Vietinbank chào sàn 40.100đ/CP: Giảm theo đúng "kế hoạch"?
Không lạc quan như giá "8 chấm" của đại diện Vietinbank (mã CK: CTG), thậm chí rất nhiều NĐT còn đoán "trúng phóc" mức giá sàn hoặc lân cận sàn (40.000đ/CP) mà CTG sẽ có được trong phiên đầu tiên.
Thực tế giá thấp có lợi cho chính CTG lẫn thị trường hơn là chào giá trên trời.
Tháo hàng
Kịch bản phiên chào sàn của CTG khác hẳn VCB và BVH, nhưng lại có phần "hao hao" giống PVF. Trong hai khả năng: Để CTG rơi về giá sàn hoặc đẩy CTG lên trên tham chiếu, rõ ràng khả năng đầu tiên khả thi hơn và cũng không quá khó để dự đoán. Với mức lợi nhuận quá cao, nguồn cung dĩ nhiên luôn sẵn sàng. Nếu nỗ lực đẩy giá lên, áp lực bán sẽ càng mạnh và chi phí vốn để làm chuyện đó cũng tốn kém. Ngược lại, thả rơi giá xuống sàn chi phí vốn vừa rẻ, vừa giúp nhanh chóng ổn định giá CTG ở mức thấp tương đối so với thị trường.
Mở cửa CTG bị bán tháo ngay lập tức với khoảng trên 1,1 triệu CP được đặt bán sàn và ATO. Nếu không quyết tâm tháo hàng bằng được, NĐT sẽ không lựa chọn cách đặt lệnh này. Tuy nhiên, điều bất ngờ là toàn bộ khối lượng bán tháo này được mua hết ngay lập tức. Diễn biến này đã tạo tiền đề cho một con sóng tăng nhỏ sau đó. CTG được đẩy lên mức cao nhất 45.000đ/CP (giảm 5.000đ so với tham chiếu) thì hết lực. Gần như toàn bộ thời gian còn lại CTG giằng co quanh mức 40.500đ/CP - 41.000đ/CP.
Thống kê khối lượng giao dịch theo cách thức đặt lệnh cho thấy: Trong tổng số 2,4 triệu đơn vị được giao dịch của CTG, khối lượng khớp theo dư mua (tức là lệnh bán khớp thẳng vào lệnh mua đang chờ trên hệ thống) chiếm tới 80,3%. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của ý đồ bán ra thoát hàng của NĐT đang sở hữu CTG. Phiên đóng cửa, chỉ khoảng trên 300.000 CTG được bán ATC cũng đủ đưa giá khớp về mức 40.100đ, chỉ cao hơn mức sàn đúng một bước giá. Dù vậy, CTG vẫn được chặn mua toàn bộ khối lượng này.
Chuyện các tổ chức đầu tư sẽ "dồn vào Vietinbank, thậm chí là phải bán đi những CP khác" khoan hãy tính vì thị trường sẽ đưa ra câu trả lời rất sớm, còn những gì diễn ra trong phiên ngày 16.7 cho thấy áp lực xả hàng là có thật. Việc đầu tư và đầu cơ là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau trên thị trường.
Với hoạt động đầu cơ, mức lợi nhuận trên 100% là quá lớn. NĐT có nhiều lựa chọn hơn nếu thị trường khởi sắc vì rất nhiều CP khác tốt không kém Vietinbank đã điều chỉnh giảm đáng kể. Mặt khác, nguy cơ xả hàng với Vietinbank lúc nào cũng sẵn sàng trong khi khả năng tăng giá vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến chung của thị trường. Hoạt động đầu tư không có nghĩa là phải mua ở bất kỳ giá nào để nắm giữ, nhất là khi các tổ chức còn chưa biết thị trường sẽ định giá CTG ở mức nào.
Khối lượng khớp lệnh với CTG phiên này không cao và lực bán cũng chưa thể hiện nhiều vì mấy lý do: Thứ nhất là thị trường chung đang khởi sắc trở lại sau khi đã giảm khá mạnh. Điều này có thể khiến NĐT "ôm" CTG vững dạ hơn và không xả ra bằng mọi giá. Thứ hai, một lực đỡ bất ngờ xuất hiện ở CTG trong phiên chào sàn.
Trước đó vài ngày, gần như tất cả khuyến cáo của các CTCK gửi cho khách hàng đều khuyên giá chào 50.000đ/CP là cao và không nên tích lũy ở mức này. Do đó NĐT cá nhân đa phần sẽ "đứng xem kịch" hơn là nhảy vào mua ồ ạt. Lực mua có thể xuất phát phần lớn là các tổ chức. Thứ ba, thủ tục lưu ký chưa hoàn tất cũng phần nào hạn chế nguồn cung trong phiên đầu tiên.
CTG sẽ được đỡ giá?
Việc đỡ giá, về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể. Nếu không giúp CTG tạo được một mặt bằng giá ổn định (dù là thấp hơn giá chào sàn) thì khả năng thoát hàng của các tổ chức là rất khó. Nếu bị cho là giá quá cao, liệu ai sẽ dũng cảm mua vào đủ mạnh để cho các đối tượng khác xả hảng? Do đó khả năng lớn là CTG sẽ dao động quanh một ngưỡng giá nào đó trong những phiên tới để thiết lập một mặt bằng ổn định. Mặt khác, việc đổ tiền ra mua với giá 40.000đ/CP hoặc thấp hơn một chút cũng không thiệt hại vì khối lượng mua lúc này sẽ nhỏ hơn nhiều khối lượng đã sở hữu có giá vốn thấp ở mức trên dưới 20.000đ/CP. Giá vốn bình quân sẽ được tính toán đủ để có lãi mà vẫn giữ được mặt bằng chung.
Diễn biến ngày 16.7 đã phần nào cho thấy hoạt động đỡ giá diễn ra. CTG được thu gom quanh giá sàn rất lớn. Tuy nhiên một phiên giao dịch vẫn chưa thể hiện được hết ý đồ "đổ bêtông" tạo mặt bằng cho CTG sẽ ở ngưỡng giá nào. Tuy nhiên, với việc có được giá tham chiếu thấp, CTG sẽ thuận lợi hơn khi "nhìn" các CP khác. Chẳng hạn STB đang có giá 33.900đ/CP, VCB có giá 49.800đ/CP, PVF: 37.800đ/CP, SHB: 35.500đ/CP, ACB: 45.700đ/CP.
Việc có giá tương đồng với mặt bằng chung sẽ góp phần làm giảm áp lực bán khi NĐT cho rằng CTG khó có thể giảm sâu hơn các CP khác cùng ngành. Với VN-Index, mức vốn hóa khá thấp của CTG sẽ không tác động nhiều. Trong khi đó, xu hướng thị trường dường như đang ủng hộ khả năng tăng cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động phân phối.
Hoàng Nguyên
LAO ĐỘNG
|