Thứ Sáu, 03/07/2009 10:44

Khoảng trống OTC

Liên tục đặt bán cổ phiếu Mai Linh trong nhiều ngày với giá thấp thông qua một trang web chuyên về thị trường OTC, NĐT tên Hoàng vẫn chưa tìm được người mua. Cách đây hơn 2 năm, anh đã “ôm” cổ phiếu này theo lời hứa của ông Chủ tịch HĐQT rằng, DN sẽ lên sàn vào ngày 8/8/2008... Lời hứa niêm yết không thành, anh chỉ mong cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường UPCoM để có thể dễ mua - bán.

Rất nhiều cổ phiếu khác trên thị trường OTC cũng đang trong tình trạng án binh bất động như vậy. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kích thích giao dịch cổ phiếu (ngoại trừ yếu tố thị trường) của hàng nghìn CTCP đang tồn tại hiện nay?

Dồn hết vào UPCoM: không tưởng?

Trước ngày UPCoM đi vào vận hành, cơ quan quản lý đã có một số động thái để tạo hàng cho thị trường này. Ngoài việc tuyên truyền về một thị trường thứ 3 với nhiều ưu việt còn có các biện pháp hành chính nhằm từng bước đưa DN vào sàn này. Cụ thể, Công văn số 1044/UBCK-QLPH đã đề ra lộ trình để các công ty đại chúng (CTĐC) thực hiện lưu ký cổ phiếu. Theo đó, giai đoạn 1 (từ 1 - 15/6/2009) sẽ là 15 - 20 CTĐC chưa niêm yết đăng ký tham gia giai đoạn đầu của thị trường UPCoM. Giai đoạn 2 (từ 15/6 - 30/9/2009), các CTĐC chưa niêm yết có CTCK quản lý sổ cổ đông và các công ty tự nguyện. Giai đoạn 3 (từ 30/9 - 31/12/2009), tất cả các CTĐC còn lại (bao gồm cả công ty đã và chưa đăng ký với UBCK).

Có thể nói, lộ trình trên của UBCK là một kế hoạch đầy tham vọng nhưng không mấy khả thi, bởi chỉ từ nay đến cuối năm số lượng DN đăng ký thực hiện lưu ký đã lên đến gần 1.000 công ty; chưa kể số lượng khá lớn DN chưa đăng ký CTĐC với UBCK. Vấn đề không chỉ ở khối lượng lớn, các công ty ngại công bố thông tin mà còn nằm ở chỗ: sau khi lưu ký thì việc giao dịch cổ phiếu trở nên khó khăn hơn. Theo Công văn 1044, sau khi đăng ký, lưu ký tập trung, nếu công ty đăng ký niêm yết thì thực hiện theo quy định đối với chứng khoán niêm yết. Trường hợp công ty chưa niêm yết thì việc chuyển nhượng và thanh toán thực hiện theo Điều 32 Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 87/2007/QĐ-BTC. Theo Điều 32, đối với giao dịch mua - bán chứng khoán chưa niêm yết của CTĐC, Trung tâm Lưu ký chứng khoán thanh toán giao dịch căn cứ vào kết quả giao dịch của NĐT được thực hiện tại các CTCK và chuyển vào Trung tâm Lưu ký chứng khoán thông qua Trung tâm GDCK (nay là Sở GDCK Hà Nội - HNX). Nếu qua HNX thì tất cả các công ty chỉ còn cách thông qua hệ thống giao dịch UPCoM. Điều này khác với trước đây là người mua gặp người bán và chỉ cần xác nhận của HĐQT công ty đại chúng là giao dịch thành công.

Với Công văn 1044, ai cũng hiểu các CTĐC buộc phải vào UPCoM. Điều này là khó thực hiện khi năng lực của hệ thống lưu ký cũng như những tồn tại của hệ thống giao dịch UPCoM chưa được cải thiện.

Nên tổ chức thị trường thứ 4?

Tính đến ngày 2/7, UPCoM đã mất 29,09 điểm (tương ứng với số phần trăm) sau hơn 1 tuần vận hành. Con số này không nói lên nhiều điều bởi chỉ số chứng khoán lên xuống chủ yếu phụ thuộc vào xu hướng thị trường. Vậy nhưng, nhiều bất cập phát sinh trong quá trình giao dịch lại làm bất ngờ ngay cả những người trong cuộc. Chẳng hạn, việc khớp lệnh thủ công gây ra phiền toái cho CTCK, người bán mất cơ hội gặp người mua ở mức giá tốt nhất. Hay việc chỉ cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán được phép mua - bán trong ngày đã tước đi cơ hội của NĐT nhỏ lẻ. Giao dịch với biên độ hẹp và thời gian thanh toán T+3 cũng khiến UPCoM chưa hấp dẫn so với thị trường OTC.

Theo một chuyên gia chứng khoán, UPCoM thực chất vẫn là thị trường OTC. Cơ quan quản lý cũng nhiều lần khẳng định đây là thị trường OTC có quản lý. Tuy nhiên, những quy định quá chặt chẽ trong giao dịch cùng với việc soát xét hồ sơ kỹ lưỡng lại khiến nhiều DN quan niệm đây là thị trường niêm yết bậc thấp. DN ngại đăng ký khiến hàng hóa ít ỏi, NĐT ngại giao dịch do những bất tiện của cơ chế khớp lệnh khiến thanh khoản quá thấp. Thị trường UPCoM khiến người ta liên tưởng đến một cái chợ mới xây được đầu tư tốt hơn, vị trí đắc địa hơn nhưng vẫn không thu hút được người đến mua - bán bởi không mang theo những thông lệ giao dịch đã hình thành từ nhiều năm.

Mới đây, một quan chức của UBCK cho biết, cơ quan quản lý có ý định xây dựng phương án tổ chức một thị trường thứ 4 bên cạnh 3 thị trường đang tồn tại, nhằm giao dịch cổ phiếu OTC. Điều này nhằm khắc phục những hạn chế của UPCoM, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các giao dịch OTC. Theo ý tưởng ban đầu, có thể để CTCK làm đầu mối khớp nối các giao dịch như bộ phận môi giới OTC đang làm hiện nay. Tuy nhiên, cách thức giao dịch phải tiện lợi hơn, có sự hỗ trợ cho NĐT với nhiều công cụ mới…

Rõ ràng, việc định vị và tổ chức một thị trường OTC cho đúng nghĩa đang là yêu cầu thực tiễn của thị trường mà cơ quan quản lý đã nhận ra. Trong đó, việc “cởi trói” cho UPCoM hay xây dựng thêm một thị trường giao dịch OTC là hai lựa chọn cần cân nhắc.

Thanh Đoàn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thuỷ điện Bắc Nà được khởi công xây dựng (03/07/2009)

>   PVC Hồng Hà sẽ tăng vốn lên 80 tỷ đồng (03/07/2009)

>   “Siêu tổng công ty” tiếp tục thoái vốn tại hơn 200 DN (03/07/2009)

>   CTCP SX và TM Phúc Tiến: Nộp hồ sơ đăng ký niêm yết (02/07/2009)

>   OSC: Chuyển nhượng vốn Điều lệ (02/07/2009)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ sáu liên tiếp (02/07/2009)

>   Tái cấu trúc Huyndai - Vinamotor: Chuyện chưa thể khép lại! (02/07/2009)

>   Mai Linh công bố BCTC, BCTN và Nghị quyết ĐHCĐ 2009 (02/07/2009)

>   VIDIFI được phép huy động vốn cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (02/07/2009)

>   Maritime Bank đạt 473 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng (02/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật