Thứ Tư, 29/07/2009 21:45

Gian nan phận “tiểu gia”

Theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ, vốn pháp định đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đến năm 2010 phải đạt 3.000 tỷ đồng. Để đạt được mức vốn quy định này là chặng đường đầy thách thức đối với nhiều tổ chức tín dụng trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước suy giảm.

Có không ít NHTMCP không bị sức ép tăng vốn theo quy định nhưng vẫn thông báo tăng mạnh vốn điều lệ với tham vọng nâng cao tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động theo lộ trình phát triển của mình.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chấp thuận một loạt NHTMCP tăng vốn điều lệ như: ACB tăng từ 6.355 tỷ lên 7.814 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và trái phiếu chuyển đổi. Eximbank tăng từ 7.219 tỷ lên 8.800 tỷ đồng bằng việc phân phối cổ phần thặng dư với tỷ lệ 22%. MB tăng từ 3.400 tỷ lên 3.820 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chuyển đổi phát hành đợt I-2007. Southembank tăng từ 2.027 tỷ lên 2.304 tỷ đồng từ trả cổ tức năm 2008 và phát hành phiếu thưởng bằng nguồn thặng dư vốn cổ phần...

Các NHTMCP khác thông báo phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

Cụ thể, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận cho DongA Bank chào bán 52 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000đồng/cổ phiếu. Hiện ngân hàng này có vốn điều lệ 2.880 tỷ đồng.

Việc sử dụng nguồn thặng dư và lợi nhuận để lại để tăng vốn về bản chất không làm thay đổi quy mô nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng, chỉ làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành và pha loãng chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu.

Do vậy, hầu hết các NHTMCP tăng vốn từ nguồn này đều được sự ủng hộ của các cổ đông, ngân hàng chỉ chịu áp lực về việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả, bảo đảm cổ tức.

Việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn ở các ngân hàng lớn cũng được cho rằng không bị quá nhiều áp lực vì các ngân hàng này có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm rất khả quan, tạo được kỳ vọng của cổ đông về sự tăng tốc phát triển và bảo đảm cổ tức trong thời gian tới.

Hiện nay, để đảm bảo đợt phát hành thành công, các ngân hàng đều chọn cách bán cổ phần ngang mệnh giá, thay vì bán giá cao như những năm trước. Mua cổ phiếu các ngân hàng lớn với giá gốc và nhận cổ tức cao là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn được nhiều cổ đông chấp nhận.

Gian nan phận “tiểu gia”

Trong khi các ngân hàng lớn rầm rộ cho kế hoạch tăng vốn thì các ngân hàng “chiếu dưới” tỏ ra thận trọng.

Ông Trương Hoàng Lương, Tổng Giám đốc KienLongBank, cho rằng, năm 2010 mới là hạn chót đối với lộ trình tăng vốn điều lệ 3000 tỷ đồng, nên năm nay không bắt buộc chạy đua. Nhưng để giảm áp lực cho năm sau, tháng 11/2009 KienLongBank sẽ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 1.000 tỷ đồng để đưa vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ năm nay vô cùng khó khăn, khả năng thành công thực sự không mấy lạc quan. Hiện nay chưa là thời điểm thuận lợi để tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu. Bởi lẽ, cổ phiếu các ngân hàng nhỏ gần như đóng băng trên thị trường OTC. Những cổ đông của các ngân hàng này lại hạn chế về vốn. Một lượng tiền không nhỏ của cổ đông đã bị đọng lại trên thị trường OTC thời gian qua cũng làm nhà đầu tư mất máu, khó có khả năng tung vốn đầu tư tiếp.

Do vậy, dù ngân hàng hiện nay kinh doanh tốt, các cổ đông cá nhân lẫn pháp nhân có nhiệt huyết với sự phát triển của ngân hàng, họ cũng đang gặp khó khăn, khó móc hầu bao tiếp vốn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng vốn của ngân hàng theo lộ trình có đạt hay không phụ thuộc phần lớn vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Nếu thị trường chứng khoán chưa ổn định, chưa có sự bứt phá mạnh kéo theo giá cổ phiếu tăng, thì việc tăng vốn không hề đơn giản.

Đặc biệt, cuộc chạy đua tăng vốn của các ngân hàng lớn càng khiến kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng nhỏ thêm khó khăn.

