Băn khoăn "room" tín dụng
Tháng 7.2009, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 22,67% so với cuối năm 2008. Như vậy, để thực hiện đúng chỉ tiêu kế hoạch, trong 5 tháng còn lại, dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ được phép tăng thêm 4,33% nữa. Điều này liệu có thực hiện được?
Chỉ tiêu mức tăng tổng dư nợ cho vay nền kinh tế cả năm của hệ thống NH không hẳn là hạn mức tín dụng. Hạn mức tín dụng là nhằm khống chế trực tiếp tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH (ví dụ, hiện chỉ cho phép các NHTM cho vay kinh doanh CK không quá 20%/tổng VĐL). Hạn mức tín dụng đã được thực hiện trong khoảng 4 năm (1994-1998), nhưng không mấy tác dụng, thường mức tăng trưởng tín dụng vẫn cao hơn hạn mức.
Bài học từ Trung Quốc
6 tháng đầu năm, để kích thích kinh tế, Trung Quốc cũng sử dụng chính sách tiền tệ (CSTT) mở rộng. Tổng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm của TQ lên tới 7.370 tỉ nhân dân tệ (CNY) (trong khi cả năm 2007, 2008 lần lượt chỉ là 3.600, 4.900 tỉ CNY).
CSTT mở rộng là một trong những động lực khiến nền kinh tế TQ phục hồi mạnh mẽ, nhưng đã bắt đầu khiến các thị trường (BĐS, CK) có những dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn (nguy cơ bong bóng). NHTƯ Trung Quốc (PBC) đã bắt đầu có những động thái để khống chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh, nhằm hạn chế nợ xấu và nguy cơ lạm phát.
Tháng 7 vừa qua, PBC đã yêu cầu các NHTM có mức tăng trưởng tín dụng ở mức cao phải mua 100 tỉ CNY trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 1,5% (trong khi lãi suất cho vay qua đêm của PBC là 5,31%) của chính phủ trong tháng 9 (có thể từ thông tin này đã làm nảy sinh tin đồn cuối tháng 7 vừa qua là NHNNVN cũng phát hành tín phiếu bắt buộc).
Ủy ban Pháp chế NH Trung Quốc tuyên bố kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản cho vay được cho là bổ sung vốn hoạt động của DN. Với đặc thù khá tương đồng của 2 nền kinh tế và thị trường tài chính của 2 nước láng giềng, thì những diễn biến của thị trường tiền tệ và các động thái kiểm soát tăng trưởng tín dụng của PBC chắc cũng được NHNN Việt Nam theo dõi sát để tham khảo.
Cần tránh tín dụng dễ dãi
Chính phủ và NHNN đã công bố khống chế mức tăng trưởng dư nợ cả năm 2009 ở mức 25%-27%, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát. Tuy nhiên, xét trên tình hình thực tế tăng dư nợ đến cuối tháng 7.2008, khả năng tăng CPI và nhu cầu vốn để đạt chỉ tiêu GDP của năm thì có lẽ cũng nên cân nhắc lại chỉ tiêu hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN khó có thể có biện pháp nào có thể khống chế được mức tăng dư nợ trong 5 tháng còn lại ở mức trung bình dưới 1%/tháng để đảm bảo chỉ tiêu đặt ra.
Vừa qua, đã có ý kiến là cần có hạn mức cho vay tiêu dùng. Đây cũng là vấn đề nên cân nhắc, vì theo Vụ Kinh tế công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhiều ngành đang ở tình trạng tồn kho lớn, theo đại diện của Vụ Kinh tế công nghiệp: "Thực chất mức tăng trưởng của ngành CN hiện nay chưa thật bền vững, thể hiện sức tiêu dùng trong nước và khả năng xuất khẩu còn nhiều hạn chế và nền kinh tế dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ.
Cần thiết phải có các biện pháp kích cầu mạnh hơn". Cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất, theo nhiều chuyên gia, chủ yếu là kích thích DN đẩy mạnh sản xuất, nhưng nếu hàng sản xuất không tiêu thụ được thì chỉ làm tăng thêm hàng tồn kho. Vì vậy, rất cần cân nhắc khi đưa ra một hạn mức tín dụng tiêu dùng chung chung. Vấn đề ở đây là phải tránh tín dụng dễ dãi và các dự án lớn nhưng không hiệu quả, CP khi thị trường quá nóng và BĐS có tính đầu cơ. Những lĩnh vực này không tạo nên giá trị gia tăng thực sự cho nền kinh tế, mà còn có khả năng tạo "bong bóng" rủi ro cho những năm tới.
Một nguyên nhân nữa khiến Việt Nam cũng nên cân nhắc giữ CSTT nới lỏng là nhu cầu vốn để phục hồi kinh tế đang ở mức tăng dần. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế có uy tín thì triển vọng phục hồi kinh tế ngày càng rõ hơn qua các số liệu và dự báo trong tháng 6 và tháng 7. Trong tháng 7.2009, IMF điều chỉnh dự báo triển vọng kinh tế thế giới sẽ lấy lại tăng trưởng 2,5% năm 2010 (tháng 4.2009 dự báo chỉ tăng trưởng 1,9%).
Kinh tế Mỹ quý II ước chỉ giảm khoảng 2% (thấp hơn nhiều mức giảm 5,7% của quý I). Trung Quốc phục hồi mạnh với mức tăng trưởng GDP quý II đạt 7,9% khi quý I chỉ tăng 6,1%... Theo thông tin từ Bank of Communications của Trung Quốc thì dự báo kinh tế năm 2009 của nước này có thể tăng trưởng 8,5%. Dự đoán mức tăng GDP của Việt Nam sẽ đạt và cố gắng để đạt mức trên 5%.
Để tăng nhanh tiêu dùng và đầu tư trong nước, Việt Nam phải trông chờ nhiều vào vốn tín dụng NH (vì TTCK chưa thuận lợi để các DN huy động vốn, vốn ngân sách khó khăn). Vì vậy, cần duy trì CSTT nới lỏng để kích thích kinh tế. Hạn mức tín dụng nên nới thêm 5-6% nữa để mức tăng tín dụng cho năm 2009 vào khoảng 32-33% là phù hợp và sát với diễn biến tình hình hoạt động tín dụng hiện nay vì ngay để chỉ tiêu tăng dư nợ này, hệ thống NH cũng sẽ phải có nhiều biện pháp kiềm chế tín dụng mới giữ được.
Lao Động
|