VN-Index và hai nửa tháng 6
Tháng 6/2009 đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với hai nửa của những diễn biến chính.
Đó là sự chia nửa theo nghĩa đen, “tạm” lấy mốc ngày 15/6, khi VN-Index rời mốc 500 điểm và nguồn tiền hùng hậu trước đó bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.
Nửa thăng hoa
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ giữa tháng 3/2009, dồn đẩy đến tháng 6, xen kẽ những đợt điều chỉnh ngắn. Sự thăng hoa thực sự tập trung trong nửa đầu tháng 6 với những dữ kiện đáng nhớ.
Bắt đầu từ mốc 426,43 điểm ngày 1/6, VN-Index tăng mạnh 7 phiên liên tiếp, cũng là mạch tăng ấn tượng nhất của tháng. Phiên ngày 8/6, sau khoảng 8 tháng rời xa và phần lớn thời gian chìm sâu, hàn thử biểu của chứng khoán Việt Nam chính thức tái lập mốc 500 điểm. Phiên kế tiếp, ngày 9/6, VN-Index đạt mức cao nhất của tháng, đóng cửa với 512,46 điểm (đỉnh điểm đợt 1 ngày 12/6 lên đến 520,28 điểm). Tăng tới 20,17% sau 7 phiên, một tốc độ hàng “khủng” trên thế giới.
Đi cùng với diễn biến trên, kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến của VnEconomy về dự đoán điểm đến VN-Index kết thúc tháng 6 có thể xem là một phần thể hiện kỳ vọng lớn của nhiều nhà đầu tư. Mốc dự đoán trên 600 điểm của cuộc khảo sát là lựa chọn áp đảo; trong tuần đầu tháng 6 luôn chiếm trên 30% tổng số ý kiến tham gia. Trong khi các mốc dự đoán dưới 450 điểm chỉ chiếm các tỷ lệ rất nhỏ.
Một kết quả khảo sát mang tính tham khảo và có ảnh hưởng nhất định từ tính trung thực của một số nhà đầu tư, nhưng cho thấy niềm tin và kỳ vọng lớn của số đông. Trên thực tế, niềm tin và kỳ vọng đó không chỉ được nâng đỡ bằng mạch đi lên ấn tượng của thị trường nửa đầu tháng 6, mà đặc biệt đến từ nguồn tiền vào sàn mạnh chưa từng có trong lịch sử.
Ngày 10/6/2009 hiện vẫn là một mốc dữ kiện chưa thể thay thế của thị trường, gắn với kỷ lục của khối lượng và giá trị giao dịch. 150 triệu đơn vị, 5.300 tỷ đồng trên hai sàn là những con số choáng ngợp. Và liên tiếp những phiên giao dịch trong nửa đầu tháng 6, thị trường chứng kiến quy mô 4.000 đến hơn 5.000 tỷ đồng vào ra - một dòng chảy lớn chưa từng có.
Đó cũng là điểm quan tâm có thể xem là nổi bật nhất của giới đầu tư trong tháng 6, xoay quanh những câu hỏi về nguồn tiền, về sự gắn bó của nó. Hiện vẫn còn những tranh cãi.
Nửa do dự
Ngày 15/6, VN-Index mất mốc 500 điểm. Có thể xem đó là một điểm bắt đầu sự đứt gãy trong diễn biến chung của thị trường. Bởi trong nửa sau của tháng 6, thị trường bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm cả về điểm số và sức mạnh của nguồn tiền. Mốc 600 điểm bị mất từ ngày 18/3/2008 vẫn là một thách thức.
Ngày 30/6, VN-Index kết thúc tháng chỉ còn ở mốc 448,29 điểm, còn “dư” gần 22 điểm so với ngày đầu tháng, nhưng so với mức cao nhất ngày 9/6 đã giảm khoảng 12,5%. Đó cũng là kết quả của những biến động khó lường, và nổi bật là sự hài lòng của hoạt động chốt lời, sự do dự của nguồn tiền hỗ trợ trước sự trượt dần của giá chứng khoán.
Nửa sau của tháng 6, thị trường xa dần những “ngày trăm triệu” của khối lượng trên cả hai sàn. Khối lượng và giá trị giao dịch đuối dần cùng những phiên điều chỉnh và đi ngang. Liên tiếp những phiên cuối tháng, hai sàn cùng đón tỷ lệ sụt giảm khá mạnh trên dưới 30% của chỉ báo khối lượng. Nhiều nhà môi giới cùng nhận định nguồn tiền đang tạm đứng bên lề thị trường, và có thể là tạm rút. Ngày 29/6 là phiên giao dịch có khối lượng và giá trị thấp nhất trong tháng; trên HOSE chỉ còn 28.874.240 đơn vị với 1.092 tỷ đồng.
Có nhận định cho rằng nhiều nhà đầu tư đã quá tập trung và do dự trước sự kiện Vietcombank chính thức niêm yết. Hướng điều chỉnh nửa sau tháng 6 cũng khiến họ thận trọng hơn. Nhưng có một điểm khác biệt so với những đợt điều chỉnh phổ biến trước đây là không có hiện tượng bán tháo như thường thấy.
Đi cùng với những diễn biến trên, kết quả khảo sát trực tuyến trên VnEconomy cũng có những biến động đáng chú ý.
Nửa sau tháng 6, thay cho lựa chọn VN-Index trên 600 điểm, và cả lựa chọn từ 550 – 600 điểm áp đảo trước đó, những mốc dự đoán dưới 500 điểm hiện thực hơn với số đông nhà đầu tư tham gia, cũng như trên thực tế. Đặc biệt, vùng dự đoán 350 – 400 điểm trở thành lựa chọn nóng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong gần 15.000 nhà đầu tư, bạn đọc tham gia (mỗi máy tính chỉ tham gia được 1 lần). Liệu đó có phải là một phần “kỳ vọng” đang có trên thị trường về một đợt điều chỉnh sâu để có thể hối thúc các quyết định nhập cuộc, để dòng tiền mạnh mẽ trở lại và để có thể đón một đợt sóng mới?
Còn trên sàn, thị trường đã khép lại tháng 6 với phiên giảm điểm khá mạnh của các chỉ số. VN-Index chính thức về vùng 400 – 450 điểm. Có thể đà đi xuống của chỉ số này sẽ được níu kéo bởi hai “tân binh” có ảnh hưởng lớn là BVH và VCB. Đây cũng là một điểm mới của nửa sau tháng 6 chuyển giao sang đầu tháng 7.
Lan Ngọc
TBKTVN
|