Theo Chủ tịch hội đồng quản trị của một số NHTMCP nhỏ, hy vọng từ nay đến cuối năm khi thị trường chứng khoán thế giới phục hồi sẽ phát tác hiệu ứng, kéo theo sự phục hồi của thị trường trong nước, mở ra cơ hội cho ngân hàng nhỏ tăng vốn.

Còn nếu thị trường cứ lình xình như hiện nay, không có gì đảm bảo việc tăng vốn thành công như mong đợi.

Vất vả tìm vốn ngoại

Tăng vốn điều lệ từ vốn đầu tư nước ngoài được xem là giải pháp quan trọng đối với nhiều NHTMCP.

Năm ngoái, có nhiều ngân hàng tạm hoãn, tạm dừng việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài bởi khủng hoảng tài chính thế giới. Nhưng đến thời điểm này, việc huy động vốn ngoại của các ngân hàng vẫn hết sức khó khăn dù thời gian gần đây có những nhận xét khá lạc quan về tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng: Các ngân hàng chào bán cổ phần cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong nước bằng mệnh giá gốc cũng rất khó bán, vì thực tế giai đoạn này các doanh nghiệp đều khan vốn và nợ ngân hàng. Các tập đoàn và tổng công ty có vốn lớn không còn được phép đầu tư vào các ngành nghề nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán.

Trong khi đó, việc tìm cổ đông chiến lược nước ngoài càng khó khăn hơn khi không ít ngân hàng hàng đầu thế giới vẫn lao đao đối phó với các thua lỗ lớn do khủng hoảng tài chính gây ra tại nước họ. Điều này tất yếu dẫn đến hoạt động mở rộng đầu tư ra nước ngoài không được ưu tiên nữa.

Hầu hết các NHTMCP nhỏ chưa bán cổ phần cho đối tác chiến lược đều có chung câu trả lời là đang trong quá trình đàm phán để tìm đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

Tuy nhiên, ngay cả những NHTM hàng đầu như VCB, Vietinbank vẫn còn không ít khó khăn trong việc chọn đối tác chiến lược thì các NHTMCP nhỏ, thương hiệu chưa chưa mạnh, kết quả kinh doanh chưa ấn tượng lại càng khó hơn.

Điều này còn lấn cấn ở việc nếu bán ở thời điểm này thì mức thặng dư vốn thấp, cổ đông không mong muốn. Hơn nữa, trong giai đoạn này rất khó kiếm được đối tác chiến lược đủ tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng ngoại có ý định đầu tư lâu dài, góp phần cho sự phát triển lớn mạnh của ngân hàng trong nước trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa dứt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, cho biết: để nâng cao tính khả thi của việc thực hiện Nghị định 141/2006/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các NHTMCP có mức vốn điều lệ dưới 2000 tỷ đồng chủ động xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ tối thiểu 2000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2009, gửi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, theo dõi, giám sát và làm cơ sở tăng đủ vốn lên mức 3000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2010.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết đối với các NHTMCP không thực hiện đúng yêu cầu này.

Như vậy, đến nay, lộ trình mà Chính phủ đặt ra về vốn điều lệ của các NHTMCP vẫn chưa có gì thay đổi.

Mai Thảo

Tổ quốc

Các tin tức khác

>   SCB tăng vốn điều lệ lên 3.635 tỷ đồng (29/07/2009)

>   PECC3: Báo cáo tài chính tóm tắt Quý II năm 2009 (29/07/2009)

>   Phu My Wasuco: Tạm ứng chi trả cổ tức đợt 1 năm 2009 (29/07/2009)

>   VSC: HOSE ngắt kết nối giao dịch trực tuyến do vi phạm (29/07/2009)

>   BTP đạt 28,14 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng (29/07/2009)

>   Bất ngờ UPCoM! (29/07/2009)

>   Vinagolf và BamCorp chốt danh sách đăng ký chứng khoán (29/07/2009)

>   TVSI: Thành lập Chi nhánh (29/07/2009)

>   Du lịch Thanh Bình – Dự kiến lợi nhuận năm tăng 200% (29/07/2009)

>   1,5 triệu euro xây dựng nhà máy cung cấp thiết bị điện hàng hải (29/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật