trong ngành thủy sản, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục lỗ trong quý 2 như CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Basa (BAS), CTCP Thủy sản Bạc Liêu (BLF)… thì các DNNY còn lại đều có lãi rất ít, tăng không đáng kể so với quý 1. Hoặc nếu có lãi đột biến thì không phải từ ngành nghề chính mang lại như CTCP Thủy sản số 4 (TS4) có lợi nhuận do mảng bất động sản mang lại, hay CTCP Thủy hải sản Minh Phú (MPC) do hoàn trích các khoản dự phòng tài chính. Dự báo trong một vài quý tới, ngành thủy sản vẫn gánh chịu những hậu quả của đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi chưa có sự phục hồi mạnh mẽ cho đầu ra của sản phẩm.
Cũng trong tình cảnh tương tự, ngành vận tải biển gặp muôn vàn khó khăn khi hầu hết các doanh nghiệp không thể khai thác hết năng lực vận tải các đội tàu biển do nhu cầu và giá cước vận chuyển trong nước và thế giới sụt giảm. Trong khi đó chi phí bảo dưỡng, thuê bến bãi, chi phí lãi vay (do đầu tư mua tàu thời điểm giá đỉnh điểm)… ngày càng tăng, dẫn đến gần phần nửa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này tiếp tục lỗ. Tiêu biểu như CTCP Đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin (VSP) lỗ 205 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm; CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ gần 150 tỷ đồng, CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) lỗ hơn 16 tỷ đồng, CTCP Vận tải dầu khí (PVT) lỗ 34 tỷ đồng trong quý 2. Các doanh nghiệp còn lại tuy có lãi nhưng không đáng kể.
Ngành xây dựng và Tài chính hứa hẹn lợi nhuận cao
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2009, tổng mức lợi nhuận của các DNNY dự kiến đạt là 29.475 tỷ đồng. Như vậy, qua 6 tháng đầu năm, các DNNY đã hoàn thành được trên 67%. Nếu tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong 6 tháng cuối năm, các DNNY có thể hoàn thành 100% và thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn và khó dự báo vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp.
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Chính phủ có thể vẫn tiếp tục thực thi các giải pháp hỗ trợ và kích thích tăng trưởng, hướng về đầu tư phát triển sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm… Và như vậy, ngành xây dựng dự báo sẽ là ngành có được những lợi thế lớn nhất từ những chính sách hỗ trợ này. Ngoài ra, các ngành khác như Ngân hàng, Chứng khoán… cũng là các nhóm ngành có khả năng đạt lợi nhuận kỷ lục và đột biến.
Các ngành duy trì sự ổn định là Dầu khí, Điện, Dược, Sản xuất hàng tiêu dùng – thực phẩm. Còn với nhóm ngành Vận tải biển, Thủy sản, Dệt may, Gỗ…, tuy vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng dự báo sẽ khởi sắc từ quý 4 tới. Trong khi đó, với điều kiện giá cả đầu vào tăng theo tốc độ tăng lạm phát, lợi thế về hàng tồn kho giá rẻ của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (thép, nhựa, cao su…) hoặc các doanh nghiệp đã thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư tài chính sẽ không còn. Như vậy, sự đột biến của nhóm ngành này trong 6 tháng cuối năm là điều khó xảy ra.
Theo Công ty Chứng khoán Hoà Bình/PTĐT
|