Tạo lập thị trường: CTCK … hờ hững
Do việc đấu giá cổ phần lần đầu và cổ phần hóa của DN hiện nay chưa buộc phải gắn với niêm yết, nên TTCK tự do (OTC) của Việt Nam vẫn rất rộng lớn. Thị trường UPCoM được tổ chức với mục tiêu thu hẹp thị trường trên, mở rộng thị trường có quản lý.
Một trong những ý đồ khi tổ chức thị trường này là để CTCK tạo nên cung cầu thông qua vai trò là nhà tạo lập thị trường (market maker), nhà đầu tư và môi giới. Nhưng theo ghi nhận của ĐTCK tại một số CTCK, khi giao dịch tại UPCoM, vai trò môi giới vẫn được CTCK ưu tiên thực hiện do các nghiệp vụ khác không mang lại nhiều lợi nhuận...
Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM - CTCK VNDirect cho rằng, trên UPCoM hiện chưa có một công ty nào định hướng phát triển thành market maker theo đúng nghĩa. Trên thị trường OTC, mới chỉ có một số CTCK như Thăng Long, VNDirect đứng ra hỗ trợ cho cổ phiếu MB; Rồng Việt hỗ trợ cho cổ phiếu Eximbank.
Lý do là thị trường UPCoM còn quá ít hàng hóa, thanh khoản kém, không thu hút sự quan tâm của NĐT và bản thân CTCK. Theo ông Phong, vấn đề là CTCK chưa định hướng, chứ không hẳn nằm ở tiềm lực tài chính của mỗi công ty. Ông Phong cho rằng, chỉ cần thu hút một số công ty đại chúng tiêu biểu có nhiều cổ đông đăng ký giao dịch trên thị trường này sẽ tạo được sự chú ý của NĐT và lôi cuốn các DN khác lên theo. Khi thanh khoản tăng, CTCK sẽ nhìn thấy lợi nhuận và kích thích tham gia giao dịch.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, việc đặt CTCK vào vai trò market maker trên UPCoM mới chỉ là mục tiêu mang tính định hướng của cơ quan quản lý. Cần có quy định cụ thể về market maker trên TTCK Việt Nam, trách nhiệm và quyền lợi của CTCK khi tham gia vào vai trò này như thế nào?
Theo ông Cường, đã có một số quy định cho phép CTCK làm maket maker như được mua - bán cổ phiếu trong ngày, được liên kết với CTCK khác để tạo lập cung cầu. Vấn đề nằm ở chỗ, CTCK phải có tiền và chứng khoán. Bên cạnh tiềm lực tài chính thì CTCK phải có cổ phiếu mà mình bảo trợ. Nếu CTCK là cổ đông lớn tại một DN giao dịch trên UPCoM sẽ là động lực quan trọng tạo thanh khoản cho cổ phiếu đó. Cụ thể như trường hợp của CTCP Tập đoàn HIPT. Do là cổ đông lớn của DN này nên khi thực hiện hỗ trợ, tư vấn cho HIPT từ những ngày đầu giao dịch, TVSI đã thể hiện vai trò tạo lập thị trường cho cổ phiếu này. TVSI có thể đặt ra giá mua, giá bán để thỏa mãn nhu cầu của thị trường. Đôi khi, TVSI mua vào bằng với chính mức giá vừa bán ra (không có chênh lệch), chủ yếu nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu.
Bên cạnh nguyên nhân chưa có văn bản quy định cụ thể về market maker, khó khăn về phương thức khớp lệnh cũng làm giảm đi sự hưng phấn của CTCK khi tham gia thị trường UPCoM. CTCP Cafico Việt Nam (CFC), một trong những mã cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM có tính thanh khoản khá thấp. Đại diện CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), đơn vị đứng ra hỗ trợ cho DN này cho biết, sự kém sôi động của sàn này chính là nguyên nhân khiến NĐT chưa thực sự quan tâm. Lợi thế về công nghệ (khớp lệnh tự động) chưa được áp dụng tại UPCoM làm mất đi tính linh hoạt. Vị đại diện này cho biết, sàn Nasdaq (Mỹ) cũng là một sàn OTC, nhưng lệnh được khớp tập trung nên linh hoạt hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật, CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, thị trường đăng ký giao dịch là thị trường dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, nhưng quy định khớp lệnh thủ công như hiện tại làm mất thời gian của các đại diện giao dịch, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến sự sôi động của thị trường. Ngoài ra, cách thức khớp lệnh thủ công cũng làm lãng phí tài nguyên của hệ thống giao dịch, khi hệ thống chỉ làm một nhiệm vụ là truyền tải thông tin lên bảng điện và làm động tác tính toán, xác nhận kết quả giao dịch cuối cùng. Cách thức khớp lệnh như trên nếu kéo dài có thể làm CTCK bớt hào hứng với thị trường UPCoM.
Tham khảo của ĐTCK tại nhiều CTCK cho thấy, trong khi cơ quan quản lý hy vọng sự năng động của CTCK sẽ mang lại tính thanh khoản cao cho cổ phiếu mà họ bảo trợ (tìm người mua, người bán) thì nhiều CTCK lại thụ động ngồi chờ NĐT tìm đến. Có lẽ, cũng không thể trách CTCK, bởi họ chưa có nghĩa vụ phải bỏ công sức làm market maker, trong khi quyền lợi bù đắp lại vẫn chưa biết ra sao.
“Cơ quan quản lý đã rất nỗ lực tạo ra một sân chơi lớn cho CTCK trên thị trường UPCoM. Vậy nhưng, cũng giống như bóng đá, khi không có động lực thi đấu thì sẽ chỉ là những trận cầu tẻ nhạt, vắng bóng người xem cho dù sân bãi được xây dựng hoành tráng”, đại diện một CTCK nói.
Vậy động lực cho CTCK là gì, quyền lợi và nghĩa vụ của market maker ra sao... là những vấn đề đang cần lời giải đáp trên con đường mục tiêu giúp UPCoM sôi động.
Hiền Linh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|