Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm: Chờ con số lạc quan
Các ngân hàng bắt đầu cập nhật dữ liệu về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, dự báo sẽ có những con số lạc quan về lợi nhuận.
Cuối chiều 1/7, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank) là thành viên sớm nhất trong hệ thống chính thức công bố kết quả hoạt động sau 6 tháng đầu năm 2009.
Tính đến hết ngày 30/6/2009, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank đã chốt ở con số 585 tỷ đồng; sau trích lập dự phòng rủi ro khoảng 112 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 473 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 26% trên vốn điều lệ bình quân. “Trong điều kiện tình hình kinh tế tiếp tục bình ổn như hiện nay, việc vượt chỉ tiêu về mọi mặt so với kế hoạch đề ra của Maritime Bank là điều hoàn toàn có thể đạt được”, ngân hàng này nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, tổng tài sản của Maritime Bank đã đạt 46.000 tỷ đồng, tăng 143% so với đầu năm; tổng nguồn vốn huy động đạt 43 ngàn tỷ đồng.
Trước Maritime Bank, một số ngân hàng thương mại cũng đã có dự tính tương đối về khả năng lợi nhuận đạt được sau 6 tháng đầu năm nay.
Dẫn đầu về giá trị tuyệt đối là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trước ngày thực hiện niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (30/6), lãnh đạo Vietcombank dự tính 6 tháng đầu năm 2009 lợi nhuận trước thuế sẽ đạt khoảng 2.400 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng rủi ro).
Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự báo sẽ có đột phá về lợi nhuận trong tháng 6 này; và con số chung sau 6 tháng có thể đạt tới 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (5 tháng đầu năm đã đạt 674 tỷ đồng). Lãnh đạo Eximbank cho biết, một lợi thế của ngân hàng này là có nguồn vốn lớn và rẻ để tạo cạnh tranh trong phát triển tín dụng.
Là thành viên mới đi vào hoạt động, nhưng dự tính Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) cũng sẽ có con số lạc quan. Chiều 1/7, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank, cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 6 tháng đầu năm dự tính đạt khoảng 340 tỷ đồng; trong đó chủ yếu có từ nguồn thu dịch vụ và các sản phẩm phái sinh, chiếm khoảng 80%.
Trong thông tin tuần qua, Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) cũng ước tính khả năng 6 tháng đầu năm sẽ thu về khoảng 160 tỷ đồng lợi nhuận, bằng khoảng 57,5% kế hoạch cả năm, sau khi đã đạt hơn 125 tỷ đồng ở 5 tháng trước.
Dự kiến cuối tuần này, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Sacombank, SCB, ABBank, Techcombank, DongA Bank… cũng sẽ lần lượt công bố những con số cụ thể.
Điểm có thể xác định là tỷ trọng nguồn thu từ lãi sẽ chiếm phần lớn trong lợi nhuận của các nhà băng 6 tháng đầu năm này. Trong báo cáo những tháng đầu năm, đó là tỷ lệ trên 60% khá phổ biến trong cơ cấu của nhiều thành viên. Tỷ lệ này cũng khớp với chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đã được xác định chung từ đầu năm.
Với thị trường niêm yết, ngoài con số đã dự tính của Vietcombank, nhà đầu tư đang chờ đợi công bố chính thức của hai “ông lớn” Sacombank và ACB. 5 tháng đầu năm, lợi nhuận của hai thành viên này khá khiêm tốn so với kế hoạch năm, nhưng chưa bao gồm phần “góp” của các công ty trực thuộc.
Cũng theo báo cáo tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại, một thuận lợi cho kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm là việc “thoát” dần khỏi nguồn vốn huy động với chi phí rất cao trong năm 2008, khi lãi suất có từ 18% - 19%/năm. Như tại Sacombank, các khoản này đã được chấm dứt khá sớm, từ tháng 2/2009.
Liên quan đến lãi suất và nguồn thu từ tín dụng, trong tháng 5 và 6, một số thành viên đã nâng lãi suất huy động VND lên tới trên 9%, thậm chí 10%/năm; theo đó tỷ lệ lãi biên bị rút ngắn và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi.
Cuối tuần này, khi các thành viên lần lượt công bố, bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2009 sẽ toàn diện hơn. Kết quả chung có thể dự tính trước là sau năm 2008 khó khăn, cỗ máy lợi nhuận của các nhà băng đang vận hành tốt hơn trong nửa đầu năm 2009.
Minh Đức
TBKTVN
|