Khối ngoại mua ròng: Dấu hiệu khả quan
Động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần cuối cùng của tháng 6/2009 và kéo dài sang những phiên đầu tiên của tháng 7/2009 đặt ra không ít dấu hỏi cho các nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, hoạt động mua ròng trong thời điểm cuối quý của nhà đầu tư nước ngoài chỉ nhằm mục đích làm đẹp giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV).
Một phần cơ sở của nhận định này chính là động thái mua ròng khi gần kết thúc quý đã diễn ra liên tiếp từ cuối quý III/2008 đến nay. Bộ phận phân tích của SSI nhận định: “Theo chu kỳ, sau khi hết nhu cầu nâng đỡ NAV, nhà đầu tư nước ngoài giảm mua và tăng bán. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán ròng trong tuần tới”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc mua ròng của đối tượng này còn nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường điều chỉnh giảm mạnh như thời gian vừa qua. Điều này được chứng minh khi động thái mua ròng của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì đến phiến giao dịch ngày 6/7. Trong phiên đầu tuần này (6/7), dù nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh các hoạt động bán ra nhưng giá trị mua vào vẫn cao hơn so với giá trị bán ra.
|
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE từ ngày 30/6 đến 6/7/2009 |
Nguyên nhân là do các cổ phiếu bluechips vẫn được họ mua khá đều tay, trong khi đó thị trường tăng trở lại là cơ hội để họ bán ra những cổ phiếu có ý định cơ cấu danh mục đầu tư. Tính chung, phiên giao dịch này khối ngoại mua vào 2.449.850 chứng khoán với giá trị 120,5 tỷ đồng. Tăng 4,61% về khối lượng và tăng 23,76% về giá trị so với phiên giao dịch trước đó. Họ bán trong toàn phiên 3.254.860 chứng khoán với giá trị 111,726 tỷ đồng. Tăng 90,34% về khối lượng và tăng 44,90% về giá trị so với phiên trước đó. Bên cạnh đó, những mã cổ phiếu của đối tượng đầu tư nước ngoài mua ròng trong thời gian qua đều là những cổ phiếu đã dẫn dắt thị trường và có thể ước đoán được lợi nhuận kinh doanh khả quan trong quý II/2009. Các mã được nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua trong thời gian gần đây là những bluechips có tác động đến chỉ số VN-Index như DPM, FPT, HPG, STB, SSI, VF1... và đặc biệt là cổ phiếu mới lên sàn BVH và VCB.
Có thể nói, dù từ đầu năm 2009 đến nay, hoạt động mua bán của đối tượng đầu tư này không còn nắm giữ vai trò dẫn dắt thị trường nhưng động thái mua ròng của họ cũng đã làm “an lòng” không ít nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh như vừa qua. Theo SSI:“Đầu năm 2009, khi nhà đầu tư nước ngoài dừng mua ròng cổ phiếu VN, TTCK giảm điểm. Thời điểm đó, các thông tin vĩ mô khá xấu và gói hỗ trợ kinh tế chưa được công bố nên thị trường lao dốc liên tục cho đến cuối tháng 2”. Từ đó có thể thấy, hoạt động mua vào của đối tượng đầu tư này ít nhiều cho thấy triển vọng sáng sủa của nền kinh tế VN trong thời gian tới.
Thụy Du
DIỄN ĐÀN CHỨNG KHOÁN
|