Lợi nhuận vẫn đổ vào công ty niêm yết
Gần 30% số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM đã có báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm 2009, và phần lớn đều đạt hơn 60% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm. Đó là những tín hiệu rất sáng dù nền kinh tế còn không ít khó khăn...
Với hàng loạt dự án căn hộ được chủ đầu tư xả hàng ra bán cùng với sự tăng giá trở lại của đất dự án, thị trường bất động sản được đánh giá đã có sự hồi phục sớm hơn dự kiến, ít nhất là về thanh khoản. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp hầu hết công ty niêm yết thuộc ngành này đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong nửa đầu năm 2009.
Sẽ về đích sớm
Dẫn đầu trong nhóm này phải kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với lợi nhuận đạt khoảng 762 tỉ đồng, tương đương 66% kế hoạch năm. Và theo kế hoạch vừa được điều chỉnh, đơn vị này dự kiến lợi nhuận năm 2009 đạt 1.400 tỉ đồng, tăng 22% so với kế hoạch ban đầu.
Tương tự, Công ty CP đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) dự kiến đến hết quý 3-2009 sẽ đạt kế hoạch lợi nhuận năm, dù kế hoạch lợi nhuận năm nay của đơn vị này tăng 17,73% so với năm 2008. Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt hơn 71% kế hoạch năm...
Không chỉ ngành bất động sản, hoạt động xây dựng sôi động trở lại cũng giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng ăn nên làm ra. Chẳng hạn, chỉ trong sáu tháng đầu năm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã đạt 112% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm 2009, giúp đơn vị này tự tin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm tăng gần 35,5% so với trước đó.
Mặc dù hầu hết doanh nghiệp ngành cao su đều gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm do thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng đạt những con số ấn tượng. Một số doanh nghiệp cao su cho biết doanh thu trong nửa đầu năm đều đạt tỉ lệ khá thấp so với kế hoạch, thậm chí có đơn vị chỉ đạt 33% kế hoạch doanh thu nhưng lợi nhuận lại đạt hơn 50% kế hoạch, như: Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC), Công ty CP cao su Đồng Phú (DPR)...
Cá biệt có Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm đã đạt gấp 3,3 lần kế hoạch năm! Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm tiêu dùng như Công ty CP Sữa VN (VNM), đầu tư tài chính như Tổng công ty Tài chính CP dầu khí VN (PVF), ngân hàng như Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB), Sacombank... cũng có kết quả kinh doanh khá tốt.
Kỳ vọng, nhưng thận trọng!
“Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là sau khi Chính phủ đưa ra các gói kích cầu...”, chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định. Theo ông Chí, dòng tiền chảy vào nền kinh tế nhiều hơn những tháng vừa qua, trong đó có những khoản vay ưu đãi lãi suất. Tuy nhiên, từng ngành nghề lại có đặc thù riêng. Chẳng hạn như bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã tung sản phẩm ra bán khi thanh khoản của thị trường này tăng trở lại giúp doanh thu và lợi nhuận của những đơn vị này tăng mạnh. Các doanh nghiệp ngành cao su lại hưởng lợi từ hiện tượng giá dầu tăng mạnh những tháng vừa qua, kéo giá cao su tự nhiên tăng theo.
Riêng những doanh nghiệp đầu tư tài chính, việc bán ra những chứng khoán đã bắt đầu sinh lợi cũng như hoàn nhập những khoản dự phòng trước đó đã giúp lợi nhuận của những doanh nghiệp này tăng đột biến. Ông Chí cũng cho rằng trừ những doanh nghiệp đầu tư tài chính, chứng khoán hay ngân hàng, điểm tích cực nhất là hầu hết công ty đều xây dựng kế hoạch năm 2009 cao hơn năm trước và đều vượt qua. “Với những kết quả tích cực trong báo cáo sơ bộ của nhiều công ty niêm yết, hoàn toàn có thể tin tưởng những đơn vị này sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay”, ông Chí nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Thạch Lân, giám đốc chi nhánh Công ty chứng khoán SME tại TP.HCM, với những kết quả sơ bộ được nhiều công ty niêm yết công bố, nhà đầu tư có thể kỳ vọng tốt hơn về hoạt động kinh doanh của những đơn vị này vào cuối năm. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ báo cáo tài chính trước khi quyết định chọn mua một mã chứng khoán nào đó. “Điều mà nhà đầu tư cần quan tâm là doanh thu của doanh nghiệp đến từ nguồn nào, tỉ suất lợi nhuận ra sao, định mức chi phí thế nào... chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào con số lợi nhuận” - ông Lân nói.
Theo ông Lân, dù lợi nhuận tăng nhưng nếu tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp lại giảm so với năm trước hoặc chi phí trên doanh thu tăng, lợi nhuận đó vẫn chưa phải là một yếu tố hấp dẫn và càng không thể xem là làm ăn hiệu quả. Chẳng hạn, một doanh nghiệp cho biết lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm đạt xấp xỉ 91% kế hoạch năm nay. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của đơn vị này trong quý vừa qua quá cao, gấp hơn năm lần so với quý trước đó, chưa kể chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi và cao nhất trong ba quý gần đây, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ba tháng vừa qua không cao. Ngoài ra, ông Lân cũng cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng đối với những doanh nghiệp đầu tư tài chính đạt lợi nhuận cao nhờ hoàn nhập dự phòng, cũng như những công ty có lợi nhuận bất thường...
Hoài Giang
Tuổi trẻ
|