UPCoM le lói sáng
Mất điểm và thanh khoản thấp, thị trường UPCoM đã gây thất vọng cho nhiều người từ khi bắt đầu hoạt động tới nay. Với 3 phiên liên tục tăng điểm trong tuần này, thị trường UPCoM có vẻ như đang khơi được chút lạc quan cho nhà đầu tư (NĐT) dù các vấn đề nội tại khiến thị trường này vẫn khó hấp dẫn số đông NĐT.
Nóng cổ phiếu chứng khoán
Mặc dù thanh khoản vẫn rất thấp nhưng 3 phiên tăng điểm liên tiếp trên sàn UPCoM trong tuần cũng phần nào an ủi các NĐT. Cũng như trên sàn niêm yết, các cổ phiếu (CP) dẫn đầu về mức tăng cũng như khối lượng giao dịch trên sàn UPCoM thuộc về nhóm CP của các công ty chứng khoán (CTCK). Phiên tăng điểm đầu tiên trong chuỗi tăng 3 phiên liên tục của UPCoM diễn ra ngày 14.7 với 6 mã tăng giá và 3 mã giảm giá.
Dẫn đầu về mức tăng trong phiên này là CP của 3 CTCK gồm SME (CTCK SME), TAS (CTCK Tràng An) và APS (CTCK APEC). Không chỉ tăng mạnh nhất, CP của 3 công ty này cũng chiếm 3 vị trí dẫn đầu về khối lượng giao dịch, trong đó SME là CP có lượng khớp trên 100.000 đơn vị. Phiên tăng điểm thứ 2 tiếp đó, 3 CP SME, APS và TAS tiếp tục chiếm 3 vị trí dẫn đầu dù thanh khoản đã giảm hơn so với phiên trước. Tình hình cũng tương tự trong phiên tăng điểm thứ 3 ngày 16.7. Ở phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, UPCoM đã quay đầu mất 0,82 điểm, chốt ở 72,47 điểm. Trong nhóm CP chứng khoán, giá TAS tăng 100 đồng, lên 11.900 đồng/CP, SME giảm 700 đồng, còn 13.400 đồng/CP, APS cũng còn 10.500 đồng/CP. Có thể nói, CP của 3 CTCK này là 3 CP nổi nhất trên sàn UPCoM từ khi được thành lập và đi vào hoạt động đến nay.
Theo thống kê, trong 3 phiên giao dịch tăng điểm nói trên, giá trị giao dịch trung bình của sàn UPCoM rất khiêm tốn, chỉ khoảng 2,5 - 3,5 tỉ đồng/phiên. Nhìn vào giao dịch trên thị trường UPCoM, có thể thấy diễn biến khá giống với sàn niêm yết những tháng tăng nóng vừa qua. Còn nhớ trước khi UPCoM đi vào hoạt động, nóng trên thị trường OTC thường là các CP chuẩn bị lên sàn và nhóm CP ngân hàng. Nhóm CP của các CTCK thì hầu như không được quan tâm. Nhưng tình hình hiện nay đã khác. Theo một NĐT, chứng khoán tăng nóng thì các CTCK bội thu. Vì vậy, CP chứng khoán thu hút NĐT trên sàn UPCoM cũng là chuyện dễ hiểu.
Khối ngoại vẫn đứng ngoài
Trong cả 3 phiên tăng điểm của UPCoM, khối các NĐT nước ngoài (khối ngoại) vẫn đứng ngoài, không tham gia mua bất cứ một CP nào. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến UPCoM có tính thanh khoản thấp và ít hấp dẫn. Lý giải về điều này, một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, hàng hóa trên UPCoM hiện nay quá đơn điệu, quá ít khiến NĐT không có nhiều sự lựa chọn. Ngay cả những NĐT trong nước còn không mặn mà thì khối ngoại - vốn luôn săn đuổi hàng chất lượng cao, CP blue-chips - đứng ngoài là điều dễ hiểu. Với những NĐT thích lướt sóng CP dưới sàn thì thị trường OTC vẫn là lựa chọn hàng đầu bởi hàng hóa đa dạng hơn rất nhiều.
Một NĐT tên Trọng phân tích, cái hấp dẫn của CP chưa niêm yết là giao dịch liên tục, mua xong thấy có lời bán liền và ngược lại, nếu thấy lỗ, ngay lập tức cắt lỗ trong cùng một thời điểm. Còn với UPCoM là T+3, mua hoặc bán phải 3 ngày sau mới có hàng để giao dịch nên giới chuyên đánh hàng OTC cảm thấy "không đã". "Với chu kỳ T+3, lên sàn niêm yết lướt sướng hơn, CP nhiều, thanh khoản cao... tội gì mà đổ tiền vào UPCoM", NĐT này nói. Đây cũng là tâm lý của nhiều NĐT khác, điều này lý giải vì sao trước bảng điện tử hiển thị giao dịch UPCoM ở hầu hết các CTCK chẳng có ai theo dõi.
Được biết, trong quý 3 này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ tiếp tục đưa thêm vào giao dịch một số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia UPCoM giai đoạn 1 sau khi hoàn tất hồ sơ trong tháng 7. Tiếp theo lộ trình đăng ký, lưu ký tập trung CP của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các công ty đại chúng thì trong quý 3 năm nay sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp hiện đang ủy quyền quản lý sổ cổ đông cho các CTCK đưa CP lên sàn UPCoM. Giới chuyên môn và các nhà quản lý cũng đang hy vọng, với hàng hóa đang dạng hơn, UPCoM sẽ tạo được lực hút với các NĐT, thoát khỏi tình trạng ế ẩm hiện nay.
Nguyên Hằng
Thanh Niên
|