Doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được Nhà nước trợ giúp
Ngày 30/6/09, Thủ tướng đã ký Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về việc trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo định nghĩa tại văn bản bản này, doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm.
Cụ thể, ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có từ 10 lao động trở xuống.
Doanh nghiệp nhỏ có từ trên 10 đến 200 lao động (riêng khu vực thương mại và dịch vụ có trên 10 đến 50 lao động), và có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống.
Có từ trên 20 đến 100 tỷ đồng và có từ trên 200 đến 300 lao động được định nghĩa là doanh nghiệp vừa tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ có từ trên 50 đến 100 lao động và có tổng nguồn vốn từ trên 10 đến 50 tỷ đồng.
Theo nghị định này, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước là chương trình mục tiêu được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, địa bàn và được bố trí trong kế hoạch hàng năm và 5 năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu tiên trợ giúp.
Tại quy định về trợ giúp tài chính, Nghị định cũng nêu rõ Nhà nước khuyến khích thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng cơ chế thành lập và hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng , mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tư vấn tài chính, quản lý đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác cho khách hàng là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông qua các chương trình trợ giúp đào tạo, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực lập dự án, phương án kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được quy định. Theo đó, nguồn vốn của quỹ này là vốn cấp từ ngân sách nhà nước; vốn đóng góp của các tổ chức trong nước; các khoản viện trợ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài, cá tỏ chức quốc tế, lợi nhuận từ các nhà hoạt động của quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Các chính sách trợ giúp về mặt bằng sản xuất, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiền mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực cũng được nêu rõ trong Nghị định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trung tâm xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được thành lập (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp) để triển khai thực hiện một số chính sách, chương trình trợ giúp, là đầu mối tư vấn và thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2009 và thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/01 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyên Hà
TBKTVN
|