Thận trọng vay cầm cố chứng khoán
Trái ngược với hai tháng trước khi hồ sơ vay cầm cố chứng khoán dồn dập được đưa qua ngân hàng, hiện số nhà đầu tư (NĐT) vay cầm cố chứng khoán đã giảm đi, số tiền vay cũng ít hơn.
Lãi suất tăng
Kể từ ngày 23.6, Công ty chứng khoán (CTCK) Âu Việt thông báo triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán với sự hợp tác của Ngân hàng (NH) Phát triển nhà TP.HCM, lãi suất (LS) cho vay 1%/tháng (tương đương 12%/năm). Hạn mức cho vay tối đa lên đến 10 tỉ đồng, thời gian vay là 3 tháng. Cũng tại CTCK Âu Việt trước đó, LS cho vay cầm cố chứng khoán thông qua NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chỉ là 10%/năm. Công ty này cho biết vì hạn mức cho vay mà Agribank dành cho NĐT tại đây đã được giải ngân hết nên phải hợp tác với NH khác để tiếp tục cho vay.
Cũng từ giữa tháng 6 vừa qua, CTCK FPT (FPTS) thông báo tăng LS cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết lên 12%/năm. Hợp đồng cầm cố tối thiểu tại FPTS phải có giá trị 50 triệu đồng; tỷ lệ cầm cố dao động trong khoảng 20-30% thị giá trung bình của CP trong 20 phiên giao dịch gần nhất, thời gian cho vay từ 1 - 3 tháng...
Những hợp đồng cho vay của các NH mới cung cấp dịch vụ này đều áp dụng LS từ 12 - 13%/năm so với 10 - 10,5%/năm trước đó. Thời gian cho vay cũng được rút ngắn và phổ biến ở mức 3 tháng thay vì 6 tháng như trước. Ngoài ra, các điều kiện khác như danh sách chứng khoán cho vay, tỷ lệ cho vay, hạn mức vay tối đa... cũng được các NH siết chặt hơn. NH TMCP An Bình thông qua CTCK SJC chỉ cho vay 10.000 đồng/CP đối với những CP có thị giá dưới 40.000 đ/CP, không cho vay đối với những CP có thị giá thấp hơn mệnh giá; đối với các hợp đồng vay từ 500 triệu đồng trở lên người vay phải trực tiếp nộp hồ sơ tại NH. Còn tại CTCK SME chi nhánh TP.HCM, NĐT chỉ có thể vay cầm cố các chứng khoán có thị giá trên 15.000 đ/CP...
Nhà đầu tư thận trọng
Nhận định chung của các chuyên gia và công ty chứng khoán đều cho rằng xu hướng của thị trường hiện nay là tăng giảm xen kẽ nhau và có thể còn kéo dài thêm một thời gian. Đây là thời điểm khá nhạy cảm để NĐT ra quyết định giao dịch vì xu hướng chưa rõ ràng. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC, khi thị trường đang đi ngang và NĐT cũng chờ đợi để xem xu hướng mới như thế nào thì sẽ ít người đi vay cầm cố chứng khoán để đầu tư tiếp.
"Các NĐT ít sử dụng đòn bẩy tài chính trong những thời điểm thế này vì tính rủi ro gia tăng. Tuy nhiên khi thị trường có những thông tin tốt hỗ trợ hoặc NĐT nhìn thấy rõ cơ hội đầu tư thì việc sử dụng vốn vay lại nhiều lên", ông Tuấn nói.
Giám đốc một CTCK khác tại TP.HCM nhận xét, đối với một số NĐT, việc LS cho vay tăng thêm khoảng 2%/năm như thế cũng không phải là quá cao vì chỉ cần thị trường trong một tháng tăng vài phiên là họ kiếm dư được 10-15%. Vấn đề chính là ở thời điểm này họ chưa muốn vay thêm để đầu tư.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đến hết tháng 4.2009, NH Nhà nước đã công bố dư nợ cho vay chứng khoán của hệ thống NH thương mại đạt trên 7.000 tỉ đồng. Nếu cộng cả nguồn từ công ty tài chính... thì tổng dư nợ cho vay chứng khoán theo VAFI ước tính khoảng 10.000 tỉ đồng. Con số này còn thấp so với thời kỳ phát triển nóng lên đến trên 60.000 tỉ đồng. Thế nhưng VAFI cho rằng NĐT cần hết sức cẩn thận với việc đi vay đầu tư chứng khoán vì thị trường càng tăng điểm thì độ rủi ro trong việc dùng đòn bẩy tài chính càng gia tăng lớn.
Mai Phương
Thanh niên
|