Thị trường cần một câu chuyện mới
Vấn đề của thị trường dường như là dòng tiền. Thị trường vẫn có nguy cơ chao đảo như đã từng xảy ra cách đây 15 tháng...
Hơn một tháng qua, VN-Index di chuyển như cỗ xe chinh phục những quả đồi. Khi leo lên đỉnh dốc, cỗ xe ấy chợt nhận ra đã di chuyển quá nhanh cần phải phanh nhẹ lại, an toàn hơn cho chặng đường dài phía trước. Biểu hiện đó không chỉ ở sự sụt giảm chỉ số chứng khoán (VN-Index mất 16,4% trong 5 tuần qua), mà còn ở khối lượng giao dịch. Hiện tại, khối lượng chuyển nhượng mỗi phiên chỉ duy trì được ở mức trên dưới 30 triệu đơn vị. Ngay ở những phiên đảo chiều, khối lượng đặt mua cũng không thực sự tăng mạnh. Cầu bao nhiêu, cung đáp ứng bấy nhiêu, kịp thời. Thị trường đang ở trạng thái dễ mua và dễ bán. VN-Index tạm thời đi ngang - như nhận định của đa số NĐT nội địa.
Trong bức tranh thị trường ngày càng buồn tẻ, giao dịch của khối NĐT nước ngoài là một điểm nhấn. Tính đến cuối tuần trước, NĐT nước ngoài đã mua ròng phiên thứ 17 liên tiếp, chuỗi ngày mua ròng dài nhất từ đầu năm 2009 trở lại đây. Tổng giá trị mua ròng của NĐT nước ngoài trong 13 phiên tháng 7 đã là 823 tỷ đồng. Dù không đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, nhưng giao dịch của khối ngoại đáng quan tâm vì họ thường hành động theo kế hoạch.
Theo ông King Yoong, Trưởng bộ phận nghiên cứu của CTCK KimEng Việt Nam (KEVS), có hai lý do dẫn đến việc mua ròng của khối ngoại. Thứ nhất, đợt phục hồi mạnh mẽ vừa qua là do NĐT cá nhân trong nước châm mồi lửa khởi động. Sự thăng hoa nhanh chóng của VN-Index sau đó nằm ngoài dự liệu của nhiều NĐT tổ chức nước ngoài. Giờ là lúc họ phải sửa chữa sai lầm. “Bức tranh kinh tế đã rõ ràng hơn, dù trong ngắn hạn sự điều chỉnh chưa biết đưa VN-Index đi về đâu, nhưng NĐT nước ngoài đang mua vào với niềm tin, ít nhất cuối năm 2009, VN-Index đóng cửa ở mức 550 điểm”, ông King Yoong nói với ĐTCK. Thứ hai, NĐT cá nhân trong nước có lựa chọn giữa cổ phiếu và vàng, bất động sản hay tiền gửi ngân hàng. Nhưng đối với cả các NĐT quốc tế, đầu tư vào một thị trường thực chất là sự lựa chọn quốc gia đầu tư và tài sản đầu tư, chứ không hẳn là việc sẽ chọn một số phiếu nào đó. Với nhiều NĐT nước ngoài thì xét về tiềm năng tăng trưởng dài hạn, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn tối ưu.
Các cổ phiếu mới niêm yết BHV, VCB, CTG mang một luồng sinh khí mới cho thị trường. Trong khi BHV, VCB tăng trần ngày chào sàn và được khối ngoại mua đặt mua khá lớn thì giao dịch của CTG tỏ ra trầm lắng hơn. Đây là các cổ phiếu mà sự biến động giá tác động đến VN-Index cả trên phương diện kỹ thuật lẫn tâm lý. Về điều này, Trưởng bộ phận phân tích của CTCK TP. HCM (HSC), ông Fiachra Mac Cana nhận xét: “Các tổ chức mua vào cổ phiếu mới niêm yết phần lớn là vì họ phải nắm giữ các cổ phiếu này ngang bằng với tỷ lệ vốn hóa của chúng so với thị trường, nếu họ muốn giá trị tài sản ròng của danh mục gắn kết với diễn biến VN-Index trong tương lai”.
Về lý do NĐT nước ngoài chọn mua BVH và VCB nhưng với CTG thì hầu như không, ông King Yoong nhận xét rằng, NĐT tổ chức nước ngoài sẽ chỉ quan tâm đến những cổ phiếu tốt nhất trong một ngành có tương quan mạnh với VN-Index. Không có nhiều sự lựa chọn cho cùng 1 ngành trong 1 danh mục đầu tư.
Thực tế, việc CTG chào sàn khiến tâm lý lo lắng về nguồn cung mới “đổ bộ” lên sàn chứng khoán của NĐT được gỡ bỏ. Tuy nhiên, một đại diện của Sở SDCK TP. HCM nói với ĐTCK rằng, hiện tại số hồ sơ đăng ký niêm yết tại Sở là 16, không kể các công ty đã được cấp phép. Nguồn cung mới vẫn đang tiếp tục tăng lên, nhưng trong số này không có các DN tầm cỡ. Sabeco vừa công bố kế hoạch nộp hồ sơ niêm yết trong quý IV, nhưng cột mốc niêm yết chính thức vẫn chưa chắc chắn. NĐT cũng chưa nhìn thấy sự chuyển động nào về những cuộc IPO lớn trong nửa cuối năm nay. Thị trường vàng vẫn trầm lắng, thị trường trái phiếu DN chuyển động nhưng thực chất chỉ dành cho các NĐT tổ chức. Chứng khoán chỉ phải cạnh tranh với bất động sản để tiếp tục trở thành là kênh đầu tư tối ưu!
Vậy tại sao VN-Index ngập ngừng? Vấn đề của thị trường dường như là dòng tiền. Một rủi ro tiềm tàng trong phỏng đoán của nhiều NĐT cá nhân là khả năng lạm phát quay trở lại trước việc Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt tín dụng. Nếu điều này thực sự xảy ra thì sự ưu tiên hàng đầu của Chính phủ sẽ là kiềm chế lạm phát hơn là mục tiêu tăng trưởng. Thị trường vẫn có nguy cơ chao đảo như đã từng xảy ra cách đây 15 tháng.
Kết quả kinh doanh của các DN đã công bố dường như không tác động nhiều đến giá cổ phiếu. Cổ phiếu HCM giảm giá 3 phiên liền dù Công ty công bố hoàn thành kế hoạch năm và điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận lên gấp đôi. Cổ phiếu SSI, BVS, KLS… những “chiếc chuông” dự báo thị trường, cũng chịu chung đà giảm giá. Sau các khoản lãi lớn của nhiều DN niêm yết dựa vào sự bùng nổ bất ngờ của thị trường tài chính hay thị trường nguyên liệu cơ bản, vào quý III, sự đột biến lợi nhuận sẽ không còn, các nhân tố cơ bản về DN cần kiểm tra, đánh giá lại. Dường như trong ngắn hạn, thị trường cần một câu chuyện mới hơn để làm sống dậy các kỳ vọng đã qua và khơi thông chuyển động của dòng tiền.
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|