Công nghệ “bói” giá chứng khoán: Giá lên hay xuống?
Các nhà đầu tư chứng khoán luôn đặt câu hỏi này và các công ty chứng khoán (CTCK) có câu trả lời thông qua những dự báo xu hướng của thị trường. Nhưng kinh nghiệm chung của nhà đầu tư là nghe, song đừng quá tin.
Đã hình thành công nghệ dự báo chứng khoán với những phần mềm phức tạp, trong đó dùng cả toán học, các lý thuyết phức tạp để phân tích và đưa ra dự báo. Thế nhưng, lời khuyên của các chuyên gia là dự báo chỉ là dự báo.
“Cột” hay “quạt”?
Nhận định cho phiên giao dịch ngày 1-7, một CTCK khẳng định như đinh đóng cột VN-Index sẽ “tiếp cận ngưỡng hỗ trợ 438 điểm” và trong trường hợp tiêu cực, nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ kế tiếp tại 405-410 điểm. Một CTCK khác lại cho rằng ngưỡng hỗ trợ của thị trường là 435 điểm và trong trường hợp ngưỡng này bị phá vỡ, VN-Index sẽ lùi về mốc 400 điểm.
Cũng trong phiên này, một CTCK lại khẳng định thị trường “sẽ giằng co, nhiều khả năng tín hiệu đi lên sẽ xuất hiện vào cuối phiên khớp lệnh liên tục”. Kết thúc phiên giao dịch 1-7, VN-Index mất đến 18,29 điểm và rơi xuống 430 điểm. Tuy nhiên, VN-Index sau đó đã bật lên, tăng trở lại trong hai phiên sau đó.
Không chỉ chuyện tăng hay giảm, các CTCK cũng dự báo khác nhau về ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự. Có CTCK cho rằng thị trường còn cơ hội cho nhà đầu tư ngắn hạn nhưng công ty khác lại khuyến cáo về rủi ro khi chứng khoán mà nhà đầu tư mua sẽ về tài khoản. Cứ thế chuyện dự báo chứng khoán giống như câu chuyện “thầy bói xem voi”, người bảo rằng con voi có hình dáng cây cột khi rờ chân, trong khi người khác bảo giống cái quạt khi rờ trúng tai... Tuy nhiên, việc dự báo thị trường là công việc hằng ngày của các CTCK, vì thế tin đến mức độ nào là tùy nhà đầu tư vì các dự báo chỉ mang tính tư vấn cho nhà đầu tư.
Mất tiền vì dự báo
Trong diễn đàn của một nhóm nhà đầu tư cá nhân, một nhà đầu tư tên Nghĩa than thở đã lỗ nặng vì tin “thầy bói”. Vào phiên giao dịch ngày 17-6, được một CTCK khuyến cáo là “sóng tăng” đang bắt đầu, anh Nghĩa mua vào cổ phiếu SSI với mức giá 69.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, những phiên sau đó thị trường diễn biến ngược chiều với dự báo và anh Nghĩa phải cắt lỗ khi cổ phiếu này về đến tài khoản, với mức giá chỉ còn 62.000 đồng/cổ phiếu!
Có thể kể ra đây hàng loạt dự báo “trật đường ray” của nhiều CTCK cũng như các tổ chức và chuyên gia uy tín. Chẳng hạn, vào những phiên cuối cùng của tháng 5-2009, hầu hết các CTCK đều khuyến cáo về khả năng giảm sâu của thị trường khi thấy VN-Index quay đầu giảm điểm, thậm chí có CTCK đưa ra mốc giảm sẽ là 370 điểm. Các CTCK cũng khuyến cáo nhà đầu tư bán ra để bảo toàn vốn, thay vì tiếp tục giữ cổ phiếu hay mua vào.
Nhiều nhà đầu tư nghe theo “thầy bói” sau đó phải vò đầu bứt tai vì vuột mất cơ hội kiếm lời, khi VN-Index bất ngờ tăng một mạch hơn 100 điểm. Tương tự, nhiều nhà đầu tư dốc vốn vào thị trường lúc VN-Index ở mức 500 điểm, khi nghe CTCK đưa ra “kỳ vọng” thị trường sẽ đạt 580-600 điểm, đã dở khóc dở mếu do VN-Index tuột dốc trong thời gian gần đây.
Dùng quá khứ đoán tương lai
Cơ sở nào để đưa ra dự báo với những con số cụ thể về diễn biến thị trường hay xu hướng của một cổ phiếu, tổng giám đốc một CTCK cho biết tất cả đều do phần mềm phân tích chứng khoán đưa ra, sau khi được cập nhật số liệu. Ngoài trường phái phân tích kỹ thuật (dựa vào thông số thị trường trong quá khứ thông qua các công cụ để dự báo) còn có trường phái phân tích cơ bản (dựa vào kinh tế vĩ mô, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp).
Các phần mềm này được xây dựng để tính toán, phân tích rất khoa học, kể cả ứng dụng toán học và các lý thuyết phức tạp. Với phân tích kỹ thuật, hiện có hàng ngàn công cụ dự báo, các CTCK kết hợp nhiều công cụ này để đưa ra dự báo. Còn sự khác nhau về con số dự báo giữa các CTCK là do mỗi công ty, tùy vào cách dự báo ngắn hạn (bốn ngày hay mười ngày...), trung hạn (vài tháng) hay dài hạn (nhiều tháng, thậm chí nhiều năm).
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dù sử dụng công cụ gì hay theo trường phái nào, những dự báo khó có thể chính xác. Bởi việc phân tích đều dựa vào những thông tin và số liệu của quá khứ, trong khi tương lai của chứng khoán lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố, cả tích cực lẫn tiêu cực, trong - ngoài nước.
Ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng kháng cự
* Ngưỡng hỗ trợ là ở một mức điểm nào đó, trên thực tế hoặc tiềm năng, có một lượng lớn cổ phiếu được mua vào giúp giá của chúng không giảm thêm (cầu lớn hơn cung).
* Ngưỡng kháng cự là ở mức điểm mà một lượng lớn cổ phiếu được bán ra khiến giá không tăng thêm nữa (cung lớn hơn cầu).
Hải Đăng
Tuổi trẻ
|