Thứ Ba, 21/07/2009 06:29

Làm mới lại doanh nghiệp

Thông tin về các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) diễn ra ngày càng nhiều hơn tại VN. Các chuyên gia cho rằng VN đang trở thành thị trường mua bán sáp nhập sôi động nhất trong khu vực, bởi đây là một trong những phương thức giúp tái cấu trúc DN hiệu quả.

WPP - một tập đoàn truyền thông lớn của Anh - đã thông qua công ty con của mình là Ogilvy & Mather mua một công ty truyền thông VN là T&A. Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế (ICP) mua 51% cổ phần Công ty cổ phần thực phẩm Thuận Phát, Campina sáp nhập với Dutch Lady... Danh sách các công ty được mua bán đang ngày một dài ra.

Mua để tiếp cận nhanh thị trường

Sir Martin Sorrell, người sáng lập WPP, đã đích thân sang VN công bố việc mua T&A và thành lập Công ty liên doanh T&A Ogilvy. Bằng hình thức tương tự, tập đoàn có doanh số trên 12 tỉ USD này hiện có mười công ty con hoạt động trong ngành truyền thông, quảng cáo, nghiên cứu thị trường tại VN.

Trước T&A, WPP đã mua cổ phần Công ty truyền thông Smart Media và ba công ty con của Tập đoàn Đất Việt... “Xét về quy mô, thị trường quảng cáo VN chưa bằng Thái Lan nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh cộng với lớp người tiêu dùng trẻ, dân số lớn, VN sẽ mau chóng trở thành thị trường lớn của khu vực” - tổng giám đốc WPP Martin Sorrell nhận xét. Chú trọng đến những thị trường mới nổi và nhìn thấy tiềm năng to lớn của VN nên WPP chọn cách tiếp cận thị trường nhanh nhất là mua lại và sáp nhập với các công ty địa phương.

Trường hợp của Thuận Phát và ICP cũng xoay quanh câu chuyện phát triển thị trường. Tại buổi lễ công bố gần đây, bà Trương Lan Anh - tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Thuận Phát - thừa nhận sự khó khăn trong việc phát triển hệ thống phân phối nên muốn dựa vào ICP để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình. Theo ông Cao Sỹ Kiêm - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, sáp nhập đang là nhu cầu rất lớn của nhiều DN nhỏ và vừa bởi đây là một trong những phương thức giúp tái cấu trúc DN hiệu quả. Ông Kiêm cũng cho rằng xu hướng này đang tiến triển tốt.

Tăng sức mạnh

Giới kinh doanh cũng không ngạc nhiên khi gần đây Unilever VN đã chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài sau khi mua lại trên 33% cổ phần của phía đối tác VN trong liên doanh. Nổi cộm nhất trong ngành dệt may có thể kể đến việc Tổng công ty Dệt may VN (Vinatex) mua lại toàn bộ máy móc trang thiết bị của đối tác Hàn Quốc, chiếm 60% phần vốn góp trong liên doanh Nhà máy dệt nhuộm Yên Mỹ (KCN Phố Nối, Hưng Yên).

Theo ông Lê Tiến Trường - phó tổng giám đốc Vinatex, việc mua lại diễn ra khá suôn sẻ khi bản thân Vinatex có nhu cầu tăng tỉ lệ phần vốn nắm giữ, còn đối tác nước ngoài cũng muốn bán đi những gì đã đầu tư vào trong liên doanh trước đó. Ông Trường xác nhận: “So với tự đầu tư mới, toàn bộ chi phí mua lại này rẻ hơn rất nhiều”. Một lợi ích khác khiến thương vụ diễn ra trôi chảy là không phải mất thêm một khoản chi phí trong việc tháo ráp máy móc. Ông Trường khẳng định hiệu quả được nâng lên thấy rõ sau khi toàn bộ số máy móc thiết bị mới được dành sản xuất ra các sản phẩm vải tăng cung cho thị trường nội địa.

Theo Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, tổng giá trị mua bán, sáp nhập trong nửa đầu năm nay đã giảm phân nửa nhưng số lượng các thương vụ tăng gấp đôi. Giai đoạn 2009-2011 được đánh giá là nóng bỏng khi tiến trình cổ phần hóa các DN nhà nước được đẩy mạnh. Bên cạnh đó là việc các công ty tư nhân thành công bắt đầu mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, - PricewaterhouseCoopers, sáu tháng đầu năm 2009 có gần 60 vụ sáp nhập, mua bán DN, giá trị trên 600 triệu USD. Năm 2008 có 146 vụ, giá trị hơn 1 tỉ USD. Năm 2007 với 108 vụ, giá trị 1,7 tỉ USD.

Dutch Lady sáp nhập với Campina

Hai tập đoàn sản xuất sữa hàng đầu Hà Lan là Royal Frieslandfoods và Campina vừa hợp nhất đầu năm 2009. Với sự hợp nhất này, Royal FrieslandCampina đã trở thành một trong bốn tập đoàn sữa lớn nhất thế giới, sở hữu hơn 30 nhãn hàng nổi tiếng, đạt doanh thu 9,5 tỉ euro.

Tại VN, Công ty Frieslandfoods Dutch Lady VN thuộc Tập đoàn thực phẩm Royal Frieslandfoods đã chính thức đổi tên thành FrieslandCampina VN từ ngày 21-7-2009. Theo ông Jan Bles - tổng giám đốc FrieslandCampina VN, việc hợp nhất sẽ đưa quy mô cung cấp ra thị trường VN trên 1,5 tỉ suất sữa các loại, trị giá khoảng 350 triệu USD/năm.

Lê Nguyên Minh - Trần Vũ Nghi

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   CTCK Tân Việt thành lập CN Đà Nẵng, Hải Phòng, Hoàn Kiếm (21/07/2009)

>   Chứng khoán Rồng Việt lãi gần 31 tỷ đồng trong quý 2 (20/07/2009)

>   Seabank lãi gần 138 tỷ đồng trong quý 2 (20/07/2009)

>   PVC ra mắt 2 đơn vị thành viên mới (20/07/2009)

>   UPCoM-Index giảm sát mức 70 điểm (20/07/2009)

>   SJCS: Vi phạm chế độ báo cáo (20/07/2009)

>   Vietstock thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2009 (20/07/2009)

>   OTC đuối giá (20/07/2009)

>   BSC bị tạm ngắt kết nối giao dịch trực tuyến sàn HOSE (20/07/2009)

>   DIC Corp. chốt danh sách cổ đông lưu ký CP ngày 31/7 (20/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật